Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóng"Kẻ cướp biển" là TQ

“Kẻ cướp biển” là TQ

Thời gian qua, dư luận thế giới đặc biệt quan tâm đến việc nhiều vùng biển trên thế giới đang bị tàu cá Trung Quốc xâm lấn, với kiểu đánh bắt “cào cho bằng hết”.

Lực lượng tàu cá của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh, trật tự khu vực biển Đông

Hôm 27-8, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo vừa lên tiếng về hàng trăm tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Galapagos là “rất đáng quan ngại”.

Trong nhiều năm, không ai biết tại sao hàng chục chiếc “tàu ma” nát bươm cứ thỉnh thoảng lại dạt vào bờ biển Nhật Bản. Trên tàu, người ta hay phát hiện xác của ngư dân Triều Tiên, thân thể gầy rộc vì thiếu đói đến mức chỉ còn xương với da.

Theo một phóng sự điều tra công bố gần đây trên Đài NBC News, các nhà nghiên cứu hàng hải phân tích dữ liệu vệ tinh mới để đi đến một lời giải thích khả dĩ nhất:

Trung Quốc đã cho đội tàu cá công nghiệp khổng lồ (không đăng ký) đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển Triều Tiên, làm giảm đến 70% ngư trường mực từng một thời đầy ắp. Những ngư dân Triều Tiên trôi dạt vào Nhật Bản dường như đã đi quá xa bờ để tìm mực trong vô vọng; thiếu ăn, thiếu trang bị đã dẫn đến cái chết của họ.

*Tàu Trung Quốc “cào” một tuần bằng dân địa phương đánh bắt cả năm

Năm ngoái, hơn 700 tàu cá Trung Quốc đã càn quét trái phép vùng biển Triều Tiên, trong khi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc năm 2017 cấm Bình Nhưỡng bán quyền đánh bắt hải sản đổi lấy ngoại tệ sau hàng loạt vụ thử hạt nhân.

Phát hiện mới đặt ra nhiều câu hỏi gai góc về hậu quả của việc Trung Quốc bành trướng hiện diện trên các đại dương, và tham vọng địa chính trị của họ đằng sau hành động này.

Trung Quốc không chỉ là nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới, gần 1,4 tỉ dân nước này còn tiêu thụ đến hơn 1/3 lượng hải sản trên toàn cầu.

Sau khi tận diệt sạch vùng biển gần nhà, đội tàu Trung Quốc những năm gần đây tấn công vùng biển các nước khác, bao gồm khu vực Tây Phi và Mỹ Latin – những nơi không có đủ nguồn lực cho hoạt động tuần tra biển.

Chính phủ Trung Quốc nói đội tàu đánh bắt xa bờ của họ có 2.600 chiếc, nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau, ví dụ của tổ chức Viện Phát triển hải ngoại (ODI, Vương quốc Anh), ước tính con số ít nhất phải lên đến 17.000, trong đó phần lớn không được đăng ký và hoạt động lén lút như ở biển Triều Tiên.

Hầu hết tàu cá xa bờ của Trung Quốc là cỡ lớn, lượng tôm cá một tàu cào vét một tuần có khi nhiều bằng một tàu cá Senegal hoặc Mexico đánh bắt trong cả năm.

Đội tàu Trung Quốc không tự nhiên phát triển đến quy mô hiện nay, Bắc Kinh trợ cấp cho ngành công nghiệp này hàng tỉ nhân dân tệ mỗi năm. Tàu Trung Quốc có thể đi xa như vậy cũng nhờ khoản trợ cấp nhiên liệu vốn đã tăng gấp 10 lần từ năm 2006 đến 2011 (dữ liệu sau đó không còn được công bố).

Tất nhiên Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất làm điều này. Các nước gồm Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Mỹ… cũng trợ cấp khủng cho đội tàu đánh bắt xa bờ, và đây là nguyên nhân khiến lượng cá trong đại dương giảm nhanh chưa từng thấy.

Riêng Trung Quốc, trong hơn một thập niên, chính phủ nước này đã giúp ngư dân đóng hàng loạt tàu vỏ thép hiện đại, kích thước lớn, thậm chí gửi cả tàu y tế đến các ngư trường giúp tàu cá bám biển lâu hơn. Để xác định luồng cá, họ xài cả dữ liệu vệ tinh và tàu nghiên cứu…

Trong bản kế hoạch 5 năm công bố năm 2017, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi dừng mở rộng đội tàu đánh bắt xa bờ, giữ con số dưới 3.000 đến năm 2021. Một số nhà nghiên cứu tin rằng Bắc Kinh quả thật mong muốn điều này, tuy nhiên họ làm được hay không lại là chuyện khác.

*Chơi kiểu bầy đàn

Bên cạnh nguồn lợi hải sản, đội tàu cá Trung Quốc còn phục vụ cho mục đích tranh chấp chủ quyền biển. Theo nghĩa này, ngư dân Trung Quốc hoạt động như một lực lượng bán quân sự, nhưng mọi hành động của họ Bắc Kinh sẽ đổ thừa “chính quyền không liên can”.

“Những gì Trung Quốc đang làm là chắp tay sau lưng, dùng cái bụng bự đẩy anh ra ngoài, thách anh dám tung đòn trước”, ông Huang Jing – nhà nghiên cứu thuộc Trường Chính sách Lý Quang Diệu (Singapore), ví von.

Nhưng có lẽ không nơi nào trên thế giới mà tàu cá Trung Quốc nhiều như ở Biển Đông. Dưới lớp vỏ bọc dân sự kèm theo sự hộ tống của tàu hải cảnh có vũ trang, vô số lần tàu cá Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực xua đuổi tàu các nước khác, cho dù đó là vùng biển quốc tế hay biển không thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Các chuyên gia quân sự phương Tây ví tàu cá Trung Quốc như đội “dân quân” tiên phong, một lực lượng không đồng phục, không chuyên nghiệp, nằm ngoài mọi khuôn khổ của luật hàng hải quốc tế, luật đối đầu quân sự và các cơ chế đa phương nhằm ngăn đụng độ không an toàn trên biển.

Còn nhớ hồi năm 2018, Trung Quốc bất thình lình điều hơn 90 tàu cá đến thả neo xung quanh đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong một động thái thách thức sau khi Philippines tiến hành một số hoạt động nâng cấp hạ tầng ở đây.

Các đoàn tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở mọi vùng biển tranh chấp khác, ví dụ quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật. Hồi tháng 3-2016, cảnh sát biển Argentina phải bắn chìm một tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển và còn cố ý tông vào tàu chấp pháp…

Từ Đông Á đến Mỹ Latin, tàu cá Trung Quốc hành động ngày càng hung hăng và trắng trợn. Không khó để hình dung nguy cơ những va chạm “dân sự” kiểu này dẫn đến xung đột quân sự nếu vượt khỏi tầm kiểm soát một ngày nào đó.

Như thế để thấy, cái giá của những món hải sản ngon lành trên bàn ăn đôi khi nhiều hơn số tiền hiển thị trên thực đơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới