Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTận dụng cơ hội quan hệ châu Âu - Việt Nam để...

Tận dụng cơ hội quan hệ châu Âu – Việt Nam để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 cùng với sức tàn phá khủng khiếp của nó đã làm cho chúng ta ngộ ra nhiều điều: (1) Thế giới biến đổi không ngừng và đầy rẫy những rủi ro, thiên tai, dịch bệnh. (2) Các hoạt động kinh tế xã hội luôn và mãi gắn liền với môi trường sống quanh ta, (3) Cần có cách nhìn và tiếp cận mới với xu thế toàn cầu hóa bởi những rủi ro và hậu quả mà nó đem lại. (4) Càng sớm điều chỉnh chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị thì càng bớt lệ thuộc vào một thị trường nhất định. (5) Sàng lọc và tìm kiếm cơ hội một cách thông minh, đặc biệt từ những thị trường đã có.

Cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU

Trong bài viết này, chúng tôi xin góp một góc nhìn mới về một châu Âu trước, trong và sau đại dịch Covid-19, về những thiệt hại mà châu lục này đang phải gánh chịu và cũng xin đưa ra một số gợi ý về cơ hội thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai bên : Việt Nam và Châu âu…

1. Châu Âu là một trong những châu lục bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Sau hơn 2 tháng áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội (tuy hơi muộn màng) cũng như các quy định về kiểm tra y tế, dịch bệnh đối phó với COVID-19, các nước châu Âu đang bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại. Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu Andrea Ammon cho rằng, số ca mắc Covid-19 ở châu Âu giảm từ ngày 2/5 và dường như làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở châu Âu đã qua đỉnh điểm. Các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo đã giúp hạ thấp hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) virus SARS- CoV-2 ở các nước châu Âu từ mức trên 3 khi bắt đầu bùng phát dịch xuống dưới 1. Đây chính là một trong những tiền đề để lãnh đạo các nước châu Âu xem xét gỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa và chuyển qua giai đoạn tiếp theo, tìm cách mở cửa thận trọng các khu vực dịch vụ, thương mại khi “cái giá” của những biện pháp hạn chế khẩn cấp bắt đầu bộc lộ rõ rệt…

Trong quan hệ quốc tế, châu Âu được đánh giá cao bởi các yếu tố “ quyền lực mềm” như các mô hình dân chủ của Anh, văn hóa Pháp, hệ thống trợ cấp xã hội và chăm sóc y tế toàn diện ở khu vực Bắc Âu… Thêm vào đó là hình mẫu quản lý nhà nước tốt, trong sạch của nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, qua đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rất rõ sự khác biệt trong nhận thức, cách ứng phó, tính linh hoạt và mức độ quản lý nhà nước trước dịch bệnh của nhiều quốc gia Tây Âu. Một số nước như Đức, Thụy Điển, Hà Lan đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này tương đối hiệu quả và có phần xuôn sẻ hơn nhiều nước châu Âu khác. Các quốc gia này được nhìn nhận và đánh giá cao trong việc quản lý dịch bệnh, tính linh hoạt, công khai và hiệu quả của hệ thống y tế. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là đa số các quốc gia Tây Âu lại cho thấy sự chủ quan, tự tin thái quá… ở vào thời điểm khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện. Hậu quả là, khi đại dịch bùng phát, đa số  các quốc gia Tây Âu đã đối phó và xử lý hết sức lúng túng. Con số tử vong ở mức cao gần nhất thế giới. Các quốc gia phải chiến đấu đơn độc, đóng cửa biên giới và không có sự điều hành chung của Liên minh châu Âu. Sự trợ giúp đến với từng quốc gia đều phụ thuộc và đến từ kênh quan hệ song phương chứ không phải từ liên minh. Một châu Âu văn minh, dân chủ, có nền khoa học và công nghệ phát triển, với hệ thống y tế hiện đại đã phần nào bị làm lu mờ bởi Covid 19. Nhiều nhà nghiên cứu về châu Âu đã cho rằng, hiện chưa biết cuộc chiến chống Covid sẽ ra sao tại khu vực này, nhưng có một điều gần như chắc chắn đó là sau đại dịch Covid-19, dù thành công hay thất bại thì những “quyền lực mềm” mà phương tây vốn rất tự hào… có lẽ sẽ không còn giữ nguyên vẻ “rạng rỡ” như nó vốn có.

2. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi sau năm 2019 do chịu ảnh hưởng của các cuộc tranh chấp thương mại và Brexit. Vào tháng 2/2020, khi dịch bệnh mới xuất hiện, châu Âu vẫn đang trong tâm thế tương đối tự tin, Ủy ban châu Âu (EC) đã dự báo GDP của EU sẽ tăng 1,4% trong năm 2020. Tuy nhiên, các con số biết nói đã cho thấy nếu so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thiệt hại thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Theo Báo cáo Kinh tế Xuân 2020 vừa được EC công bố, các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ suy giảm lần lượt ở mức 7,5% và 7,75%, do hậu quả từ đại dịch Covid-19. Chưa biết liệu trong năm 2021, châu Âu có thể khắc phục được những thiết hại này hay không? Ủy viên phụ trách kinh tế của EU Paolo Gentiloni đã phải thừa nhận “Châu Âu đang trải qua cú sốc kinh tế chưa từng có tiền lệ kể từ cuộc đại suy thoái”, ông cũng đánh giá đây chính là “mức sụt giảm kinh tế tồi tệ nhất đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu”.

Dự kiến quý 2/2020, Đức có thể sụt giảm gần 10% (theo (Ifo, DIW và RWI). Sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp giảm 0,1% trong quý 4/2019, mức giảm 5,8% trong quý 1/2020 đã cho thấy kinh tế Pháp chính thức rơi vào suy thoái. Tại Italy, quốc gia phương Tây đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa ngăn chặn Covoid-19 với những biện pháp nghiêm ngặt và kéo dài nhất, EC ước tính trong năm nay, nợ công của nước này sẽ tăng lên gần 160% GDP, thâm hụt ngân sách cũng sẽ tăng lên mức 11,1% GDP và được dự báo là mức cao nhất trong EU (với thâm hụt ngân sách trung bình là 8,5% GDP). Khảo sát mới nhất của tổ chức IHS Markit cho thấy chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) trong khu vực đồng Euro trong tháng 4/2020 đã giảm từ 44,5 của tháng trước xuống 33,4, mức thấp nhất kể từ năm 1997.

Đánh giá về mức độ và khả năng phục hồi của các nền kinh tế châu âu, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của EC Valdis Dombrovskis tỏ ra rất dè dặt khi ông nhận xét “Quy mô thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho nền kinh tế phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, và khả năng của chúng tôi trong việc tái khởi động các hoạt động kinh tế một cách an toàn và phục hồi sau đó”. Nhiều nhận xét đều cho rằng sự phục hồi này cũng sẽ diễn ra không đồng đều tại các nền kinh tế trong khu vực, nhất là khi thời điểm dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn virus ở các nước là khác nhau và đây chính là mối đe dọa đối với từng nền kinh tế riêng biệt và với cả khu vực đồng tiền chung châu Âu. Điều châu Âu cần nhất hiện nay là chính phủ từng nước phải có các quyết định đúng đắn, quyết liệt để vừa ngăn chặn, dâp tắt dịch bệnh và khởi động lại các nền kinh tế bị tổn thương.

Tháng tư vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã tuyên bố rằng “để ra khỏi khủng hoảng, chúng ta cần có đầu tư lớn ồ ạt dưới hình thức như Kế hoạch Marshall cho Châu âu”! Tuy không nêu một con số cụ thể nhưng hình dung ra là cần phải có hàng trăm tỷ Euro của ngân sách châu Âu chi cho người lao động, khối tư nhân và các doanh nghiệp. Bà Chủ tịch Von der Leyen suy nghĩ và đề cập đến một chiến lược dài hạn. Ủy ban mong muốn tranh thủ cuộc khủng hoảng này để tăng cường sự tập trung hóa của Liên minh: tăng ngân sách, tiến hành việc hiện đại hóa bộ máy và khởi động lại nền kinh tế cộng đồng, nền kinh tế đang càng ngày càng ít mang tính cạnh tranh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu muốn chia đều gánh nặng của sự trợ giúp cho các nước thành viên. Bà ta loại bỏ đề nghị Coronabonds (trái phiếu Corona) của các nước Nam Âu và Pháp. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là ai sẽ  trả tiền cho kế hoạch đầy tham vọng này bởi sau chiến tranh thế giới thứ 2 tiền đến từ Mỹ. Mỹ đã làm giàu trên sự mất mát của châu Âu cũng như những cải cách kinh tế của châu Âu… Hiện nay, Mỹ không hề có ý định đầu tư vào châu Âu. Châu Âu cũng chẳng hào hứng và mặn mà gì nếu nhận sự trợ giúp của Trung Quốc, bởi không muốn “ tránh vỏ dưa” để “gặp phải vỏ dừa”. Covid-19 có lẽ cũng là một cơ hội để châu Âu tăng cường và tìm lại sự độc lập của mình.

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, nhiều nước đã tung các gói kích cầu quy mô lớn. Lãnh đạo các nước EU đã đồng ý thành lập một quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch dự kiến trị giá hơn 1.000 tỷ euro (1.076 tỷ USD). Chính phủ Đức cũng đã thông qua gói giải cứu trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD). Thụy Sĩ đang xem xét gói ngân sách 40 triệu USD phục hồi  ngành du lịch. Một gói  cứu trợ khác trị giá hơn 42 tỷ USD sẽ dành để phục hồi kinh tế… Những gói kích thích kinh tế này đang tạo ra niềm hưng phấn cho các doanh nghiệp và người dân châu Âu và thúc đẩy lộ trình mở cửa của các nền kinh tế.

Bài  học của Đại dịch Covid-19 cùng những ảnh hưởng nghiêm trọng của nó trong tất cả các lĩnh vực: các hoạt động chi tiêu của người dân, sản xuất, đầu tư, thương mại, luân chuyển dòng vốn và chuỗi cung ứng của khu vực này đã buộc nhiều quốc gia trong khối đang phải điều chỉnh. Xu hướng mới sẽ có thể là tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ song phương mà họ cho là sẽ có hiệu quả hơn bên cạnh việc tiếp tục các mối quan hệ kinh tế, thương mại theo kênh của Liên minh châu Âu. Nhiều nước Tây Âu bắt đầu năng động hơn trong việc đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm các cơ hội mới, chuỗi cung ứng mới, sàng lọc các thị trường, cơ hội với những nền kinh tế ngoài châu Âu.

3. EU cần rất nhiều giải pháp để khởi động lại kinh tế, trong đó có việc tìm kiếm thị trường mới, chuỗi cung ứng mới và như vậy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu âu (EVFTA) cũng chính là một trong những giải pháp không thể bỏ qua. Trong cuộc chiến chống Covid-19, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, chứng tỏ khả năng khống chế rủi ro và cao hơn cả là sự ổn định chính trị của Việt Nam. Hơn nữa Việt Nam còn là một thị trường không nhỏ với gần 100 triệu dân, sẽ là một lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp châu Âu khi tìm kiếm nguồn cung ứng về lao động, nguyên vật liệu và đặt công xưởng sản xuất. Theo cam kết của EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và theo lộ trình, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế cũng giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh.

Với Việt Nam, EU là một trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm ngoái đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD, EVFTA sẽ tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đặc biệt là với các mặt hàng nông – thủy sản và những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. An ninh kinh tế của Việt Nam được đảm bảo hơn khi có thể đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định.

Việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ là rất cần thiết để giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khủng hoảng sau dịch bệnh, phục hồi nhanh chóng hơn. Điều may mắn là các doanh nghiệp EU đang có xu thế chuyển hướng đầu tư và có những đánh giá rất tốt về thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội  mà  chúng ta không thể bỏ qua.

Về phía EU, ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng. Như vậy, chỉ cần chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định, thì EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.

Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định, từ đó bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam. Thay cho lời kết, chúng tôi xin trích dẫn phát biểu của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: “Ở góc nhìn thời hậu dịch và nhất là trung và dài hạn, EVFTA chắc chắn là cơ hội lớn với kinh tế Việt Nam mà chúng ta không thể bỏ qua. Vì vậy, bên cạnh công đoạn chuẩn bị và ưu tiên hành lang pháp lý để EVFTA có thể được thực thi ngay khi có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tính đến khả năng sản xuất và dự trữ hàng hóa để khi có điều kiện thuận lợi, nhất là dịch bệnh qua đi sẽ có sẵn hàng hóa để đáp ứng các đơn hàng từ EU. Mặt khác, cách thức tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp EU cũng có thể có những điều chỉnh đáng kể, đòi hỏi các nhà xuất khẩu Việt Nam phải lưu ý theo dõi nắm bắt thông tin để thích ứng phù hợp với tình hình mới”. Mọi sự khởi động đều cần bắt đầu từ rất sớm để chúng ta có thể vững vàng khởi động sau dịch bệnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới