Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSự bất thường của ông Tập và ông Lý khi đi thị...

Sự bất thường của ông Tập và ông Lý khi đi thị sát vùng lụt

Việc hai nhà lãnh đạo cấp cao rời Bắc Kinh đi thị sát trong cùng một thời điểm là điều khá bất thường, theo báo Nikkei Asian Review (Nhật Bản).

Ảnh minh họa

Động thái bất ngờ của ông Tập

Kể từ đầu tháng 6 năm nay, nhiều địa phương tại Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng do các trận mưa lũ lịch sử. Tuy nhiên, phải đến ngày 18/8 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có chuyến thăm đầu tiên kể từ đầu mùa lũ tới một trong những tỉnh bị lũ lụt ảnh hưởng, theo Nikkei Asian Review.

Cụ thể, hôm 18/8, ông Tập đã bất ngờ thực hiện chuyến thị sát tỉnh An Huy – động thái được cho là đánh dấu sự kết thúc của hội nghị Bắc Đới Hà, hội nghị chính trị quan trọng thường niên giữa các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Trung Quốc, của năm 2020.

Nikkei dẫn lời một nguồn tin trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc phỏng đoán rằng, rất có thể ông Tập “đã nhận được lời cảnh báo từ các cựu lãnh đạo về ý nghĩa đặc biệt của việc kiểm soát lũ lụt đối với chính trị Trung Quốc”.

Dưới bầu trời trong xanh sau trận mưa lũ ở An Huy, ông Tập đã đi một đôi giày da sạch sẽ, tươi cười, trò chuyện với những người dân địa phương về việc phòng ngừa lũ lụt, kiểm soát dòng chảy của các con sông và giảm thiểu thiên tai.

“Ngu Công di sơn, Hạ Vũ trị thủy”, ông Tập nhắc tới hai điển tích nổi tiếng của Trung Quốc trong chuyến thị sát 4 ngày tại An Huy.

“Trung Quốc đã chống lại thiên tai trong hàng ngàn năm qua, và đã thu được nhiều kinh nghiệm quý giá. Chúng ta cần tiếp tục chiến đấu” – hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo lời ông Tập, “chiến đấu” trong ngữ cảnh này không phải là đấu với ông trời, mà là tôn trọng thiên nhiên và các quy luật của tự nhiên.

Thủy Quan Đại Đế Hạ Vũ – vị hoàng đế trong truyền thuyết của Trung Quốc đã có công xây dựng hệ thống kênh tưới tiêu dẫn nước từ các sông, suối vào ruộng đồng. Khi nhắc đến nhân vật này, ông Tập đã nhấn mạnh lịch sử ngàn năm chống chọi thiên tai của Trung Quốc, theo Nikkei.

Quả thực, kiểm soát lũ lụt là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng ở Trung Quốc. Việc trị thủy khó khăn đến nỗi những người có năng lực làm điều đó có thể được tôn lên làm hoàng đế.

Nếu việc kiểm soát lũ lụt thất bại, những người nông dân sẽ phải gánh chịu hậu quả, thậm chí là mất mạng.

Ngày nay, với tư cách là lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập là người chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.

Hơn nữa, theo quan niệm của người Trung Quốc, năm nay là năm Canh Tý – 60 năm mới có một lần – và thường đem đến một sự kiện làm “rung chuyển lịch sử”.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, và sau đó là đợt mưa lũ lịch sử kéo dài gây ra thiệt hại còn kinh khủng hơn đợt lũ năm 1998.

Năm 1998, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã hoãn một chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản để theo dõi tình hình khắc phục thiệt hại sau lũ lụt ở vùng đồng bằng sông Dương Tử (sông Trường Giang) và vùng Đông Bắc nước này.

Do đó, theo Nikkei, rất có thể ông Giang đã “có đôi lời” về việc kiểm soát lũ lụt tại hội nghị Bắc Đới Hà. Hơn nữa, nhiều cựu lãnh đạo, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là chuyên gia trong lĩnh vực này.

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập, từng làm kỹ sư thủy điện sau khi tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa danh tiếng. Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo là một chuyên gia địa chất.

Trong chuyến thị sát An Huy, ông Tập đã nhắc tới điển tích “Ngu Công di sơn” (Ngu Công dời núi). Đó là câu chuyện về ông lão Ngu Công cố gắng di dời hai ngọn núi trước nhà bằng cuốc và gùi. Một người hàng xóm của ông lão cảm thấy điều này nực cười, tuy nhiên Ngu Công đã trả lời rằng ông không làm điều đó một mình, mà khi ông qua đời, các con, cháu, chắt, đời đời truyền cho nhau đến khi ngọn núi được san bằng.

Cuối cùng, việc làm của nhà Ngu Công đã khiến Thượng Đế cảm động. Thượng đế đã cử hai vị thần tiên xuống trần gian giúp Ngu Công di dời hai ngọn núi này.

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cũng trích dẫn lại điển tích Ngu Công di sơn, và đã từng kể câu chuyện này cho cựu lãnh đạo Xô Viết Josef Stalin trong một chuyến thăm Liên Xô.

Theo Nikkei, trong chuyến thăm An Huy, ông Tập đã thị sát các cửa xả lũ của Đập Vương Gia Bá trên sông Hoài.

Năm 1950, chỉ ít lâu sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (10/1949), con sông Hoài chảy qua tỉnh An Huy đã hứng chịu một đợt lũ rất nghiêm trọng. Nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông đã chỉ thị địa phương kiểm soát lũ bằng bất cứ giá nào, và các cửa xả lũ ông Tập đến thị sát hôm 18/8 đã được xây dựng theo chỉ thị của ông Mao Trạch Đông.

Một lần nữa, ông Tập lại có hành động gợi nhớ về cựu Chủ tịch Trung Quốc. Nikkei cho rằng động thái này có thể là sự chuẩn bị cho tình hình chính trị khó khăn sắp tới.

Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin và đăng tải hình ảnh ông Tập tươi cười, bước đi trước một bức tường có in bức thư pháp của ông Mao Trạch Đông.

Tín hiệu bất thường trong chuyến đi của ông Lý Khắc Cường

Trong khi ông Tập trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, thì Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng thực hiện một chuyến thăm tới khu vực bị lũ lụt ảnh hưởng ở cách tỉnh An Hủy khoảng 1.000km.

Tuy nhiên, theo Nikkei, chuyến thăm của ông Lý hầu như không được chú ý tới. Việc hai nhà lãnh đạo cấp cao rời Bắc Kinh đi thị sát trong cùng một thời điểm là điều khá bất thường.

Ngày 20/8, 2 ngày sau khi ông Tập xuất hiện ở An Huy, ông Lý đã đi thị sát một khu vực bị lũ lụt ảnh hưởng ở thành phố Trùng Khánh, nơi đang nỗ lực khắc phục những thiệt hại sau trận lũ.

Trong đôi ủng đi mưa, ông Lý đã lội qua bùn lầy, nước đọng trên đường. Thông thường, những hình ảnh như vậy thường sẽ nhận được lời khen ngợi từ người dân, cùng với đó là những bình luận về việc “Thủ tướng của nhân dân” gần gũi với người dân tràn ngập trên các trang mạng xã hội, theo Nikkei.

Nhưng lần này điều đó không xảy ra, có lẽ là bởi nhiều người dân Trung Quốc không biết đến chuyến thăm này, Nikkei bình luận.

Thông tin ban đầu về chuyến thị sát Trùng Khánh của ông Lý được đăng tải trên cổng thông tin điện tử chính thức của chính phủ Trung Quốc (www.gov.cn), và phải 3-4 ngày sau đó, truyền thông Trung Quốc như Tân Hoa Xã, CCTV, Nhân dân Nhật báo mới đưa tin về hoạt động này của ông Lý.

Hơn nữa, theo Nikkei, thông tin về chuyến thăm Trùng Khánh của ông Lý không được truyền thông Trung Quốc coi là tin quan trọng nhất trong ngày, và nội dung bản tin cũng không nhắc đến thời gian cụ thể của chuyến thị sát – dường như để tránh những thắc mắc của dư luận về việc báo đài đưa tin muộn.

Ngay cả báo đài Trùng Khánh cũng đăng tải thông tin này muộn hơn so với chuyến thăm của ông Lý, dù Bí thư Thành ủy Trùng Khánh cũng tháp tùng ông Lý trong hoạt động này.

Bên cạnh đó, theo Nikkei, trong thời gian gần đây ông Lý cũng không có mặt trong một số cuộc thảo luận về kế hoạch kinh tế lâu dài của Trung Quốc trong tương lai.

Hôm 24/8 vừa qua, ông Tập đã chủ trì một cuộc họp quan trọng để lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia kinh tế về kế hoạch 5 năm mới.

Cuộc họp ngày 24/8 có sự tham gia của các quan chức cấp cao Bộ Chính trị Trung Quốc như ông Vương Hỗ Ninh, ông Hàn Chính, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Hoàng Khôn Minh, nhưng ông Lý lại không có mặt trong cuộc họp này dù nhiệm vụ chính của Thủ tướng Trung Quốc là quản lý kinh tế.

Theo quy định, ông Lý sẽ vẫn giữ chức vụ thành viên của cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc ít nhất là tới mùa thu năm 2022, và giữ chức Thủ tướng tới mùa xuân năm 2023.

Thế nhưng, ông Lý lại không chủ trì các cuộc thảo luận về kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025. Nikkei cho rằng đây là dấu hiệu bất thường đối với ông Lý.

Ngoài kế hoạch 5 năm tiếp theo, triển vọng kinh tế siêu dài hạn cho năm 2035 cũng sẽ được thảo luận tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 vào tháng 10 tới.

Tại cuộc họp ngày 24/8, ông Tập đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc áp dụng “quan điểm dài hạn”, nắm bắt xu hướng của thời đại và tích lũy trí tuệ sâu rộng để nghiên cứu hoàn cảnh mới và lập ra các kế hoạch mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới