Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiên tục tập trận trên biển, Bắc Kinh muốn điều gì?

Liên tục tập trận trên biển, Bắc Kinh muốn điều gì?

Tối ngày 21/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam phát đi thông báo: Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông từ ngày 24 đến ngày 29/8. Khu vực diễn ra cuộc tập trận nối liền bởi 7 điểm có tọa độ cụ thể. Thông báo yêu cầu tàu bè không đi vào khu vực nêu trên trong thời gian diễn ra tập trận. 

 

Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng, Trung Quốc tổ chức tập trận lớn ở Biển Đông. Lần tập trận trước diễn ra từ ngày 01 đến 05/7, cuộc tập này có quy mô lớn bao trùm quần đảo Hoàng Sa. Còn khu vực tập trận những ngày cuối tháng 8 nằm xích hơn về phía bắc nhưng vẫn bao trùm nhóm đảo An Vĩnh ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Về phạm vi tập trận lần này còn lớn hơn cuộc tập trận hồi đầu tháng 7, (trong phạm vi 48.8500 km vuông, lần trước là 45.000 km vuông).   

Ngày 20/8, Cục Hải sự tỉnh Sơn Đông cũng thông báo sẽ tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn từ ngày 22 đến 26/8 tại một khu vực rộng lớn ở Hoàng Hải ngoài khơi Thanh Đảo kéo xuống đến Liên Vân Cảng, trong phạm vi 40.000 km vuông.

Ngoài ra con có hai thông báo khác của Cục Hải sự tỉnh Liêu Ninh. Theo đó sẽ có hai cuộc tập trận diễn ra ở eo biển Bột Hải, một từ ngày 24 đến 25/8 và một từ ngày 21 đến 28/8.

Các đợt tập trận diễn ra giữa lúc căng thẳng dâng cao ở Biển Đông cũng như eo biển Đài Loan. Theo tiết lộ từ truyền thông Nhật Bản, Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc tập trận mô phỏng kịch bản đánh chiếm quần đảo Pratas hiện do Đài Loan kiểm soát. Chưa thấy nói tới âm mưu của Trung Quốc đối với các đảo ở Trường Sa của Việt Nam.

Đợt tập trận mới cũng diễn ra vào lúc Trung Quốc tăng cường lực lượng không quân ở Hoàng Sa. Lực lượng này bao gồm việc triển khai nhiều chiến đấu cơ, thậm chí cả oanh tạc cơ hiện đại H-6J của không quân hải quân đến đảo Phú Lâm của Việt Nam.

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một chuỗi hành động trơ tráo, điên cuồng, bất chấp pháp luật quốc tế. Nó đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Nó phản bội Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Không ai khác, chính Bắc Kinh đã lộ rõ là kẻ hiếu chiến, ngày càng cố tình làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.

Những hành động phi pháp, bỏ ngoài tai mọi yêu cầu chính đáng của dư luận quốc tế trong thời gian gần đây là cản trở lớn đến quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC). Không những thế nó còn tàn phá nghiêm trọng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Trước mỗi hành động ngang ngược của Trung Nam Hải, Hà Nội đều kiên trì các hoạt động ngoại giao, như trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự.

Ngay sau khi có thông tin từ phía Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra tuyên bố phản đối cuộc tập trận này. Tuyên bố khẳng định: “Khu vực tập trận dự kiến bao gồm các vùng biển và lãnh thổ tranh chấp. Tiến hành tập trận quân sự trên lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông là phản tác dụng đối với các nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì bình ổn. Hành động của Trung Quốc sẽ làm bất ổn thêm tình hình tại Biển Đông”.

Đó là về tuyên bố ngoại giao. Về quân sự, Mỹ đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan vào Biển Đông tập trận cùng thời điểm Trung Quốc có những hành động leo thang mới.

Những hành động điên cuồng của Trung Quốc gần đây nói lên điều gì? Ngoài tham vọng lớn nhất là hiện thực hóa “đường chín đoạn” trên Biển Đông, mục tiêu trước mắt là họ muốn đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông. Thế nhưng Mỹ cũng như các nước ASEAN bác bỏ hoàn toàn mọi yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý, tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Các quốc gia liên quan như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia đều đã phản đối mạnh mẽ những hành động đe dọa xâm lược của Trung Quốc; phản đối việc quấy rối hoạt động đánh bắt cá, thăm dò, khai thác dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này.

Cho đến nay mặc dù phần lớn các đảo không có người ở, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên vô cùng lớn. Khu vực này cũng là một tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa quan trọng. Đó còn là một ngư trường lớn được ví như “mỏ cá thần” trên biển. Vậy nên Trung Quốc quyết không chịu từ bỏ miếng mồi béo bở này. Họ sẽ còn giương oai giễu võ trên biển, dưới hình thức tập trận, nghiên cứu khoa học, thăm dò địa chất… Thật ra đó là trò “bịt mắt bắt dê”, là  những hành động quấy rối vô tiền khoáng hậu.

Thế giới sẽ không bao giờ cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Những con sóng dữ sẽ nhấn chìm những con thú dữ  trên biển khi nó cố tình cướp miếng mồi trong tay đối phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới