Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiSửa mặt cầu Thăng Long: Công nghệ Mỹ có chắc tốt không?

Sửa mặt cầu Thăng Long: Công nghệ Mỹ có chắc tốt không?

Sửa mặt cầu Thăng Long công nghệ Mỹ nhưng lại dùng chuyên gia Trung Quốc. Điều này cho thấy đơn vị thi công mua công nghệ để tham gia đấu thầu.

Dự án sửa mặt cầu Thăng Long đứng trước nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu chuyên gia Trung Quốc.

Ngày 1/9/2020, nhiều chuyên gia về lĩnh vực giao thông, đường bộ đã bày tỏ sự bất ngờ trước việc mặt cầu Thăng Long (TP. Hà Nội) được quảng cáo sửa chữa theo công nghệ Mỹ nhưng đang phải phụ thuộc vào chuyên gia Trung Quốc, đứng trước nguy cơ chậm tiến độ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến chuyên gia không sang kịp theo kế hoạch để tham gia dự án.

TS Nguyễn Văn Khoa – thành viên Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cho rằng, trước khi nghiên cứu phương án sửa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ đã đưa ra thông tin, có 2 năm nghiên cứu công nghệ, lựa chọn cách sửa chữa và quyết định áp dụng công nghệ của Mỹ rồi mới tổ chức đấu thầu tìm nhà thầu thi công.

“Thông tin này đã khiến nhiều người nhầm lẫn rằng việc sửa mặt cầu Thăng Long sẽ được một doanh nghiệp của Mỹ thực hiện hoặc Tổng cục Đường bộ sẽ mua công nghệ của Mỹ để sửa chữa. Giờ đây, có phải thực chất là do một doanh nghiệp khác mua lại công nghệ này và thi công, Tổng cục Đường bộ chỉ là đơn vị nhận chuyển giao công nghệ khi dự án đã được làm xong?” – ông Khoa đặt vấn đề.

Theo vị chuyên gia này, việc một doanh nghiệp mua công nghệ từ nước khác để tham gia đấu thầu, làm các dự án là điều không mới. Đồng thời, doanh nghiệp trúng thầu đã phải trải qua các bước kiểm định về hồ sơ năng lực nên phải đảm bảo chất lượng, công nghệ và chế độ bảo hành của dự án theo hồ sơ đã ký kết

Tuy nhiên, với những dự án mà doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam từ trước đến nay, nhất là tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì chúng ta đều phải nhận những bài học lớn về tiến độ, đội vốn và chất lượng công trình.

“Đã có nhiều khuyến cáo đưa ra khi nói về việc ký hợp đồng với doanh nghiệp Trung Quốc làm dự án tại Việt Nam. Không rõ khi ký hợp đồng sửa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ có lưu ý vấn đề này không khi mà mới thực hiện dự án thì đã có nhận định có thể bị chậm tiến độ. Mà ảnh hưởng của dịch Covid-19 là điều hoàn toàn có thể định lượng được từ trước bởi thời gian đấu thầu, ký hợp đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra” – TS Nguyễn Văn Khoa băn khoăn.

Đồng quan điểm, một chuyên gia giảng dạy tại trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, việc nhận chuyển giao công nghệ của Tổng cục Đường bộ từ nhà thầu thi công trong dự án sửa mặt cầu Thăng Long sẽ vấp phải sự khó khăn sau này về công tác bảo hành, sửa chữa.

“Trước đây, khi chuyên gia Nga làm cầu Thăng Long rồi rút về nước, họ cũng đã chuyển giao lại công nghệ cho phía Việt Nam để thuận tiện trong việc bảo trì. Nhưng chúng ta sửa đi sửa lại nhiều lần mà vẫn không khắc phục được tình trạng mặt cầu hỏng hóc. Điều đó cho thấy, chỉ đến khi nào chúng ta làm chủ được công nghệ thì khi đó mới thực sự yên tâm.

Có nhiều trường hợp, đơn vị chủ đầu tư đưa ra thông tin về thiết kế, công nghệ hiện đại để quảng cáo cho dự án. Đơn vị thi công cũng vậy, họ trình bày bằng các ngôn từ mỹ miều để trúng thầu. Quan trọng nhất vẫn là cách làm, thực hiện ngoài hiện trường như thế nào.

Mỗi công nghệ, cách sửa đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Trước khi quyết định, cần phải phân tích rõ, công khai cả mặt ưu và nhược điểm của công nghệ rồi mới đi đến quyết định lựa chọn. Còn nếu cứ vì mác “công nghệ ngoại” rồi chọn làm thì nguy cơ nhận thêm trái đắng rất cao” – vị chuyên gia này bày tỏ.

RELATED ARTICLES

Tin mới