Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐến lúc rồi: kiện thôi

Đến lúc rồi: kiện thôi

Chuyện Việt Nam kiện Trung Quốc không phải bây giờ dư luận mới quan tâm. Cách đây gần 10 năm, khi 2 lần bị Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 2, người ta đã nghĩ tới một vụ kiện của Việt Nam đối với Trung Quốc.

Thời điểm thuận lợi để  Việt Nam kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Cùng thời điểm đó, Philippines, dưới thời tổng thống ông Benigno S. Aquino III, sau khi mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough một cách cay đắng về tay Trung Quốc, đã âm thầm chuẩn bị và bất ngờ đệ đơn kiện Trung Quốc, trong nội dung kiện có yêu sách “đường 9 đoạn” ngang ngược trên Biển Đông.

Đây là vụ kiện được coi “hy hữu”. Sau ba năm ròng rã, Philippines coi như thắng, với phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài thường trực, thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Còn Việt Nam, sau hai vụ cắt cáp tàu Bình Minh năm 2011 và năm 2012, vẫn là nạn nhân thường ngày của Trung Quốc với nhiều vụ việc, trong đó, khốc liệt nhất là “vụ Giàn khoan Hải Dương 981” năm 2014 và “vụ Tư Chính” giữa năm 2019. Sau mỗi hành động gây hấn của Trung Quốc, một câu hỏi mang tính thúc giục, lại đặt ra với Việt Nam, cả từ dư luận nước ngoài cũng như dư luận trong nước: “Sao không kiện Trung Quốc đi ?”.

Vậy mà tới nay, việc này vẫn chưa xảy ra.

Thậm chí, từ “kiện”, Việt Nam vẻ như có phần “kiêng” đề cập, ngoài một lần,  ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước báo chí quốc tế trong chuyến thăm Philippines, tháng 5/2014: “Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.”; và một lần ông Lê Hoài Trung – thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, tháng 11 năm 2019, nói rằng “không loại trừ khả năng tiến hành các hành động pháp lý‎ với Trung Quốc”.

Tại sao vậy ? Việt Nam hẳn không có dại. Hà Nội hẳn cũng không sợ những lời đe dọa từ Trung Nam Hải rằng: “sẽ lôi thôi đấy” nếu a dua với Philippines, đến mức phải “nhu” với BắcKinh.
 
Điều có thể thấy rõ nhất là: Việt Nam sẽ được gì, nếu kiện ?

Kiện, bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” chăng ? Thì đấy, phán quyết của PCA đã phủ nhận. Nói cách khác, thắng lợi của Philippines cơ bản cũng là thắng lợi của Việt Nam cũng như các nước duyên hải Biển Đông. Thêm một phán quyết bác bỏ “đường 9 đoạn” phỏng có lợi gì thêm, cả cho Việt Nam cũng như cho Asean ? Đó là chưa kể, LHQ trăm công nghìn việc, đâu có rỗi mà lập tòa, thụ lý lại nội dung tương tự vụ kiện trước đó của Philippines ?

 Vậy nên, nhiều người đoan rằng, 90% từ sự tính toán đó mà Việt Nam chưa kiện Trung Quốc. Chứ thâm tâm, chẳng người Việt Nam không phẫn nộ, vì Trung Quốc quá ư ngang ngược, ngày càng ngang ngược và chắc khó hy vọng gã đại Hán này hết ngang ngược.

Dĩ nhiên, một khi người đứng đầu Chính phủ và quan chức cao cấp ngoại giao đã hàm ý đó, không thể có chuyện Việt Nam sẽ không bao giờ kiện. Vấn đề chỉ là “chưa kiện”, và tính toán, sẽ kiện nội dung gì, chứ kiện như một kiểu dùng trò “dân túy” để hóa giải áp lực dư luận cho rằng “lãnh đạo bạc nhược”, “sợ Trung Quốc”…, Việt Nam thừa khôn để không mất công. Và không chừng, hồ sơ kiện của Việt Nam âm thầm chuẩn bị mấy năm nay, còn kỹ hơn cả hồ sơ Philippines đệ trình PCA trong vụ kiện trước đây 7 năm.

Tuy nhiên, thời điểm này, khi Mỹ đã chính thức bác bỏ gần như hầu hết yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam kiện Trung Quốc là hợp lý nhất.

Tại sao vậy?

Thì đây, ngoài các lý do nhằm bảo vệ các quyền phát triển đối với trữ lượng dầu khí dưới thềm lục địa theo UNCLOS năm 1982; quyền đánh cá trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ); đòi quyền sở hữu đối với quần đảo Hoàng Sa gồm các thực thể nhỏ, nhưng có tầm quan trọng về chiến lược…, đây là lúc đang diễn ra các cuộc đàm phán đa phương giữa ASEAN với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý – niềm hy vọng đối với việc giữ gìn một Biển Đông lặng sóng. Các bên có thể gần đạt được một thỏa thuận, nhưng trong chặng đường được cho là nước rút, quốc gia nào tinh nhanh, sáng suốt, phải nỗ lực mọi cách để có được lợi thế trước khi hoàn tất thỏa thuận nhằm tạo ra một hiện trạng mới.

 Đối với Việt Nam, đó càng là điều quan trọng có tính sống còn. Bởi nếu giành lợi thế sẽ đem lại đặc quyền với các nguồn tài nguyên dầu khí, băng cháy ở dưới thềm lục địa dựa trên luật pháp quốc tế.

Các nỗ lực ngoại giao đã không đưa lại kết quả. Thực tế lịch sử cũng dạy cho Việt Nam rằng: thời đại này, chỉ có thể tự lực; không thể dựa vào một cường quốc nào bảo vệ mình. GDP chưa đầy 300 tỷ USD/năm so với 15.000 tỷ của Trung Quốc,

Việt Nam cũng không thể nghĩ đến giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng súng đạn…, thì thêm một vụ kiện của Việt Nam với khả năng thắng cuộc rất cao, trong thời điểm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Anh, Pháp và các quốc gia khác – những nước đã thể hiện sẵn sàng ủng hộ trật tự pháp lý quốc tế trên Biển Đông, là điều Trung Quốc hẳn rất “sợ”, dù ngang bướng, côn đồ.

Bởi lẽ, một vụ kiện của Việt Nam diễn ra, Trung Quốc đã nhục. Việt Nam thắng kiện, Trung Quốc còn nhục hơn do sẽ phải trả bằng việc mất niềm tin của các nước về một quốc gia “trỗi dậy hòa bình”, đồng thời là chủ nhân của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” lấp lánh ánh kim tiền mà nhiều nước, nhất là các nước nghèo, chưa phát triển, đang còn hy vọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới