Saturday, November 9, 2024
Trang chủThâm cung bí sửKursk 20 năm bi kịch - Bí mật vùi sâu đáy biển

Kursk 20 năm bi kịch – Bí mật vùi sâu đáy biển

Thảm kịch lớn nhất của hạm đội tàu ngầm trong lịch sử hậu chiến của Nga xảy ra cách đây 20 năm. Trong những ngày này tại nước Nga đang diễn ra lễ tưởng niệm các thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng thảm khốc trên tàu ngầm hạt nhân “Kursk”. Một vụ nổ trên con tàu vào ngày 12 tháng 8 năm 2000 đã cướp đi sinh mạng của 118 thủy thủ.

Tàu ngầm hạt nhân ““Kursk”.

Xét về số người thiệt mạng, vụ tai nạn này trở thành thảm kịch lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của hạm đội tàu ngầm Nga.

Các sự kiện tưởng niệm sẽ được tổ chức vào thứ Tư tại St.Petersburg, Vladivostok, Severomorsk, Sevastopol, Baltiysk, ở Vidyaevo thuộc vùng Murmansk, nơi đóng quân của chiếc tàu ngầm hạt nhân bị chìm, cũng như tại các khu dân cư của nước Nga nơi chôn cất những gặp nạn.

Nơi an táng thủy thủ tàu ngầm “Kursk” nhiều nhất là tại St.Petersburg – cả thảy có 32 người. Họ từng sống ở đây và hầu hết họ hàng, gia đình của họ cũng sinh sống ở đây. Nhiều người đã chuyển về sinh sống ở cố đô St.Petersburg để được gần nơi an nghỉ của người thân tại nghĩa trang Serafimovskoye.

Trong suốt những năm qua, cha mẹ, vợ và con cái của các nạn nhân đã nhận được sự ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất khi cần trong câu lạc bộ lính thủy tàu ngầm, do ông Igor Kurdin – Đại tá Hải quân về hưu phụ trách trong nhiều thập kỷ.

Trong những năm vừa qua, ông đã thu thập một cách tỉ mỉ những dữ liệu về vụ tai nạn ở biển Barents, cố tìm hiểu những gì đã xảy ra.

Kết quả của công việc này là cuốn sách ““Kursk” 20 năm bi kịch”, trong đó tác giả thể hiện tầm nhìn của riêng mình về nguyên nhân của thảm kịch.

Phóng viên Lyudmila Nikolaeva của báo Nga “Svobodnaia pressa” (“SP”) đã có cuộc phỏng vấn Chủ nhiệm câu lạc bộ lính thủy tàu ngầm Igor Kurdin.

Igor Kirillovich nói: “Trong cuốn sách của mình, tôi đã theo dõi chi tiết toàn bộ trình tự thời gian của các sự kiện xảy ra trước thảm kịch. Tôi xem xét, như người ta thường nói là “dưới kính lúp” một cách kỹ lưỡng và đưa ra hai giả thuyết nguyên nhân của vụ nổ: tác động bên ngoài và tai nạn do kỹ thuật”.

Ông đã thu thập một số lượng lớn các tài liệu để có sự hiểu biết đầy đủ, làm sáng tỏ tình tiết vụ tai nạn. Các nhà thiết kế, các đô đốc, thành viên gia đình của những người đã chết, các bác sĩ quân y, các chuyên gia trong số những người từng tham gia cuộc điều tra vụ tai nạn đã giúp ông trong việc này.

Đó là, Chuẩn đô đốc Mikhail Yuryevich Kuznetsov, người năm 2000 chỉ huy sư đoàn 7, trong đó có tàu ​​“Kursk”, cũng như Andrei Zvyagintsev, là thợ lặn đầu tiên lặn xuống chiếc tàu ngầm bị chìm ở độ sâu 108 m, tham gia vào việc đưa xác những nạn nhân lên mặt nước.

Thực sự là, không phải tất cả các thi thể nạn nhân đều được đưa lên bờ. Người ta đã không tìm thấy thi thể của hai thủy thủ và một chuyên viên dân sự từ khoang thứ nhất, nơi vụ nổ xảy ra. Khi đó, họ đang ở tâm điểm của vụ nổ.

Đó là Chuyên gia của Nhà máy chế tạo máy của Nga ở thành phố Kaspiysk (Dagestan) Mamed Hajiyev và hai thủy thủ – pháo thủ điều hành ngư lôi Ivan Nefedkov và thủy thủ trực ban kỹ thuật Dmitry Kotkov.

Sau khi nghiên cứu hàng núi tài liệu và những tài liệu tham khảo của các vụ án hình sự không thuộc dạng tài liệu mật, Igor Kurdin đưa ra kết luận rằng có những tình tiết mới sau vụ án, kết thúc năm 2002, vẫn chưa được mở ra.

Điều này đã được những người tham gia tìm kiếm và khám nghiệm xác chiếc tàu ngầm hạt nhân xác nhận. Không có bằng chứng về ảnh hưởng bên ngoài đối với “Kursk”. Vì vậy, không có lý do gì để nói rằng một tàu ngầm nước ngoài đã bắn vào tàu ngầm của Nga bằng một quả ngư lôi xuyên giáp siêu hiện đại lúc bấy giờ.

Điều này không phù hợp với các sự kiện đã được thiết lập. Cuộc điều tra đã được thực hiện một cách cẩn thận và hiệu quả. Nên Igor Kurdin cho rằng việc tung tin đồn không phải là không có “dấu vết ngoại lai”.

Khi phóng viên hỏi: Được biết, khi tàu “Kursk” chìm ở độ sâu tương đối nông và không xa bờ biển, người ta vẫn có hy vọng cứu được các thuyền viên sống sót sau vụ nổ. Nhưng nhà nước (Nga- ND) không có lấy một chiếc tàu nào có thể làm được việc này. Trong những năm qua, Nga đã có những con tàu cứu hộ như vậy chưa?

Đại tá Igor Kurdin trả lời: “Ngày nay chúng ta đã tiến hành thực hiện nhiều công việc để phát triển kỹ thuật cứu hộ hàng hải. Nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Tại nhà máy đóng tàu của Hải quân ở St.Petersburg vài năm trước có đóng một con tàu hiện đại thuộc loại này – Đó là tàu “Igor Belousov”.

Theo kế hoạch, những con tàu tương tự sẽ có mặt trong cả bốn hạm đội của Nga. Nhưng rất tiếc, các kế hoạch đã không tiến xa hơn. Không một chiếc tàu “Belousov” mới nào được đóng cả”.

Phóng viên “SP” cũng đã trao đổi với Alexander Pokrovsky, một nhà văn nổi tiếng về chủ đề biển, Trung tá Hải quân về hưu, nguyên là thủy thủ tàu ngầm ở Biển Bắc, người đã thực hiện 12 chiến dịch độc lập dưới biển. Ông có quan điểm riêng của mình về nguyên nhân và hậu quả của thảm kịch “Kursk”:

“Nguyên nhân xảy ra cái chết của con tàu không thể không liên quan đến nguyên nhân cái chết của một nhà nước, – Alexander Mikhailovich quả quyết. – Đầu những năm 1990, Liên Xô tan rã. Đó là quốc gia đóng góp 20% GDP thế giới.

Và đây là sản phẩm của ngành chế tạo máy thuộc công nghiệp nặng – người ta thường mua bán, trao đổi máy móc đầu tiên, còn dầu khí không bao giờ đứng đầu danh sách.

Một đất nước tan vỡ thì nền kinh tế của nó cũng bị theo. Và đỉnh cao của sức mạnh kinh tế là Hải quân, trước hết là đội ngũ tàu ngầm. Có kinh tế là có hạm đội, có sự công nhận của thế giới, có địa vị trong các quốc gia phát triển.

Nếu không có kinh tế sẽ không có hạm đội, và trên trường quốc tế, vị trí của anh chỉ được xếp bên cạnh các nước Châu Phi mà thôi.

Cái chết của tàu “Kursk” là kết quả của sự sụp đổ của những năm 1990. Khi đó, việc đào tạo nhân sự cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Điều đó không thể không dẫn đến kết cục bi thảm. Nó bắt đầu bằng cái chết của tàu ngầm hạt nhân “Komsomolets” (năm 1989), và sau đó là tàu “Kursk” (năm 2000).

Khi phóng viên hỏi: – Theo ông, chính phủ (Nga-ND) đã rút ra được bài học gì từ vụ tai nạn tàu ngầm hồi tháng 8 năm 2000?

Alexander Pokrovsky trả lời: “Ngành công nghiệp của chúng ta hiện nay có được coi là đang phát triển tích cực hay không? Liệu chúng ta có thể tạo ra một chiếc tàu ngầm không phải trong 20 năm mà chỉ trong 2 năm hay không?

Một quốc gia có tới 11 nghìn km bờ biển cần phải có một lực lượng hải quân hùng hậu. Cần phải hiểu điều đó.

Và chúng ta phải hiểu rằng dân số Nga ít, nhưng chiếm tới 20% trữ lượng khoáng sản của thế giới. Chúng ta đem bán tài nguyên với giá rẻ mạt. Điều đó có nghĩa là gì?

Nghĩa là bài học của “Komsomolsk” và “Kursk” đã không được ai học hỏi cả. Nếu vậy, chúng ta sẽ chờ đợi sức ép gia tăng lên nước Nga trên trường quốc tế. Trên thực tế, hiện nay điều đó đang xảy ra”.

RELATED ARTICLES

Tin mới