Nhiệm vụ CPH DNNN đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 không còn nhiều thời gian nhưng khối lượng công việc thực hiện đến nay mới chỉ đạt 28% kế hoạch.
Hàng loạt “ông lớn” vẫn chưa thể cổ phần hóa
Mới thực hiện 28% kế hoạch
Theo Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 7 tháng năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) của 6 doanh nghiệp (DN), trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.
Tính lũy kế giai đoạn 2016 – tháng 7/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443.500 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là trên 207.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã CPH chỉ có 37/128 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).
Số doanh nghiệp còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch 5 tháng còn lại của năm 2020 là 91 doanh nghiệp. Trong đó, Hà Nội có 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), TPHCM có 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty), Bộ Công Thương có 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty) và Bộ Xây dựng có 2 Tổng công ty.
Về tình hình thoái vốn, 7 tháng năm nay, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện thoái vốn với giá trị hơn 601 tỷ đồng, và thu về 1.110 tỷ. Tổng số thoái vốn lũy kế từ năm 2016 đến nay là 25.630 tỷ đồng, thu về số tiền trên 172.800 tỷ.
Việc triển khai thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng còn chậm. Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Thành phố Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp).
Đất đai vẫn là vướng mắc lớn nhất
Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, một trong số các nguyên nhân khiến tiến độ CPH diễn ra chậm chạp là do các doanh nghiệp cần thời gian để kiểm kê tài sản, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý đất đai. Việc triển khai kế hoạch CPH còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
“Đối tượng CPH, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài”, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp thông tin.
Đơn cử, với những vướng mắc về sắp xếp đất đai kéo dài từ 4 năm nay, kế hoạch CPH của Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) vốn đã bị trì hoãn từ năm 2018, dự kiến vẫn khó có thể hoàn thành trong năm nay. Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo tái cơ cấu DNNN mới đây cho thấy, tính đến tháng 6/2020, VNPT đã hoàn thành việc sắp xếp và phê duyệt phương án sử dụng của 4.100/4.400 cơ sở nhà đất, đạt 93% kế hoạch, còn 301 mảnh đất đang trong thủ tục hoàn thành. Trong số cơ sở nhà đất còn lại, còn 45 mảnh đang chờ thủ tục điều chỉnh, còn lại dự kiến trong quý 4 có thể hoàn thành cơ bản với sự hỗ trợ cơ quan chức năng, Bộ Tài chính và các chính quyền địa phương… Mặc dù vậy, đại diện tập đoàn này cho biết, khả hoàn thành trong năm nay là khó bởi “còn 1 miếng đất chưa xong thủ tục thì cũng chưa thể CPH được theo văn bản quy định hiện hành”.
Tương tự, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc 1 (Vinafood 1) cũng bế tắc nhiều năm nay trong việc hoàn thành sắp xếp định giá đất đai để cổ phần hóa. Dù trong kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2020, song bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinafood1 cho biết, khả năng đến tháng 9 doanh nghiệp lại phải tiếp tục báo cáo chỉnh sửa lại lộ trình.
Nguyên nhân là do DN đang gặp vướng mắc trong việc CPH 2 doanh nghiệp thành viên là Công ty TNHH Muối Việt Nam và Công ty lương thực Lương Yên, vì 2 công ty này vướng mắc kéo theo vướng cả CPH Tổng công ty. Theo lãnh đạo Vinafood1, mặc dù DN đã lập xong phương án sử dụng đất, đã gửi các tỉnh, thành phố từ tháng 9 năm ngoái song đến nay vẫn chưa phê duyệt xong phương án sử dụng đất đai.
“Đối với Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam, nếu không tháo gỡ khó khăn phê duyệt được thì đến 30/9 quá thời hạn 12 tháng thì lại quay lại 1 vòng nữa lại bắt đầu quá trình cổ phần hóa từ đầu, đối với Công ty lương thực Lương Yên đến 31/12 cũng như vậy, sẽ phát sinh rất nhiều chi phí và hệ lụy cho Tổng công ty”, bà Tâm cho hay.
Cần cơ chế xử lý chậm trễ trong CPH
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, khó khăn nhất trong cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua gắn với tài sản Nhà nước trên đất đai, và việc CPH gắn với đất thường phức tạp ở cơ chế của Nhà nước chủ yếu là tài sản doanh nghiệp, còn định giá đất hầu như không tính đến, nhất là các dự án mà doanh nghiệp thuê đất ngắn hạn, trả tiền theo một vài năm.
Dẫn chứng các vụ vi phạm khi CPH cốt “nhắm” đến miếng đất của doanh nghiệp, sau khi CPH xong bắt đầu dùng “mánh lới” chuyển doanh nghiệp ra bên ngoài các khu “đất vàng” để xây chung cư dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải có cơ chế phân định rõ ràng về quyền và trách nhiệm nghĩa vụ của người đứng đầu DNNN. Bởi theo ông Thịnh “chả ai đang có quyền muốn mình mất quyền, vì thế người có quyền quyết định trong CPH kể cả ở cơ quan chủ quản tại các bộ đều không muốn CPH”.
Từ thực tế đó, ông Thịnh cho rằng, cần phải có cơ chế thưởng phạt rõ ràng, nhất là cơ chế xử lý khi chậm trễ trong CPH.
“Nhiều người nói rằng khi CPH phải đảm bảo giá trị của Nhà nước là đúng, nhưng không phải “vin” vào đó để kéo dài thẩm quyền của Ban giám đốc khiến mãi không CPH được, càng để lâu thì tài sản của doanh nghiệp lại bị mất giá đi. Do đó, phải có cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu, các Ban giám đốc nếu không CPH thì trách nhiệm sẽ như thế nào? Giá trị của doanh nghiệp được định giá theo thị trường và khi định giá sai thì trách nhiệm ra sao? Lúc đó CPH mới đẩy nhanh lên được”, ông Thịnh nêu ý kiến.