Trung Quốc yêu cầu Mỹ đứng ngoài xung đột biên giới Trung-Ấn trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Ấn ngày càng thắt chặt.
Trực thăng Ấn Độ bay ở biên giới Trung-Ấn ngày 2.9.
Bà Ji Rong, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, đã chỉ trích những nhận xét được đưa ra vào đầu tuần này của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, người đã đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra căng thẳng tại khu vực Thung lũng Galwan tranh chấp.
Trong cuộc thảo luận tại Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ – Ấn Độ, Thứ trưởng Biegun nói rằng ”những yêu sách quá đáng về chủ quyền lãnh thổ” của Bắc Kinh đã gây ra căng thẳng tại biên giới tranh chấp Trung-Ấn.
Sử dụng thuật ngữ quen thuộc, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc cáo buộc ông Biegun nuôi dưỡng “tâm lý Chiến tranh Lạnh kẻ thắng người thua“.
Tranh chấp gay gắt giữa Trung Quốc và Ấn Độ về vùng cao nguyên Himalaya đã dẫn đến chiến tranh vào năm 1962. Căng thẳng lại trở nên nguy hiểm vào tháng 6 năm nay và dẫn đến những cuộc đối đầu mới hồi cuối tháng 8.
“Về vấn đề biên giới Trung-Ấn, Trung Quốc luôn chủ trương tìm kiếm một giải pháp công bằng, hợp lý và được cả hai bên chấp nhận thông qua tham vấn hòa bình và hữu nghị. Trong một thời gian, hai bên đã liên lạc và đàm phán ở nhiều cấp độ khác nhau để tìm kiếm giải quyết hòa bình vấn đề biên giới” – tờ Newsweek dẫn lời phát ngôn viên Ji Rong.
Bà Ji nói thêm: “Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng giải quyết các tranh chấp biên giới của mình một cách song phương. Chúng tôi không chấp nhận các nước bên ngoài khu vực chỉ tay, chứ đừng nói đến việc can thiệp hoặc xúi giục, điều này sẽ chỉ gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của khu vực”.
Như với hầu hết các cuộc giao tranh dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), chi tiết của các vụ đụng độ biên giới Trung-Ấn mới nhất là không rõ ràng, cả hai bên cáo buộc lẫn nhau vượt qua hoặc cố gắng “thay đổi hiện trạng” về lãnh thổ.
Phía Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ rút quân sau khi tiến vào một địa điểm phía nam hồ Pangong, trong khi các quan chức Ấn Độ tuyên bố đã ngăn cản một nỗ lực xâm nhập ở đó.
Cả Bắc Kinh và New Delhi đều nhấn mạnh rằng, họ vẫn giữ liên lạc thông qua các kênh quân sự và ngoại giao để xoa dịu căng thẳng, ngay cả khi hai bên tuyên bố sẽ bảo vệ lập trường của mình trên thực địa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nói trong một cuộc họp báo hôm 3.9 rằng, các chỉ huy “vẫn đang tổ chức các cuộc thảo luận để giải quyết tình hình.”
“Chúng tôi nhắc lại sự nhất trí đạt được giữa hai ngoại trưởng và các đại diện đặc biệt rằng, tình hình ở biên giới cần được xử lý một cách có trách nhiệm và hai bên không nên có bất kỳ hành động khiêu khích hoặc làm leo thang vấn đề” – phát ngôn viên Srivastava nói với báo giới.
Ông Srivastava đổ lỗi cho một loạt leo thang kể từ tháng 5 tại điểm nóng giữa Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc quản lý là do các hành động của Trung Quốc mà ông cho rằng đã “dẫn đến vi phạm các thỏa thuận và nghị định thư song phương đảm bảo hòa bình ở khu vực biên giới trong gần ba thập kỷ”.
“Bây giờ, con đường phía trước là đàm phán” – ông nói thêm, kêu gọi những nỗ lực chân thành để tháo gỡ và làm dịu tình hình.