Người dân Trung Quốc gọi sự kiện Thiên An Môn là “64”, vì Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nghiền nát phong trào dân chủ của sinh viên vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Năm nay, trước thềm kỷ niệm 31 năm sự kiện vào hôm thứ Năm, không khí ở Bắc Kinh có vẻ căng thẳng hơn bình thường.
Chủ nhật ngày 4/6/1989 khoảng 10.454 người đã bị giết tại quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc
Quảng trường Thiên An Môn đã bị đóng cửa vì một số lý do nào đó vào chiều thứ Ba. Mặc dù đợt bùng dịch coronavirus đã lắng xuống và du khách đã trở lại từ đầu tháng 5, nhưng quảng trường rộng lớn này vẫn im ắng lạ thường.
Tôi chưa bao giờ thấy Thiên An Môn vắng như thế này quanh ngày 4 tháng 6. Thông thường nó chật cứng khách du lịch – và đối với tôi, đám đông dường như tượng trưng cho niềm tin của chính quyền rằng họ đã thành công trong việc đưa sự kiện vào quên lãng. Vì rốt cuộc thì học sinh Trung Quốc không được học về “64” trong trường và thuật ngữ này cũng không thể tìm kiếm trên mạng. Hầu hết người Trung Quốc ở độ tuổi 30 trở xuống đều biết rất ít về nó.
Nếu vậy, quảng trường trống vắng hôm nay chắc chắn là không bình thường.
Do coronavirus, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc rơi xuống vùng âm trong quý đầu năm, làm tăng nguy cơ bất mãn xã hội. Và cuối tháng trước, Nhân Đại đã phê chuẩn luật an ninh quốc gia mới nhằm cấm hoạt động bất đồng chính kiến ở Hồng Kông, gây phẫn nộ cho các nhà hoạt động dân chủ ở đó.
Vì vậy chính quyền sẽ không để ngày kỷ niệm Thiên An Môn có thể châm ngòi cho bất ổn ở thủ đô.
Xe bọc thép đang được triển khai đến quảng trường. Chúng thuộc biên chế của lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (Vũ cảnh), một nhánh thuộc PLA vốn được trang bị kém khi sự kiện năm 1989 xảy ra.
Ngay sau cuộc đàn áp Thiên An Môn, tôi nhớ một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nói rằng thảm kịch sẽ không bao giờ xảy ra nếu cảnh sát vũ trang có xe vòi rồng hoặc lựu đạn hơi cay như cảnh sát chống bạo động Nhật Bản. Ý ông là Bắc Kinh cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải triển khai quân đội, vì cảnh sát vũ trang được coi là không thể ngăn được các sinh viên và những người biểu tình, dẫn đến nhiều thương vong.
Trên thực tế, chính sự kiện Thiên An Môn đã khiến Bắc Kinh tăng cường cho lực lượng vũ cảnh. Khi nhiều thanh niên Hồng Kông xuống đường vào mùa hè năm ngoái, truyền thông Trung Quốc liên tục chiếu cảnh lực lượng vũ cảnh huấnluyện ở thành phố láng giềng Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Họ tập luyện việc giải tán người biểu tình bằng vòi rồng và hơi cay.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ ông có thể triển khai quân đội để dập tắt các cuộc biểu tình đang càn quét nước Mỹ – vốn bùng lên sau cái chết của một người da đen cầu xin được thở khi một cảnh sát da trắng quỳ đè trên cổ ông ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, hiện được coi là một nhà ngoại giao “chiến lang”, đã chỉ trích Trump. “Tại sao phía Mỹ chỉ trích lực lượng cảnh sát văn minh và kiềm chế của Hồng Kông trong khi họ đe dọa nổ súng vào người biểu tình trong nước và thậm chí triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia để đàn áp họ?” ông Triệu nói.
Ông dường như ám chỉ rằng lực lượng vũ cảnh của Trung Quốc có thể giỏi hơn trong việc kiểm soát những người biểu tình.
Trump đã gọi bạo lực trong các vụ biểu tình chống sự tàn bạo của cảnh sát là “hành động khủng bố trong nước”. Nhưng cách xử lý tình huống của ông đã giúp Bắc Kinh có lý do biện minh cho việc áp đặt nắm đấm sắt lên Hồng Kông.