Lương nhân công tăng vọt và thiếu hụt lao động tại Trung Quốc đang khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn.
Việt Nam soán ngôi ‘công xưởng thế giới’ của Trung Quốc
Hàng loạt nhà máy của các công ty nước ngoài đang mọc lên tại Long An để tận dụng nguồn nhân lực trẻ và giá nhân công chỉ bằng nửa Trung Quốc. Tỉnh này đã có cả chục khu công nghiệp. Và đến tháng 5, họ cũng thu hút 3,67 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, 40% số đó là đổ vào dệt may.
Các chuyên gia kinh tế nhận định quá trình này có thể tăng tốc khi Quốc hội 12 nước thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thỏa thuận này sẽ giảm thuế nhập khẩu với nhiều loại hàng hóa trao đổi giữa các quốc gia thành viên, chủ yếu làm lợi cho các nước đang phát triển như Việt Nam hay Malaysia – những nước có tăng trưởng phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.
Wall Street Journal dẫn lời, ông Frank Smigelski – Phó chủ tịch Avery Dennison, một trong những hãng sản xuất mác quần áo lớn nhất thế giới nhận định: “TPP sẽ mang lại điều tuyệt vời nếu có hiệu lực, sẽ khuyến khích nhiều hãng dệt may tăng sản xuất tại đây. Họ càng đến nhiều, chúng tôi càng có lợi”.
Hồi tháng 7, công ty này cũng đã mở một nhà máy gần 28.000 m2 tại Long An. Trong đó, các máy móc của họ sản xuất mác quần áo cho những thương hiệu như Uniqlo hay North Face.
Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam ước tính TPP có thể mang lại cho nền kinh tế 33,5 tỷ USD trong thập kỷ tới, tương đương một phần năm GDP hiện tại. Kim ngạch xuất khẩu của các ngành công nghiệp chính, như dệt may và da giày, sẽ tăng 46% lên 165 tỷ USD năm 2025 nhờ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước khác.
Mặt khác, ông Frank Smigelski cho biết: “Những gì Trung Quốc mất 30 năm mới làm được thì Việt Nam sẽ chỉ mất 10 năm thôi. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều công ty đặt cược vào quốc gia này”.
Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam, các tổ chức quốc tế đều nhận định rằng, GDP của Việt Nam năm 2015 có thể tăng trưởng từ 6-6,5%; ANZ nhận định khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ chiếm vị thế “công xưởng thế giới”.
Trong khi đó, theo báo cáo của ngân hàng ANZ, Đông Nam Á sẽ chiếm mất vị thế “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc trong 10-15 năm tới, khi các công ty chuyển tới khu vực này để tranh thử nguồn lao động dồi dào, giá rẻ ở các khu vực như sông Mekong. Đây cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc dịch chuyển nói trên sẽ là một phần trong sự nổi lên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành “trụ cột thứ ba” của tăng trưởng khu vực, sau Trung Quốc và Ấn Độ .
Trên thực tế giới chuyên môn cho rằng Việt Nam đang trở thành một công xưởng mới của châu Á.
Trong bài viết của mình trên tờ TBKTSG, TS Nguyễn Quang A đã phân tích kỹ về điều này.
Theo đó ông cho rằng, nhiều người nghĩ đấy là điều tốt, những người khác lại lo là chúng ta chỉ làm thuê cho tư bản nước ngoài, đến cái đinh vít cũng chẳng làm nổi.
“Việt Nam đã trở thành công xưởng đáng kể của Samsung, Intel, Microsoft (Nokia) và một số nhà sản xuất quần áo và giày dép. Nhiều công ty đa quốc gia khác cũng rục rịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Liệu Việt Nam có nên đi theo hướng này khi việc trở thành công xưởng của khu vực hay thế giới cũng đầy những hậu quả xấu như đã từng xảy ra ở nơi khác?”, ông Quang A viết.
Theo TS Nguyễn Quang A, nếu các công ty nước ngoài đưa cơ sở chế tác sang Việt Nam là điều đáng mừng.
“Nếu trở thành công xưởng và nếu có chính sách khéo thì các công ty đa quốc gia có thể chuyển cả những khâu có giá trị cao (tiếp thị, thiết kế, nghiên cứu phát triển…) sang Việt Nam”, TS Nguyễn Quang A kỳ vọng.