Tấm ảnh đăng trên bìa Tạp chí Xưa&Nay số này ghi lại cuộc gặp mặt giữa hai “nhà tổ chức” Ngày Độc lập từ 2 đầu đất nước:
cụ Nguyễn Hữu Đang, người được cụ Chủ tịch nước giao nhiệm vụ làm trưởng ban tổ chức ngày 2-9-1945 tại Quảng tường Ba Đình Hà Nội và cụ Trần Văn Giàu vừa là nhà lãnh đạo chủ chốt vừa là người đứng ra tổ chức cuộc tập hợp quần chúng ở Sài Gòn và Nam Bộ diễn ra tại Quảng trường Nôrôđôm (trước Phủ Toàn quyền cũ nay là Dinh Thống nhất) để vọng ra Thủ đô Hà Nội lắng chờ thời khắc thiêng liêng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Tấm ảnh này (do phóng viên Nguyễn Đình Toán chụp) vào lúc hai “nhà tổ chức” đã làm sáng tỏ một khúc mắc lịch sử diễn ra đúng nửa thế kỷ trước. Cụ Giàu hỏi : “50 năm nay tôi mới gặp để hỏi ông một câu : tại sao hôm đó ông đã thông báo sẽ truyền thanh trực tiếp từ Ba Đình, Hà Nội mà ở Sài Gòn bắt mãi mà không thấy sóng khiến tôi phải đứng lên hiệu triệu đồng bào. May mà đến hôm sau mới nhận đựơc nội dung Tuyên ngôn, soi lại thấy mình nói không sai với tinh thàn của Bác và Trung ương ngoài ấy ?!”. Cụ Đang trả lời : ” Điều này phải hỏi cụ Dực(con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh là người phụ trách trang âm cho cuộc lễ trong đó có việc phát thanh trực tiếp lên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam), tóm lại là do “trục trặc kỹ thuật”
Cách đó không lâu (9-1995), kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh , Hội Sử học tổ chức một buổi tọa đàm của các nhân chứng lịch sử, những thành viên của ban tổ chức do Nguyễn Hữu Đang làm trưởng ban để ôn lại câu chuyện năm xưa với những tình tiết cụ thể. Chính trong buổi tọa đàm ấy, Cụ Nguyễn Dực, một người phát huy cái tháo vát vốn có của một huynh trưởng hướng đạo sinh cho biết, mặc dàu khi đó nhà nước cách mạng chỉ có 2 bàn tay trắng nhưng lại có một đội ngũ những người đày nhiệt huyết, chịu hy sinh từ tài sản đến tính mạng. Hệ thống trang âm (thiết bị thu phát, tăng âm, giây dẫn…) đều là của các tư nhân tự nguyện đóng góp. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã thành lập tiếp thu được cột phát sóng ở Bạch Mai do quân Nhật bàn giao. Trụ sở và thiết bị của Đài đặt ở trung tâm thành phố (phố Nguyễn Xí) kề cận với Bộ Nội vụ và Bắc Bộ phủ nơi đầu não cách mạng đặt bản doanh. Để thực hiện việc truyền phát trực tiếp Lễ Độc lập theo lệnh Cụ Hồ, đường dây dẫn được kéo ra tận nơi các thiết bị thu trực tiếp đặt trên một chiếc ô tô chủ ý đỗ trước Phủ Toàn quyền lúc này vẫn do bính lính Nhật canh gác chờ đại diện các nước Đồng Minh đến tiếp quản. Ôtô đặt thiết bị phát thanh lại được sử dụng làm vật cản tầm nhìn của lính Nhật ra phía lễ đài để bảo đảm an toàn cho các nhà lãnh đạo. Nhưng đến phút cuối thì máy móc không vận hành được việc thu phát trực tiếp để truyền trên làn sóng diện như dự định, lý do ngoài việc máy móc cũ kỹ chắp vá, cụ Dực cũng nói đến giả thiết lúc đó cho rằng có kẻ xấu phá hoại…
Câu chuyện ông Nguyễn Hữu Đang trở thành một trong những nhân vật chính của Vụ án Nhân văn giai phẩm thì nhiều người biết vì nó được đưa ra xét xử công khai ở Hà Nội với mức án 15 năm tù trong tội danh có cả việc liên hệ với gián điệp và mọi tài liệu tuyên truyền đều nhắc tới. Nhưng việc ông chính là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức Ngày Độc lập ở Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 thì chỉ có một số rất ít người cộng sự với ông biết nhưng ít ai muốn (dám) nhắc tới, còn số đông thì không hề biết. Vì thế việc Nguyễn Hữu Đang (sinh năm 1913) từng tham gia cách mang khi mới 16 tuổi (1929) gia nhập Hội Thanh niên Cách mạng Đồng chí ở Thái Bình rồi trở thành thủ lĩnh các phong trào của học sinh thanh niên và đặc biệt là trong cuộc vận động Truyền bá Quốc ngữ và Văn hóa Cứu Quốc, tham gia viết báo cho Đảng rồi vào Đảng cộng sản Đông Dương (1947), có mặt dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và được bàu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc (chỉ gồm 15 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu) và trở thàng Thứ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập v.v… thì rất ít ai biết đến.
Hôm cụ Đang mất (8-2-2007), tôi đang ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận được điện thoại của Cụ Mười Hương năm đó đã ngoại tám mươi, từng làm trưởng ban nội chính trung ương và cũng là người hoạt động tình báo suốt hai mùa kháng chiến. Cụ nhắn tôi ra ngay Hà Nội gặp ở nhà khách Trung ương bên bờ Hồ Tây chỉ để nghẹn ngào chia sẻ với tôi : “Cứ mỗi lần nhìn tấm ảnh Lễ đài Độc lập dựng ở giũa Quảng trường Ba Đình nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tôi lại thương anh Đang . Lần này ra Hà Nội dự kỷ niệm thành lập Đảng và tưởng niệm anh Trường Chinh, tôi cũng có y định cùng mấy vị lão thành ở ngoài này lo đề nghị trên tặng một tấm huân chương cho anh Đang. Vậy mà anh ấy lại đi mất “. Những người dự đám tang cụ Nguyễn Hữu Đang đều thấy cụ Mười Hương có mặt suốt từ đầu đến khi ra Đài hoá thân hoàn vũ .
Sau đám tang, gặp lại cụ Mười Hương hỏi vì sao mà điếu văn còn loáng thoáng nhắc đến “sai lầm Nhân Văn giai phẩm” thì Cụ Mười Hương chỉ nói rằng thời điẻm ấy Cụ đang ở chiến trường miền Nam, có nghe tin từ Bắc chuyển vào về vụ Nhân Văn giai phẩm, không rõ việc gì đã xảy ra nhưng riêng cái chi tiết “Nguyễn Hữu Đang bị gián điệp đàn bà lung lạc” thì Cụ Mười quyết không tin : “Anh Đang là người sống chung thủy và nghiêm túc lắm“. Cụ Mười Hương kể thêm rằng sau khi Thường vụ Trung ương họp để thông qua văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác trực tiếp soạn thảo và quyết định sẽ chọn ngày công bố vào chủ nhật 2-9-1945 , Tổng bí thư Trường Chinh đã gặp Cụ để trao đổi về việc làm sao có thể kịp tổ chức đúng thời điểm tuyên ngôn độc lập mà chính Cụ Hồ đã ấn định vì không thể chậm hơn trong cuộc chạy đua thời gian với những diễn biến của thời cuộc, cụ thể là phái diễn ra trước khi đại diện của Đồng Minh đến Hà Nội. Sau này, vị trưởng ban tổ chức có viết hồi ức về giai đoạn này, (trong đó có đăng ở tạp chí Xưa&Nay) kể rằng khi thấy ý nghĩa việc tổ chức sự kiện này trọng đại quá mà tỏ ý e ngại thì chính Cụ Chủ tịch Nước lại động viên như ra mệnh lệnh :”Thì việc khó mới giao cho chú !”.
Cụ Nguyễn Hữu Đang ra tù năm 1973 đến khi qua đời cũng là hơn ba chục năm. Cụ quan điểm phần đời còn lại “sống thêm” với một quan niệm rất nhân bản : “cầu sự bình yên trong cảnh thanh bần, tìm an ủi trong tình cảm của những người thân quen, hưởng thú vui thái độ SỐNG ĐỂ XEM”(ba chữ cuối viết hoa). Cho đến lúc, nhà nước coi cụ là “lão thành cách mạng” rồi giải quyết một số chính sách đãi ngộ thì Cụ vẫn kiệm lời và chỉ tham gia gặp gỡ với những người bạn một thời chung sức “làm cách mạng” (chứ không phải “đi theo cách mạng” điều mà Cụ Đang rất rạch dòi phân biệt). Trong những năm tháng cuối đời ấy, Cụ chỉ viết hay kể một vài hồi ức về Truyền bá Quốc ngữ, Ngày Độc lập hay mọt chút về Nhân Văn giai phẩm. Ngoài ra còn một bài viết cảm động về mối tình duy nhất mà không thành với một cô gái trẻ trong bối cánh thời nước nhà mới độc lập..
Và có một lần vị Trưởng ban Tổ chức Ngày Lễ Độc lập khi trả lời Đài phát thanh Quuóc tế của Pháp (RFI) đã nói về cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 khi rút ra “Bốn tính chất của Ngày Lễ Độc lập“. Nhân kỷ niệm 71 năm Cách mang tháng Tám và Quốc Khánh xin trích những đánh gia căn bản của sự kiện mà Cụ Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức của sự kiện lịch sử trọng đại này :
“Khi tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ tổ chức ngày này, lúc bấy giờ Chủ tịch cũng như Trung ương Đảng đề ra chỉ là một ngày lễ để Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân, đồng thời đọc một bản Tuyên ngôn Độc lập đối với dân trong nước và đối với cả thế giới. Sau đó, tôi cùng với ban tổ chức trao đổi ý kiến, muốn nâng cao giá trị ngày lễ đó lên cho nên chúng tôi đã đặt tên nó là Ngày Độc lập để nói lên ý nghĩa trọng đại của ngày hôm đó trong lịch sử Việt Nam. Ngày Độc Lập đó có bốn tính chất như thế này: Một là tính chiến đấu, hai là tính khẩn trương, ba là tính nhân dân, thứ tư là tính độc đáo. Tính chiến đấu của nó là do tình thế nghiêm trọng của nước Việt Nam lúc bấy giờ. Từ năm 1943, Chính phủ lâm thời kháng chiến của Pháp thành lập ở Alger, tướng de Gaulle đứng đầu chính phủ, lập tức nghĩ ngay đến việc thu hồi lại thuộc địa đã mất, quyết tâm lấy lại Đông Dương bằng vũ lực. Chính phủ de Gaulle khi đưa lực lượng vũ trang sang chuẩn bị lấy lại Đông Dương, phất cao ngọn cờ gọi là chính nghĩa của mình, đánh bọn giặc cỏ phiến loạn. Điều đó làm cho nhân dân Pháp hiểu nhầm cách mạng Việt Nam. Chúng tôi không được sự ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân Pháp, cho nên vấn đề là phải chính thức hoá nhà nước mới, chính thức hoá Chính phủ lâm thời để thế giới trông vào, biết rằng chính nghĩa là thuộc về chúng tôi chứ không thuộc về thực dân Pháp. Cả hai điều đó, chúng tôi long trọng công bố trước nhân dân trong nước và cả thế giới.
Ngoài những khó khăn do phe thực dân gây ra còn có một khó khăn cực lớn của Trung Quốc, chính phủ Tưởng Giới Thạch. Ngày mùng 9 tháng 8, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa quân vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật theo quyết định của Hội nghị Postdam tháng 7 năm 1945. Tiếp theo, ngày 27 tháng 8, quân Tàu Tưởng thuộc quyền chỉ huy của tướng Lư Hán, vượt biên giới Hoa Việt vào nước ta. Theo chân họ có các tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam và Việt Nam Cách mạng đồng chí hội của Nguyễn Hải Thần. Quân của Lư Hán cùng với hai đảng chống Việt Minh từ trước, không dự vào mặt trận đoàn kết, mặt trận đánh Pháp. Hai đảng ấy chống Việt Minh đến cùng. Nguyên cuộc tấn công của phe thực dân Pháp đã là một mối đe dọa lớn đối với nền độc lập của chúng ta rồi, thêm vấn đề Trung Quốc lại còn nguy hiểm hơn nữa. Tính chất khẩn trương là như thế.
Còn tính nhân dân thì sau khi chúng tôi đăng thông cáo, nhân dân ủng hộ, tham gia rất tích cực, người góp của, người góp công. Tất cả việc chúng tôi làm đều không có phương tiện của nhà nước, mà toàn là phương tiện của nhân dân đem đến cả.
Tính thứ tư là tính độc đáo thì chúng tôi tổ chức một buổi mít tinh huy động thành phố Hà Nội, huy động tất cả mọi người, không trừ một ai, coi như thành phố thiết quân luật, nhân dân đi mít tinh, cơm nắm muối vừng, đi từ sáng sớm cho đến tối đêm mới trở về nhà. Đó là một tính độc đáo mà sau này không ai làm như vậy cả…
Hồ Chủ tịch khi giao như thế thì chỉ còn có 4 ngày nữa thôi. Bốn ngày mà làm việc lớn như thế thì làm sao đủ được, nhất là lúc bấy giờ chúng tôi không có bộ máy gì cả. Ông cụ giao cho tôi một mình, về rồi tôi tập hợp một số anh em, phương tiện thì chỉ có hai bàn tay trắng, một đồng xu không có, một ki lô gỗ, ki lô xi măng cũng không thì làm thế nào bây giờ trong hoàn cảnh khó khăn như vậy. Tôi có nói là còn ít ngày nên khó quá thì Cụ lại bảo có khó mới giao cho chú chứ. Qua câu đó tôi biết là khó cũng phải làm, mà làm ngay. Tôi hiểu không thể hoãn, không thể chậm được. Khi giao việc như thế, lúc bấy giờ cũng đã 10 giờ đêm rồi, tôi lập tức trở về bộ Tuyên truyền. Ở thời điểm đó chưa thành lập Chính phủ phân công bộ nọ bộ kia, lúc bấy giờ tôi tạm thời đảm nhiệm thứ trưởng Bộ Tuyên truyền. Tôi gọi dây nói cho các báo, đọc ngay cho họ một thông cáo viết vội, kêu gọi quốc dân ai có nhiệt tình với nền độc lập đến tham gia việc tổ chức. Nhân dân hưởng ứng rất mạnh mẽ. Tôi giao cho anh Trần Kim Xuyến là Đổng lý văn phòng bộ, liên lạc với các anh bạn ở trong ba tổ chức là Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Văn hoá cứu quốc và Hướng đạo sinh để thành lập ban tổ chức ngay tối hôm đó. Trước hết là chọn địa điểm. Địa điểm thì chọn ở đâu bây giờ? Đưa ra bãi đá bóng thì không long trọng. Có một khu rộng rãi bây giờ gọi là quảng trường, ngày xưa tiếng Pháp gọi là rond point, chẳng nhẽ lại bảo là mời đến cái rond point phủ Toàn quyền à? Nghe nó vô duyên và kệch cỡm thế nào đó. Chúng tôi lợi dụng việc chính phủ Trần Trọng Kim đã đặt tên chỗ đó là Vườn hoa Ba Đình, chúng tôi bảo thế thì mời nhân dân đến Vườn hoa Ba Đình biểu tình. Số người hôm đó trên nửa triệu người.
Về vai trò của Hồ Chủ tịch rất quan trọng; Cụ có thành lập Mặt trận Việt Minh thì mới có Cách mạng Tháng Tám. Nếu Đảng Cộng sản đứng ra vận động cuộc Cách mạng Tháng Tám, tôi tin là không được kết quả như là Mặt trận Việt Minh, đó là một mặt trận gồm nhiều thành phần, nhiều tầng lớp tham gia cho nên phát triển mạnh, được nhân dân ta hưởng ứng hơn, chứ còn nếu Đảng Cộng sản đứng ra thì vẫn bị hạn chế. Cho nên Hồ Chủ tịch đã sáng suốt, thứ nhất là chủ trương Mặt trận dân tộc để thu hút quần chúng, thứ hai là Cụ đã nhằm được đúng thời cơ, chiến tranh thế giới đưa đến đảo chính Nhật, rồi đến Nhật đầu hàng, đấy là một thời cơ vô cùng quý giá. Nếu không có thời cơ đó thì Cách mạng Tháng Tám cũng không làm gì được, dù có thiên binh vạn mã cũng không làm gì được. Đảng Cộng sản lúc bấy giờ có 5000 người chứ ăn thua gì đâu. Quần chúng tự khắc người ta nổi lên thành ra một làn sóng cách mạng đưa đến kết quả như vậy.”
Muà Thu này, lại ghĩ về vị Trưởng ban Tổ chức Lễ Độc lập 1945 vì sang năm, Cụ Nguyễn Hữu Đang mất cũng tròn 10 năm. Ở ta đây là dịp những nhân vật của quá khứ được người đời nhắc tới để đánh giá cẩn trọng hơn cái nguyên lý “Cai quan định luận”. Đến nay tấm huân chương mà Cụ Mười Hương mong muốn không biết đã thành hiện thực chưa, nhưng một tên đường phố ít ra ở quê hương Thái Bình và đương nhiên ở Thủ đô Hà Nội vẫn là một dấu hỏi chứa đựng nỗi mong của sự công bằng. Cho dù “Nhân Văn Giai phẩm” chưa có dịp đánh giá lại cho thật minh bạch, thì đã có những người tên tuổi từng hệ lụy đến vụ việc này, nay đã được tôn vinh xứng đáng. Tại sao không đối với Vị trưởng ban Tổ chức lễ Độc lập , thành viên của Ủy ban Giải phóng Dân tộc?.