Sunday, November 24, 2024
Trang chủNước Việt đẹpChuyện ít biết sau bức ảnh nổi tiếng ‘Cô bộ đội bế...

Chuyện ít biết sau bức ảnh nổi tiếng ‘Cô bộ đội bế bé gái’ trong cuộc chiến chống TQ xâm lược

Nhà báo Trần Mạnh Thường, tác giả bức ảnh “Cô bộ đội bế bé gái” kể lại những câu chuyện ít biết sau 41 năm bức ảnh nổi tiếng được ghi lại.

Vượt bom đạn chụp lại lịch sử

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường (Một trong những phóng viên chiến ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979) kể, cuối năm 1978, đầu năm 1979, Trung Quốc bắt đầu có những hành động gây hấn, tấn công ta ở một số điểm lẻ trên biên giới Cao Bằng.

Lúc bấy giờ, Ban Tuyên huấn Trung ương chủ trương đưa văn nghệ sĩ đến các vùng biên giới để tuyên truyền, vận động bà con sẵn sàng nếu chiến tranh nổ ra.

Đang là phóng viên ảnh của Nhà xuất bản Văn hoá, nhà báo Trần Mạnh Thường được Bộ Văn hoá cử cùng với nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Thái Cơ và hoạ sĩ Doãn Trung đi lên giúp đỡ văn hoá Cao Bằng.

“Thời điểm đi vào tháng 10 thì tháng 12 (âm lịch) là Tết nên mọi người được về. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình đang đi tăng cường nên quyết định một mình bắt xe trở lại Cao Bằng sớm.

Trưa ngày 16/2/1979, tôi lên đến thị trấn Cao Bằng, sau đó tiếp tục di chuyển lên thị trấn Tà Lùng (huyện Quảng Hoà), sát biên giới Trung Quốc. Đến sáng sớm ngày 17/2 súng nổ, đại quân Trung Quốc tràn sang Việt Nam”, ông Thường kể.

Từng giúp Việt Nam xây dựng nhiều tuyến đường ở các tỉnh biên giới nước ta, quân Trung Quốc rất thông thạo địa hình nên tổ chức cả quân đi đường vòng ở chặn ở đằng sau.

“Điều này khiến nhiều phóng viên không thể lên tác nghiệp được. Lúc bây giờ gần như chỉ có một mình tôi ở đó, chụp ảnh chiến trận, cảnh thất bại, chết trận của lính Trung Quốc”, ông Thường nói.

Nhiệm vụ của nhà báo Trần Mạnh Thường khi được cử lên là giúp đỡ về văn hoá, tăng cường đời sống văn hoá của nhân dân. Tuy nhiên, vì có mặt ở Cao Bằng đúng 1 ngày trước chiến trận, lại được đưa ra biên giới nên khi có nổ súng, ông đã trở thành phóng viên chiến trường ghi lại những thời khắc đầu tiên của cuộc chiến.

Sáng 17/2/1979, khi chụp ảnh chiến trận, nhà báo Trần Mạnh Thường gặp được 2 chiến sĩ Công an của huyện Quảng Hoà nên đề nghị 2 người giúp đi chụp ảnh cũng như trở về hậu cứ.

Kể từ thời điểm đó cho đến khi kết thúc những ngày căng thẳng của cuộc chiến, nhà báo Trần Mạnh Thường đi cùng 2 chiến sĩ công an đến khắp các điểm nóng của chiến trận, ghi lại những bức hình lịch sử.

“Anh cố gắng sống nhé”, 2 chiến sĩ công an nói với nhà báo Trần Mạnh Thường. “Họ chiến đấu, còn tôi thì chụp ảnh. Nhiệm vụ của họ là chiến đấu, chứ không có nhiệm vụ đưa tôi đi”, ông Thường kể.

Trong suốt 7 ngày đầu ác liệt của cuộc chiến, ông cùng các chiến sĩ công an đi bộ từ Tà Lùng (Cao Bằng) đến Ngân Sơn (Bắc Kạn), vượt qua các điểm nóng của chiến trận, không phương tiện, không lương thực.

“Đồ ăn không có gì, chúng tôi không được chuẩn bị gì cả, chủ yếu ăn sắn của đồng bào dọc đường. Tuy nhiên, ngay cả vào nương nhổ sắn cũng rất nguy hiểm vì không biết quân Trung Quốc đang ở đâu. Chúng tôi chỉ đi lấy sắn vào buổi tối, bóc vỏ ăn sống rồi lại tiếp tục lên đường. Đôi khi cũng có lương khô là chiến lợi phẩm thu được từ địch.

Nhiều đêm đang đi, súng nổ ầm ầm, những tiếng la hét vang lên. Tuy thấy nguy hiểm nhưng tôi vẫn không sợ, vẫn tiến mà không lùi. Tôi nhớ những ngày đó trời rất lạnh. Chúng tôi đi bộ đến ngày 24/2/1979 thì về đến căn cứ ở Ngân Sơn. Trưa 24/2 tôi mới được ăn bữa cơm đầu tiên kể từ cuộc chiến”, nhà báo Trần Mạnh Thường nhớ lại.

Suốt 1 tuần từ ngày 17 đến 24/2/1979, vượt nguy hiểm cùng các chiến sĩ công an, bộ đội, nhà báo Trần Mạnh Thường chụp hàng trăm bức ảnh.

Ảnh của ông không chỉ ghi lại những khoảnh khắc căng thẳng, ác liệt của cuộc chiến, mà trong đó còn có những bức ảnh xúc động, thể hiện ý chí, tinh thần quyết tâm của quân ta, cũng như tình cảm khăng khít của quân và dân giữa bom đạn ác liệt. Và “Cô bộ đội bế bé gái” là một trong những bức ảnh đặc biệt đó.

Khoảnh khắc Bức ảnh lịch sử

Nhà báo Trần Mạnh Thường kể, sáng 17/2/1979, sau khi chụp xong những chiếc xe tăng của quân giặc bị quân ta bắn tan xác và bắt sống tại Bản Sẩy, thị trấn Hoà An và ở đồi Nà Toòng, đồi Pháo Đài, thị xã Cao Bằng, ông tiếp tục băng rừng đi ngay.

“Vừa ra đến Tài Hồ Sìn, trên Quốc lộ 3, chợt tôi nhìn thấy một người phụ nữ nằm bất động, máu me đầy người, ngồi cạnh là một bé gái khoảng 2, 3 tuổi đang mếu máo, tay mân mê trên thân thể người phụ nữ. Một cảnh quá thê lương.

Tôi chưa kịp lấy máy ra chụp thì một chiếc Gat 69 chạy tới và dừng lại. Một cô bộ đội trẻ măng, súng AK đeo vai, lưng khoác ba lô nhảy xuống, vội bế em bé lên. Mẹ của em bé cũng được những chiến sĩ khác mang lên xe cùng lúc.

Tôi chỉ bấm được 1 kiểu, chưa kịp hỏi thì chiếc ô tô đã vút đi, giữa tiếng súng nổ chát chúa mỗi lúc một gần. Tôi cùng hai cảnh sát dã chiến lúc đó cũng nhanh chóng tiến lên phía Bắc, vùng biên ải, nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt”, nhà báo Trần Mạnh Thường nhớ lại.

Theo lời nhà báo Trần Mạnh Thường, mọi thứ lúc bấy giờ diễn ra quá nhanh chóng, ông chưa kịp hỏi bất cứ thông tin gì về cô bộ đội, về gia đình em bé và càng không bao giờ nghĩ có ngày có thể gặp lại những nhân vật trong bức ảnh mình chụp.

Cuộc tìm kiếm

36 năm sau ngày bức ảnh được chụp, tác giả và những nhân vật trong bức ảnh lịch sử vẫn chưa một lần biết về nhau.

Nhà báo Trần Mạnh Thường kể, đầu năm 2015, nhà báo Mai Thanh Hải đến gặp ông để hỏi về những nhân vật trong bức ảnh.

Hoàn toàn không có thông tin về các nhân vật khi chụp, nhưng khi phân tích những gì đã xảy ra và thời gian, địa điểm chụp ảnh, nhà báo Trần Mạnh Thường nhận định, tuy không rõ chính xác cô bộ đội ở đơn vị nào, nhưng điều chắc chắn là cô thuộc lực lượng vũ trang địa phương Quân khu I.

Với em bé, ông Thường cho rằng bức ảnh được chụp vào khoảng 11h, còn quân xâm lược tiến đến thị xã Cao Bằng và huyện Hoà An khoảng 7-8h. Như vậy người phụ nữ và em bé chạy giặc từ nơi ở đến cầu Tài Hồ Sìn trong khoảng 3 giờ. Với thời gian đó họ sẽ đi được khoảng 10 đến 12km.

“Từ đó suy ra nhà của họ cách cầu Tài Hồ Sìn trong vòng bán kính khoảng 12km, có thể ở thị xã Cao Bằng, vùng ngoại ô hoặc một thôn xã nào đó của huyện Hoà An. Từ những dữ liệu của tôi, Mai Thanh Hải bắt đầu đi tìm những nhân vật trong bức ảnh”, ông Thường nói.

Đến cuối năm 2015, ông nhận thông tin nhà báo Mai Thanh Hải đã tìm được em bé trong bức ảnh. Đó là chị Hoàng Thị Thu Hiền (SN 1976), cán bộ địa chính xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, Cao Bằng.

Còn cô bộ đội, đến tháng 2/2016 cũng đã tìm được. Đó là bà Bùi Thị Mùi (SN 1958), quê ở xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Bà Mùi lúc bấy giờ là nữ trinh sát. Cuối năm 1979, bà xuất ngũ về địa phương, xây dựng gia đình với cựu chiến binh Nguyễn Văn Long.

37 năm khao khát gặp ân nhân

Chị Hoàng Thị Thu Hiền, nhân vật “em bé” trong bức ảnh lịch sử nay đã là cán bộ địa chính xã Bế Triều (huyện Hòa An, Cao Bằng). 37 năm kể từ thời khắc bức ảnh được chụp, gia đình chị luôn khao khát có ngày được gặp lại những người ân nhân của mình.

“Lúc ấy tôi mới hơn 2 tuổi. Mẹ tôi kể, khi Trung Quốc tấn công sang, bà bế tôi chạy loạn cùng mọi người. Đến khu vực Bản Tấn (huyện Hòa An, Cao Bằng), mẹ tôi bị giặc bắn, ngất đi, còn tôi loanh quanh bên mẹ, gào khóc suốt”, chị Hiền nhớ lại những gì mẹ chị kể.

Khi đoàn xe quân sự của bộ đội ta chạy qua, phát hiện hai mẹ con chị Hiền, những người lính đã đưa hai mẹ con chị lên xe về tuyến sau cấp cứu.

Đó cũng chính là lúc mẹ con chị Hiền, cô bộ đội Bùi Thị Mùi và nhà báo Trần Mạnh Thường gặp nhau, ghi lại thời khắc lịch sử.

Sau đó, chị Hiền được ông nội đón, đi cùng những người đang chạy giặc. Còn mẹ chị được bộ đội đưa về chữa trị tại Viện Quân y 91 ở Thái Nguyên.

“Khi còn sống mẹ tôi từng kể, năm 1979, thấy ảnh đăng báo, biết em bé đó là tôi, gia đình tôi đã cắt bức ảnh từ tờ báo và lưu giữ. Từ đó đến lúc mất (năm 2012), bà luôn ao ước được gặp lại những cô chú bộ đội đã cứu giúp hai mẹ con tôi hồi đó”, chị Hiền kể.

Tuy nhiên, vết thương nặng ngày đó khiến mẹ chị Hiền bị mất 1 chân, không thể đi tìm kiếm được. Bố của chị Hiền làm nghề lái xe, đã đi dò hỏi khắp nơi để tìm manh mối. Nhưng, đến năm 1987, không may bố chị Hiền qua đời. Việc tìm kiếm vì thế mà ngừng lại.

Về cô bộ đội trong bức ảnh, bà Bùi Thị Mùi xuất ngũ về quê tháng 12/1979. Đến năm 1981, bà lập gia đình với một cựu binh là ông Nguyễn Thanh Long (SN 1954, người xã Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ).

Cuộc sống vật chất vốn đã rất khó khăn, hai vợ chồng ông bà lại không may mắn khi không thể có con.

Bất hạnh tiếp tục ập xuống đầu cô bội đội năm nào, khi tháng 3/2015, trong lúc vào rừng lấy củi, bà Mùi bị cây đổ đè trúng, đa chấn thương, sau đó nằm liệt ở nhà, mọi sinh hoạt cá nhân đều do ông Long lo liệu.

Những năm tháng sống vất vả, bà Mùi luôn mong mỏi có ngày được gặp lại cô bé trong bức ảnh mà mình đã từng cưu mang, coi như con đẻ năm nào. Ước mong đó tưởng như không bao giờ thành hiện thực.

Cho đến năm 2016, với sự giúp đỡ của các nhà báo, những nhân vật liên quan đến bức ảnh là chị Hoàng Thị Thu Hiền, bà Bùi Thị Mùi và nhà báo Trần Mạnh Thường có cơ hội gặp lại nhau.

Cuộc hội ngộ xúc động sau 37 năm

Tháng 12/2016, một cuộc hội ngộ đặc biệt giữa những chứng nhân lịch sử diễn ra ngay tại địa danh lịch sử – Cầu Tài Hồ Sìn, xã Bạch Đằng, huyện Hoà An, Cao Bằng, nơi “cô bộ đội bế em bé” trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Đúng 14h ngày 20/12/2016, chiếc xe cứu thương chở cô bộ đội đến cầu Tài Hồ Sìn gặp em bé năm xưa và nhà báo Trần Mạnh Thường.

“37 năm sau cuộc chiến biên giới phía Bắc, cô bộ đội từng ao ước sẽ có ngày trở lại chiến trường xưa và gặp lại em bé mà bà từng cưu mang. Nay điều ước tưởng như mơ hồ đó đã thành hiện thực.

Vừa nhìn thấy bà Mùi, chị Hiền nhanh chân chạy tới ôm chầm lấy bà và thốt lên trong nước mắt: “Mẹ ơi! Con Hiền của mẹ đây”.

Nghe hai tiếng “mẹ ơi”, bà Mùi không cầm được nước mắt. Đã từ lâu, bà mong mỏi có người con để gọi bà là mẹ, nhưng chiến tranh đã cướp mất quyền làm mẹ của bà, dù bà đã kết hôn mấy chục năm. Hôm đó, bà rất sung sướng vì có một người từ trái tim gọi bà là mẹ”, nhà báo Trần Mạnh Thường kể lại.

“Đó là những tình cảm từ trong đáy lòng tôi, lúc gặp lại mẹ, tự trong tôi bật ra 2 tiếng “Mẹ ơi!” không chủ định. Hai mẹ con ôm nhau nức nở. Rồi mẹ Mùi kể cho tôi về thời khắc đó, khi nghe thấy tôi khóc khản tiếng, mẹ đã bế tôi vào lòng dỗ dành”, chị Hiền xúc động.

Sau cuộc gặp gỡ đầy xúc động, chị Hiền nhận bà Mùi làm mẹ nuôi. Hàng năm, chị cùng chồng con đôi lần đến Phú Thọ thăm bố mẹ nuôi. Thường ngày, hai mẹ con vẫn gọi video tâm sự với nhau những chuyện vui buồn.

“Tôi và mẹ Mùi vẫn nói chuyện hàng ngày, vì hiện nay mẹ Mùi không đi lại được, chỉ ở nhà nên cũng buồn.

Dịp Tết vừa rồi, tôi xuống thăm mẹ nhưng vì công việc nên không ở lại được lâu. Mỗi lần ghé thăm tôi đều không báo trước vì vừa để mẹ bất ngờ, vừa vì đường sá xa xôi, sợ mẹ lo lắng. Năm nay nhất định tôi sẽ xuống thăm mẹ nhiều hơn” chị Hiền chia sẻ.

Nhà báo Trần Mạnh Thường cho biết, sau cuộc hội ngộ, gia đình bà Mùi nhận được hỗ trợ nên đã xây nhà mới khang trang hơn.

Tháng 7/2019, bệnh viện Vinmec giúp chữa trị đôi chân cho bà. Hiện tại, bà đã có thể tập đi trở lại. Cuộc sống của cô bộ đội năm xưa vì thế cũng có nhiều thay đổi tích cực hơn.

Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km biên giới.

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra giữa lúc các quân đoàn chủ lực của Việt Nam đang chiến đấu với quân Khmer Đỏ ở Campuchia. Dọc tuyến biên giới của ta chỉ có lực lượng chủ lực của các quân khu, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chưa tới 60.000 quân. Trong khi Trung Quốc ước tính có 600.000 quân với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn, trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm pháo hạng nặng, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn.

Trước tình thế cấp bách, ngày 4/3/1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Lệnh Tổng động viên được ban bố.

Ngày 5/3/1979, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân, và rêu rao hoàn thành mục tiêu “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Ngày 7/3/1979, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân. Ngày 18/3/1979, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân.

RELATED ARTICLES

Tin mới