Điều quan trọng là phải khiến Phật giáo Tây Tạng phù hợp với triết lý của ĐCSTQ, đồng thời xây dựng một “pháo đài bất khả xâm phạm” để duy trì sự ổn định tại khu vực, ông Tập tuyên bố tại một diễn đàn hai ngày về quản trị tương lai Tây Tạng ở Bắc Kinh hôm thứ Bảy (29/8).
Ảnh: Tổng hợp
Ông Tập nói thêm rằng cần phải tăng cường phòng thủ và an ninh biên giới của Khu tự trị Tây Tạng (TAR), giáp Ấn Độ và Bhutan, đồng thời cho biết cần phải tăng cường giáo dục người dân Tây Tạng đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai.
Bắc Kinh giành quyền kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950, theo cách mà chính quyền Bắc Kinh mô tả là một “cuộc giải phóng hòa bình”, giúp khu vực Himalaya xóa bỏ quá khứ “phong kiến”.
Tuy nhiên, các nhóm người Tây Tạng lưu vong, dẫn đầu bởi nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong Đạt Lai Lạt Ma và các nhóm nhân quyền cho rằng sự cai trị của Bắc Kinh tương đương với “sự diệt chủng văn hóa”.
Giáo dục chính trị và tư tưởng cần được tăng cường trong các trường học ở Tây Tạng để “gieo mầm mống yêu nước trong sâu thẳm trái tim mọi thanh niên”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.
Ông Tập cũng kêu gọi nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia, duy trì hòa bình và ổn định, cải thiện bền vững đời sống nhân dân, duy trì môi trường tốt, củng cố phòng thủ biên giới và đảm bảo an ninh biên giới.
“Cần phải tăng cường giáo dục và hướng dẫn quần chúng, vận động rộng rãi quần chúng tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai, tạo thành ‘pháo đài bất khả xâm phạm’ để duy trì sự ổn định”, ông Tập nói.
“Cần phải nỗ lực xây dựng một Tây Tạng mới, hiện đại theo mô hình xã hội chủ nghĩa, thống nhất, thịnh vượng, tiên tiến về văn hóa, hài hòa và tươi đẹp”.
Đặc biệt, ông Tập cho biết “cần phải tích cực thúc đẩy Phật giáo Tây Tạng thích ứng với một xã hội theo triết lý xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy việc ‘Hán hóa’ Phật giáo Tây Tạng…
Hán hóa tôn giáo là một nỗ lực nhằm nhào nặn các niềm tin và học thuyết tôn giáo nhằm phù hợp với triết lý của ĐCSTQ, khiến chúng phù hợp với các nguyên tắc và mục tiêu của ĐCSTQ. Năm 2015, ông Tập đã phát biểu về việc ‘Hán hóa’ 5 tôn giáo lớn ở Trung Quốc gồm Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Phật giáo và Đạo giáo.
Năm 2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo Trung Quốc đã vạch ra đề cương bài trừ đạo Hồi vào năm 2022 trong một nỗ lực định nghĩa lại việc thực hành tôn giáo và gắn kết niềm tin của người Hồi giáo với ĐCSTQ.
Các chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng lại được chú ý trong năm nay trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh với Washington đang xấu đi.
Vào tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc liên quan đến việc ngăn chặn tiếp cận ngoại giao đến Tây Tạng và vi phạm nhân quyền, nói thêm rằng Washington ủng hộ “quyền tự trị đúng nghĩa” cho Tây Tạng.
Trong một động thái trả đũa, Trung Quốc cho biết họ sẽ áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các nghị sĩ Mỹ đã thực hiện hành vi mà họ gọi là hành vi “xấu xí” đối với Tây Tạng.