Friday, November 8, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ quyết " giết " Thiên Chúa giáo

TQ quyết ” giết ” Thiên Chúa giáo

Nhà thờ Công giáo ngầm của Trung Quốc đã phải đối mặt với sự đàn áp ngày càng gia tăng kể từ khi thỏa thuận Trung Quốc-Vatican được ký kết vào hồi năm 2018, chuyên gia về Trung Quốc Steven W. Mosher gần đây viết trong một bài bình luận.

Ảnh minh họa

ĐCSTQ đã ký thỏa thuận với Vatican liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục Công giáo trong nước nhằm thuyết phục Giáo hoàng Francis hợp thức hóa 8 giám mục do ĐCSTQ giới thiệu mà trước đó Tòa thánh đã khai trừ. Ông Mosher, tác giả cuốn sách bestseller “Kẻ côn đồ Châu Á: “Tại sao giấc mộng Trung Hoa là mối đe dọa mới đối với trật tự thế giới (Bully of Asia: Why China’s Dream Is the New Threat to World Order)”, cho biết.

ĐCSTQ “cũng dự định để bản thân thỏa thuận này đóng vai trò như một công cụ dùng để buộc các giám mục và giáo sĩ trong Giáo hội ngầm phải tham gia Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (một tổ chức tôn giáo dành cho tín đồ Công giáo tại Hoa lục phục vụ ĐCSTQ). Giờ mọi thứ đã trở nên rất rõ ràng, tổ chức này chỉ là một ‘tấm màn che’ cho một cuộc đàn áp ngày càng gia tăng đối với Giáo hội Công giáo nói chung”, ông Mosher khẳng định trong bài báo của mình trên tạp chí Công giáo National Catholic Register.

Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican “đã cho phép ĐCSTQ che đậy cuộc đàn áp của nó đối với Giáo hội ngầm bằng cách ám chỉ rằng nó đã được Vatican ngầm chấp thuận”, ông Mosher nói.

Theo tờ Breitbart News đưa tin hồi tháng 11 năm ngoái, ngày càng nhiều tín đồ Công giáo Trung Quốc đã lên án thỏa thuận của Vatican với ĐCSTQ, nhấn mạnh rằng nó đã bật đèn xanh cho các quan chức Bắc Kinh đàn áp các tín đồ Cơ đốc tại đại lục.

Thỏa thuận dường như đã bật đèn xanh cho giới chức Trung Quốc mở một cuộc chiến đối với Giáo hội Công giáo, cho phép họ dõng dạc tuyên bố rằng “Vatican ủng hộ chúng tôi”, một số tín đồ Công giáo địa phương cho hay.

Vatican và ĐCSTQ có những mục tiêu rất khác nhau khi ký kết thỏa thuận này vào năm 2018, theo nhận định của ông Mosher. Trong khi Bắc Kinh rời đi sau khi đã đạt được tất cả những gì mình muốn, thì Vatican lại không giành được gì ngoài sự rắc rối. 

Vatican “dự định tạo ra một cơ chế hợp tác với Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm các giám mục”, ông Mosher cho biết, nhưng “kỳ vọng lớn hơn của Vatican là thỏa thuận này sẽ công nhận quyền lực của Giáo hoàng đối với Công giáo tại Trung Quốc”, đồng thời hàn gắn rạn nứt bấy lâu nay giữa các Nhà thờ “ngầm” và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) do nhà nước hậu thuẫn và quản lý.

“Có thể nói, gần hai năm sau khi ký kết thỏa thuận, trong khi ĐCSTQ đã đạt được các mục tiêu của mình, thì Vatican rõ ràng chưa đạt được bất kể điều gì”, ông Mosher nói.

ĐCSTQ chỉ chấp nhận 5 giám mục “Nhà thờ ngầm” và thỏa thuận bí mật đã được dùng làm vỏ bọc cho việc đàn áp cả Giáo hội ngầm và CCPA để đạt “mục đích xóa sổ Giáo hội ngầm”.

Ông Mosher, người từng học tại Đại học Hồng Kông và hiện đang điều hành Viện Nghiên cứu Dân số (PRI), cho biết tình hình ở Trung Quốc đối với những người có tín ngưỡng, bất kể là tín ngưỡng nào – Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo – đang “xấu đi”. Ông cho rằng đây là một phần trong cuộc thập tự chinh của nhà độc tài Tập Cận Bình nhằm đưa tất cả các hoạt động tôn giáo trong nước vào trong vòng kiểm soát tuyệt đối của ĐCSTQ.

Nhiều tháng trước khi thỏa thuận Trung Quốc-Vatican được ký kết, ông Mosher lưu ý, “ĐCSTQ đã ban hành một chỉ thị áp đặt những hạn chế mới đối với tôn giáo và các tín đồ tôn giáo ở Trung Quốc đại lục”, nối tiếp bởi chỉ thị thứ hai, “phác thảo những chi tiết đau lòng về cách thức những hạn chế mới này sẽ được thực hiện đối với tất cả các tôn giáo, cơ sở tôn giáo và người thực hành tín ngưỡng ở Trung Quốc đại lục”.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập, ĐCSTQ đang thực hiện “một cuộc Cách mạng Văn hóa mới, các mục tiêu cụ thể trong đó bao gồm tất cả các tổ chức tôn giáo và tất cả các tín đồ tôn giáo”, ông Mosher tuyên bố.

Mục tiêu của cuộc cách mạng này không chỉ đơn giản là hạn chế và kiểm soát tất cả các hoạt động và tín ngưỡng tôn giáo mà là “thay thế hoàn toàn hoạt động và tín ngưỡng đó bằng việc tôn thờ ĐCSTQ, hệ tư tưởng và các nhà lãnh đạo của nó,” ông nói thêm.

Như tờ Breitbart News đưa tin vào tháng trước, chính quyền Trung Quốc đe dọa những người dân nghèo theo đạo Thiên chúa bằng việc đình chỉ các khoản trợ cấp phúc lợi, trừ khi họ loại bỏ vật phẩm tín ngưỡng Thiên chúa giáo ra khỏi nhà và thay thế chúng bằng chân dung của ông Tập và Chủ tịch Mao Trạch Đông.

ĐCSTQ đã tiếp tục chính sách “Đảng hóa” tôn giáo bằng cách hướng lòng nhiệt thành tôn giáo trong nước về phía đảng thay vì về phía Thiên Chúa.

Đảng “tự cho mình là một thứ tôn giáo thế tục và quyết tâm áp đặt tôn giáo đó lên người dân Trung Quốc bằng cách triển khai tất cả các nguồn lực mà chính quyền độc tài độc đảng, nắm trong tay công nghệ cao này có được”, ông Mosher cảnh báo.

Ông Mosher tuyên bố, đây là “môi trường mà các giám mục, linh mục và giáo dân Công giáo bị buộc phải vận hành ở Trung Quốc ngày nay. Đó là một môi trường liên tục bị tuyên truyền, giám sát và xâm nhập bởi các cơ quan thâm độc của chính quyền Bắc Kinh”.

RELATED ARTICLES

Tin mới