BienDong.Net: Một công trình nghiên cứu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy 27 khu vực trong vùng biển Việt Nam với tổng diện tích 269,26 km2 có khả năng tồn tại một trữ lượng lớn khí hydrate.
Dựa vào những kết quả nghiên cứu, người ta đã phân thành 4 vùng tiềm năng, xếp thứ tự A, B, C, D. Những vùng biển có tiềm năng lớn là vùng đảo Tri Tôn, Phú Khánh, Tây Nam Biển Đông, Khu vực Đình Trung và Vũng Mây.
Những phát hiện trên mở ra hướng nghiên cứu tài nguyên môi trường biển mới, với những tiềm năng kinh tế lớn cần được tiếp tục đầu tư khai thác.
Ảnh minh họa: http://tecnomadas.wordpress.com
Theo các nhà khoa học, một phần lớn địa hình đáy biển Việt Nam có vĩ tuyến trùng với hướng tách giãn của Biển Đông. Tại đây, xuất hiện nhiều núi lửa, là dạng địa hình thuận lợi cho việc hình thành các cao nguyên ngầm, các đới nâng. Phần sườn lục địa miền Trung và Đông Nam, địa hình đáy biển thay đổi đột ngột từ vài trăm mét xuống 1500 – 2.500m, tạo thành vách dốc đứng…Các cấu trúc này thích hợp cho việc hình thành hydrate …
Hydrate là một tinh thể, được hình thành từ sự kết hợp giữa chất khí (như: methane, ethane, propane…) và nước ở điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp. Methane Hydrate còn gọi là băng cháy. Khối lượng Hydrate dưới đáy biển ước tính gấp 100 lần khối lượng trên đất liền.
Năm 1967, các nhà khoa học Liên Xô lần đầu tiên phát hiện một mỏ hydrate methane trữ lượng lớn ở độ sâu 900 m tại Messoyakha, một vùng băng tuyết quanh năm. Trong suốt thập kỉ sau đó, hơn 5.109 m3 khí đã được khai thác tại mỏ này.
Cho đến nay, rất nhiều các mỏ hydrate đã được phát hiện trên thế giới và cũng rất nhiều dự đoán khác nhau về trữ lượng hydrate của thế giới được đưa ra, trong đó có dự đoán khoảng 1016 m3 khí, tương đương 2 lần tổng trữ lượng dầu mỏ, khí thiên nhiên và than đá của thế giới ( có con số ước tính khoảng 1014 m3).
Mặc dù với những dự đoán khác nhau về trữ lượng, hydrate vẫn được xem là một nguồn năng lượng đầy tiềm năng cho nhân loại trong hoàn cảnh nguồn dự trữ dầu thô thế giới đang cạn kiệt dần, chưa kể công nghệ Hydrate còn có ứng dụng lớn trong việc sản xuất điều hoà nhiệt độ thân thiện với môi trường.
Khu vực khai thác thử do Nhật và Mỹ tiến hành tại bang Alaska
Tháng 2/ 2012, Nhật Bản và Mỹ tiến hành thực nghiệm phương pháp mới nhằm khai thác nguồn tài nguyên Methane Hydrate tại bang Alaska, bằng cách bơm khí CO2 vào lòng đất nhằm tách và thu khí Methane nằm sâu 1.000 m dưới lòng đất.
Ngoài ra, Nhật bản cũng có kế hoạch khai thác thử nghiệm Methane Hydrate dưới đáy biển ở ngoài khơi tỉnh Aichi của nước này.
Chi Lăng ( tổng hợp theo VNA, NEW ENERGY AND FUEL và tài liệu của Đại học Quốc gia Mỏ Saint-Etienne-Pháp)