Tuesday, December 24, 2024

Tây Á và “quân bài” Iran

Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn khu vực Tây Á, giữa lúc Mỹ đẩy mạnh hợp tác với các nước châu Á để thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Kênh tin tức Channel News Asia (CNA) của Singapore dẫn vụ đụng độ chết người trên biên giới Trung – Ấn hồi tháng 6 cho thấy Trung Quốc chú ý đến dấu chân của mình ở Tây Á như thế nào. Trong khi đó, tờ The New Indian Express dẫn nhận định của cựu trung tướng Ấn Độ Syed Ata Hasnain cho rằng “trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ bị Bắc Kinh ứng phó bằng cách tăng cường cho Iran, tạo thêm căng thẳng ở Tây Á”. Sự bắt tay giữa Trung Quốc và Iran trong kinh tế và các lĩnh vực khác sẽ chống lại nỗ lực chuyển trọng tâm chiến lược sang Ấn Độ – Thái Bình Dương của Washington.

Khi Mỹ chuẩn bị rút khỏi Afghanistan, quan hệ đối tác với Iran sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát cả một hành lang chiến lược từ Trung Á đến biển Ả Rập. Trong nỗ lực đó, Trung Quốc có thể giành được quyền kiểm soát cảng Chabahar của Iran mà Ấn Độ đang muốn nhảy vào để cạnh tranh với cảng Gwador – nơi mà Bắc Kinh đầu tư ở Pakistan. Theo kênh CNA, cảng Chabahar có thể giúp Ấn Độ phá vỡ thương mại của đối thủ Pakistan với Trung Á. Dù cảng Chabahar quan trọng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ ngăn Ấn Độ vào đây và khiến Iran giận dữ.

Iran được cho là đã đẩy Ấn Độ khỏi một dự án đường sắt đi qua Pakistan để kết nối với Afghanistan và Trung Á. Thông tin đó xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc và Iran thông báo về thỏa thuận kéo dài 25 năm với Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng, hạ tầng, viễn thông và quân sự hồi đầu tháng 7.

Ngoài việc mở cửa cho Trung Quốc kiểm soát cảng Chabahar và độc quyền hóa các tuyến thương mại vào Trung Á, thỏa thuận với Iran có vẻ còn tạo cơ hội cho Bắc Kinh phát triển cơ sở hải quân trên vịnh Oman. Việc Trung Quốc tiếp cận Chabahar sẽ giúp nước này tăng cường hàng hải ở Tây Bắc Ấn Độ Dương, củng cố sự hiện diện ở Djibouti (Đông Phi) và cảng Gwadar (ở Tây Nam Pakistan, nằm trong biển Ả Rập).

Cựu trung tướng Syed Ata Hasnain cho rằng tiềm năng xây dựng tuyến đường dài 70 km giữa cảng Gwadar và cảng Chabahar sẽ mở rộng hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) vào Iran. Hồi tháng 6, Pakistan phê chuẩn dự án nâng cấp hệ thống đường sắt trị giá 7,2 tỉ USD, nằm trong trong khuôn khổ CPEC. Thời gian tới, Trung Quốc dự tính dành hơn 60 tỉ USD cho nhiều công trình tại Pakistan thông qua dự án này. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của Ấn Độ vì CPEC sẽ đi qua khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, song Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền.

Dù Mỹ lâu nay muốn chuyển trọng tâm khỏi Trung Đông để tập trung hơn vào Trung Quốc, thỏa thuận Trung Quốc – Iran có thể là lời nhắc nhở với Mỹ rằng hai khu vực không thể tách biệt nhau. Theo giáo sư Vali Nasr, nhà nghiên cứu về Trung Đông và quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Johns Hopkins – Mỹ, bằng cách gây sức ép lên cả Trung Quốc và Iran, Mỹ đang cổ vũ hai nước này lập ra mặt trận chung. Dù quan hệ Trung Quốc – Iran được đánh giá là còn lâu mới tạo nên một trục mới nhưng những cuộc đàm phán gần đây cho thấy khả năng đó có thể xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới