Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThế khó cho cả Mỹ và TQ khi đối đầu

Thế khó cho cả Mỹ và TQ khi đối đầu

Đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ thương mại rồi lan sang nhiều mặt trận khác, và tới nay dường như chỉ còn thương mại là được duy trì ổn định.

Phó Thủ tường Trung Quốc Lưu Hạc (bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng khi 2 cường quốc đối đầu trên nhiều mặt trận từ thương mại, đến đại dịch Covid-19, vấn đề Hong Kong cho tới việc ai sẽ kiểm soát các công nghệ của tương lai.

Tuy nhiên tới nay có ít nhất 1 khía cạnh trong mối quan hệ giữa 2 bên dường như vẫn dược duy trì đều đặn, đó chính là thương mại. Cả 2 phía và cả nền kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa suy thoái, đều cần khía cạnh này được duy trì, ít nhất là ở thời điểm hiện nay.

“Lĩnh vực duy nhất hai bên còn cam kết với nhau là thương mại. Hiện yếu tố này đang khá ổn”, Cố vấn kinh tế Larry Kudlow nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hồi tuần trước.

Rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi 2 nước ký thỏa thuận thương mại một phần hồi tháng 1/2020 – gần 2 năm sau khi Mỹ “nổ những phát súng đầu tiên” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thỏa thuận “đình chiến” đó giúp giảm một số loại thuế và không áp thêm thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng đồng ý thu mua hàng tỷ USD các mặt hàng Mỹ, trong đó có nông sản.

Hai bên liên tục “lời qua tiếng lại” về sự lây lan của Covid-19 khi dịch bệnh làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu, đóng cửa lãnh sự quán của đối phương trong với lý do làm ảnh hưởng an ninh quốc gia. Giới chức Mỹ cũng nhằm vào một số công ty công nghệ Trung Quốc và dọa cấm các ứng dụng của Bắc Kinh như TikTok và WeChat.

Dù vậy, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có vẻ như vẫn “còn nguyên”. Cố vấn Kudlow nói rằng Trung Quốc vẫn “đều đặn” thu mua các mặt hàng của Mỹ. Chỉ riêng trong tháng 7/2020, Trung Quốc đã mua hơn 4,6 triệu tấn đậu nành từ Mỹ, theo tính toán của mục CNN Business sử dụng các dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

“Trung Quốc và Mỹ có một lịch sử tiếp diễn các mối quan hệ kinh tế cho dù họ đang phải đối mặt với những bất đồng về an ninh hay nhân quyền. Hiện tại, mỗi nước đều quan tâm đến các mối quan hệ kinh tế ổn định”, David Dollar, một học giả cấp cao của Trung tâm John L. Thornton ở Viện Brookings có trụ sở tại Washington DC nói.

Tổng thống Trump ngày 15/8 nói rằng việc Trung Quốc tăng quy mô thu mua hàng hóa Mỹ khiến ông “cảm thấy hài lòng”. Tuyên bố được đưa ra khi các cuộc đối thoại giữa đại diện thương mại Robert Lighthizer với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến diễn ra ngày 15/8 không được thực hiện theo dự kiến vì một số lý do.

Theo các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, ký ngày 15/1/2020, các cuộc đàm phán cấp cao sẽ được tổ chức nửa năm một lần, và ngày 15/8 đánh dấu 6 tháng kể từ khi thỏa thuận giai đoạn 1 có hiệu lực.

“Trung Quốc đã mua rất nhiều thứ và họ làm điều đó để khiến tôi cảm thấy hài lòng”, ông Trump nói trong cuộc họp báo ở New Jersey.

Trước đó, khi được hỏi về các cuộc đàm phán thương mại, Tổng thống Trump đưa ra câu trả lời có vẻ hơi “lạc đề”.

“Chúng ta đang làm rất tốt với thỏa thuận thương mại. Nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn khác về Trung Quốc so với những gì đã cảm nhận trước đây”, ông Trump nói.

Một cách kiểm soát căng thẳng

Trong khi những tháng gần đây, Mỹ đã liên tiếp “giáng đòn” vào lĩnh vực công nghệ nhưng Trung Quốc lại có một sáng kiến để đảm bảo ít nhất một phần nào đó trong mối quan hệ song phương tiếp tục được thực hiện.

“Bắc Kinh chắc chắn sẽ không tìm cách chấm dứt thỏa thuận”, các nhà phân tích tại Eurasia Group nói trong một nghiên cứu tháng trước, đồng thời nhận định, thỏa thuận này nhiều khả năng vẫn đảm bảo sự ổn định bất chấp các cuộc “khẩu chiến” của giới chức hay truyền thông.

“Bên cạnh việc hạn chế các rủi ro kinh tế từ cuộc chiến thuế quan, thỏa thuận giai đoạn 1 là một cách kiểm soát căng thẳng với Mỹ”, các nhà phân tích nói thêm.

Giới chức Trung Quốc cũng đưa ra quan điểm như vậy.

“Trung Quốc vẫn luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Mỹ. Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi thỏa thuận thương mại”, Nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì viết trong một bài viết do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải tuần trước.

Trung Quốc cũng đang phải đối phó với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng của chính mình, và không phải chỉ vì đại dịch Covid-19 hiện nay.

Lũ lụt lịch sử ở nước này đã tàn phá hàng triệu héc-ta đất nông nghiệp và đe dọa đến sản xuất. Điều này khiến việc duy trì mối quan hệ với một đối tác thương mại lớn như Mỹ là vấn đề quan trọng.

Ví dụ, đợt thu mua đậu nành tháng trước chắc chắn là để đẩy mạnh dự trữ thực phẩm: Chỉ riêng trong tháng 7, số lượng đậu nành mà Trung Quốc thu mua từ Mỹ bằng một nửa khối lượng trong 6 tháng đầu năm.

Dù vậy, các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không thực hiện được toàn bộ các cam kết thương mại trước cuối năm nay, nhất là với tình hình mong manh của nền kinh tế toàn cầu.

Cuối tháng 6, Trung Quốc chỉ mua 40,3 tỷ USD hàng hóa Mỹ theo thỏa thuận giai đoan 1 – chỉ tương đương 20% mục tiêu cho năm 2020.

Học giả Dollar của Viện Brookings cũng nhận thấy việc Trung Quốc đáp ứng được một số mục tiêu nhất định trong thỏa thuận thương mại là phi thực tế.

“Các khía cạnh của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chỉ đơn giản là không thực tế trong môi trường hiện nay”, ông Dollar nói, đồng thời nêu thêm ví dụ: các cam kết về “dịch vụ” của Trung Quốc sẽ không thể đạt được vì điều đó đòi hỏi phải có thêm khách du lịch người Trung Quốc, sinh viên Trung Quốc tới Mỹ và chi tiêu thêm nhiều tiền. Điều đó sẽ không thể thực hiện trong bối cảnh đại dịch hoành hành.

Những lựa chọn của Tổng thống Trump

Đối mặt với khả năng Trung Quốc có thể không đáp ứng được hết các cam kết, chính quyền Tổng thống Trump có những lựa chọn. Họ có thể hủy bỏ thỏa thuận thương mại hoặc tìm cách để nó tiếp tục được thực hiện.

“Xé bỏ thỏa thuận có thể đem lại phản ứng tiêu cực từ các thị trường, vì thế ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục thỏa thuận ở thời điểm này”, học giả Dollar nói, đồng thời cho biết thêm, nhiều khả năng Mỹ sẽ gâp sức ép để Trung Quốc phải tuân thủ thêm nhiều cam kết có ý nghĩa thực tiễn nữa như thu mua nông sản.

Dù vậy, tương lai của mối quan hệ thương mại vẫn khá bấp bênh. Ông Trump đang phải đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 11 tới và có thể đánh mất vị trí tổng thống vào tay đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.

“Kết quả cuộc bầu cử chắc chắn sẽ làm thay đổi mối quan hệ Mỹ-Trung”, Mauro Guillén, giáo sư về quản lý tại trường Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania, nói.

Nếu ông Trump thắng, “phe cánh cứng rắn của Nhà Trắng sẽ gây nhiều sức ép hơn với Trung Quốc”. Còn nếu ông Joe Biden thắng, “sẽ có những nỗ lực trở lại đàm phán về công nghệ, thương mại và an ninh”.

Tuy nhiên, giáo sư Guillén vẫn tin rằng điều quan trọng là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới nên ngồi lại với nhau để tìm một giải pháp. “Cho dù là 5-10 năm nữa, thế giới vẫn cần 2 nền kinh tế lớn nhất, 2 đối tác thương mại lớn ngồi lại, đàm phán và tìm ra giải pháp. Nếu không, nền kinh tế thế giới sẽ khó có thể vận hành”.

RELATED ARTICLES

Tin mới