Khi mọi thứ quen thuộc và thoải mái thay đổi đột ngột, bản năng của con người là tin rằng nó sẽ sớm trở lại bình thường. Ý tưởng rằng cuộc sống có thể đã thay đổi vĩnh viễn là điều quá đáng lo ngại khiến chúng ta khó chấp nhận. Chúng ta đã nhìn thấy tâm lý này dưới thời Covid-19. Chúng ta cũng đang chứng kiến điều đó khi các doanh nghiệp phản ứng với vòng xoáy đi xuống trong quan hệ Mỹ – Trung.
Sau 40 năm hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng giữa Mỹ và Trung Quốc, khó có thể tưởng tượng đượcmối quan hệ thực sự bị cắt đứt. Nhiều giám đốc điều hành tin rằng các chính trị gia ở Washington và Bắc Kinh sẽ giải quyết sự khác biệt của họ khi họ nhận ra tác động thực sự của việc “phân tách” hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Người ta hy vọng rằng một thỏa thuận thương mại sẽ làm ổn định mọi thứ, cho dù phải đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Nhưng điều đó là quá chủ quan. Thực tế là việc tách rời còn tiếp diễn. Nó đã lan rộng ra ngoài ngành công nghệ và tài chính. Theo thời gian, nó sẽ ảnh hưởng đến mọi ngành công nghiệp lớn, từ sản xuất đến hàng tiêu dùng. Và tất cả các công ty đa quốc gia – ngay cả những công ty có trụ sở tại châu Âu – cũng sẽ bị ảnh hưởng, khi họ cố gắng vượt qua chuỗi cung ứng bị gián đoạn và những thay đổi trong luật pháp Mỹ và Trung Quốc.
Quá trình này đang được thúc đẩy bởi sự thay đổi cơ bản trong cách cả Hoa Kỳ và Trung Quốc nhìn nhận mối quan hệ của họ. Trong bốn thập niên qua, logic kinh doanh đã chiếm ưu thế so với cạnh tranh chiến lược. Nhưng chúng ta đang ở trong một thế giới mới, trong đó sự cạnh tranh chính trị lấn át các động lực kinh tế – ngay cả đối với một tổng thống Hoa Kỳ tự hào là một dealmaker (người chốt giao dịch). Khi Donald Trump được thông báo rằng lệnh mới của ông – buộc các công ty Mỹ cắt đứt quan hệ với WeChat, một ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc – sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Mỹ tại Trung Quốc, phản ứng của ông là “Có sao đâu”.
Đây không chỉ là sự điên rồ kiểu Trump. Hiện tại, có một sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington trongviệc phải cứng rắn với Trung Quốc, ngay cả khi điều đó làm tổn hại đến lợi nhuận của các công ty. Một dự luật buộc các công ty Trung Quốc hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu họ không công khai sổ sách với các cơ quan quản lý của Mỹ đã được thượng viện nhất trí thông qua vào tháng Năm.
Ở Bắc Kinh cũng vậy, mệnh lệnh chính trị phải khẳng định chủ quyền giờ đây lấn lướt động lực thương mại trong việc tránh đối đầu với Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự trên khắp Biển Đông, chấm dứt quyền tự trị của Hồng Kông và bỏ tù hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Các đe dọa quân sự đối với Đài Loan ngày càng công khai hơn.
Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau vì đã bắt đầu tình trạng thù địch. Trung Quốc chỉ ra việc Trump đơn phương áp đặt thuế quan. Còn Mỹ phản hồi rằng Google và Facebook đã bị chặn ở Trung Quốc hơn một thập kỷ trước khi Mỹ có hành động nghiêm túc chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ByteDance.
Cho dù ai đã bắn phát súng đầu tiên thì cả hai bên đều bị khóa chặt vào một logic ăn miếng trả miếng. Nếu Mỹ thực hiện thêm các biện pháp chống lại WeChat và Huawei, Bắc Kinh có thể sẽ đáp trả bằng cách hạn chế hơn nữa các công ty công nghệ của Mỹ tại Trung Quốc. Khi căng thẳng chính trị gia tăng, các thương hiệu tiêu dùng Mỹ sẽ dễ bị công chúng Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc tẩy chay. Đó có thể là tin xấu đối với các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như Starbucks và Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia.
Ngoài yếu tố cảm xúc, quá trình tách rời cũng được thúc đẩy bởi những đánh giá mới về rủi ro. Việc các công ty Trung Quốc bao gồm ZTE và Huawei có nguy cơ bị cấm mua chip máy tính của Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc tự cung tự cấp các công nghệ quan trọng. Các công ty Hoa Kỳ cũng đang phòng ngừa rủi ro. Apple, công ty đã xây dựng hoạt động kinh doanh của mình xung quanh việc sản xuất ở Trung Quốc, đang sản xuất iPhone mới nhất của mình ở Ấn Độ bên cạnh Trung Quốc.
Một lĩnh vực xung đột đang nổi lên là ngân hàng và tài chính. Trong thập niên qua, Mỹ đã triển khai các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các nước bao gồm Iran và Venezuela, những biện pháp thường có tác động nghiêm trọng. Bây giờ Mỹ đang bắt đầu sử dụng công cụ này trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc.
Các quan chức chính phủ ở Hồng Kông và Tân Cương đã bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, khiến họ bị loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ. Do vị trí trung tâm của đồng đô la trong thương mại toàn cầu, các ngân hàng quốc tế đang cảnh giác tránh vi phạm những điều này. Rủi ro đó có thể kiểm soát được nếu chỉ giới hạn ở một vài cá nhân. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu và khi các biện pháp trừng phạt tài chính được áp dụng đối với các công ty lớn của Trung Quốc?
Các ngân hàng Phố Wall, vốn đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc tư vấn niêm yết cho các công ty Trung Quốc ở New York, đang cho rằng ngay cả khi việc niêm yết (ở Mỹ) tiếp tục bị cấm, họ vẫn có thể đưa các công ty sang thị trường Hồng Kông. Nhưng điều đó sẽ tuỳ thuộc vào việc họ có bị cấm đoán bởi chính phủ Mỹ và Trung Quốc hay không – cả hai điều này đều chưa thể biết trước.
Các quốc gia và công ty châu Âu hoặc Đông Nam Á khó có thể đứng ngoài cuộc. Quyết định của Anh mở cửa thị trường viễn thông 5G cho Huawei – trước sự phản đối của Hoa Kỳ – được chứng minh là không bền vững. HSBC, có trụ sở chính tại Anh nhưng tạo ra 80% lợi nhuận ở châu Á, đã bị đẩy vào cuộc đối đầu khi buộc phải đưa ra bằng chứng trong vụ Mỹ truy tố Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của Huawei.
Các doanh nghiệp lớn sẽ muốn giữ vị trí trung lập trong cuộc chiến tranh lạnh đang nổi lên giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng điều đó có thể là bất khả. Lịch sử thế giới 40 năm qua được xây dựng dựa trên toàn cầu hóa và mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng thế giới đó đang nhanh chóng biến mất.