Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDu lịch nội địa lao đao vì lượng khách hủy tour quá...

Du lịch nội địa lao đao vì lượng khách hủy tour quá lớn

Dịch COVID-19 lần hai bùng phát khiến du lịch nội địa một lần nữa bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách hủy tour trong tháng 8 lên đến 95-100%.

Bức tranh đáng buồn về thực trạng ngành du lịch nội địa được công bố tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 4/9 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.

Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hoạt động du lịch nội địa bị ảnh hưởng nặng nề, người dân giảm các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí để phòng, chống dịch. Lượng khách hủy tour trong tháng lên đến 95-100%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt gần 430.000 tỷ đồng, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước.

“Do tình hình COVID-19 phức tạp nên đến nay các nhà hàng, khách sạn đều không mở cửa, có mở cửa cũng khó có thể hoạt động được, thu không bù chi…”, ông Mai Tiến Dũng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tháng 8 kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, có chuyển biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. 

Lạm phát cơ bản tháng 8/2020 giảm 0,01% so với tháng 7 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát 8 tháng tăng 2,66% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát kiểm soát dưới 4%.

Vẫn theo báo cáo, vận tải hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 142,4% triệu tấn hàng hóa, giảm 3,4% so với tháng trước và luân chuyển 26,1 tỷ tấn giảm 5,8%. Tính chung 8 tháng, vận tải hàng hóa hơn 1.100 triệu tấn, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 213,7 tỷ tấn/km, giảm 8,3%.

Vận tải hành khách cũng chỉ đạt hơn 2.343 triệu lượt khách, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 109,5 tỷ lượt khách giảm 33,4%.

Chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt. Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD, như vậy, tăng nhiều lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ. Tỷ giá ổn định. Lãi suất có xu hướng giảm để hỗ trợ sản xuất. Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn.

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng khi 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%. Xuất siêu trên 11,9 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét, tăng so với cùng kỳ gần 31%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Nhiều địa phương đã tuyên bố giải ngân đạt 100% trong năm nay.

“Còn 4 tháng nữa kết thúc năm 2020, tình hình dịch bệnh cơ bản đang được khống chế. Tuy vậy, để phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới thì cần có các giải pháp, an toàn với dịch là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội”, ông Dũng nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới