Các nguồn tin tiết lộ Hải quân Ấn Độ đã điều tàu chiến đến Biển Đông sau khi căng thẳng leo thang với Trung Quốc ở biên giới hồi tháng 6.
Hãng ANI ngày 30.8 đưa tin Hải quân Ấn Độ đã nhanh chóng điều một tàu chiến đến Biển Đông sau vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ với Trung Quốc tại thung lũng Galwan trên cao nguyên Ladakh hôm 15.6.
Trung Quốc phản đối sự hiện diện của Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang nhiên gia tăng sự hiện diện thông qua các hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa, bất chấp sự phản đối của các nước.
“Ngay sau khi vụ đụng độ ở Galwan nổ ra khiến 20 binh sĩ của chúng tôi thiệt mạng, Hải quân Ấn Độ đã điều một trong những tàu chiến ở tiền phương đến Biển Đông”, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho hay, nhưng không nêu tên hay loại tàu.
Theo đó, sự điều động tức thời tàu chiến của Hải quân Ấn Độ đến Biển Đông đã có tác động đối với Trung Quốc khi phía Trung Quốc phàn nàn về sự việc này trong các cuộc đàm phán ngoại giao với phía Ấn Độ.
Trong khi được điều động đến Biển Đông, nơi Mỹ cũng điều các tàu khu trục và hộ tống đến đây, tàu chiến của Ấn Độ đã liên tục duy trì liên lạc với các đối tác Mỹ thông qua các hệ thống liên lạc được bảo đảm, theo các nguồn tin.
Nằm trong hoạt động diễn tập thường kỳ, tàu chiến của Ấn Độ thường xuyên được cập nhật thông tin về sự di chuyển của những tàu quân sự thuộc các nước khác ở Biển Đông và toàn bộ sứ mệnh được tiến hành cố ý không gây sự chú ý của công chúng.
Cũng trong thời gian đó, Hải quân Ấn Độ điều các tàu chiến đến eo biển Malacca gần các quần đảo Andaman và Nicobar, cũng như tuyến hàng hải mà Hải quân Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương, nhằm theo dõi bất cứ hoạt động nào của Hải quân Trung Quốc.
Các nguồn tin cho hay Hải quân Ấn Độ có đủ năng lực để theo dõi bất cứ sự bất ngờ nào của kẻ thù ở phía đông lẫn phía tây.
Hải quân Ấn Độ còn có các kế hoạch mua và điều động các tàu ngầm tự hành và các hệ thống, cảm biến khác nhằm theo dõi sự di chuyển của Hải quân Trung Quốc từ eo biển Malacca vào khu vực Ấn Độ Dương, cũng như các tàu của Trung Quốc ở khu vực Djibouti nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, theo ANI.