Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam đâu phải Philippines

Việt Nam đâu phải Philippines

“Khai thác chung” là nói gọn. Trên bàn ngoại giao, Trung Quốc thường nói ngon, nói ngọt là “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Ông Duterte với ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2019

Các nhà ngoại giao Trung Quốc quá “thâm” khi đề xuất với các nước liên quan đến Biển Đông quan điểm nêu trên. Bởi “gác tranh chấp, cùng khai thác”, theo cách nói đó, Trung Quốc – bên chủ động nêu quan điểm – là quốc gia thiện chí: vùng tranh chấp, chưa hoặc không thể giải quyết được, thì tạm coi là của chung đi, hai bên cùng khai thác; hai bên cùng lợi – một giải pháp đơn giản, hóa giải được một trong những bất đồng chủ yếu giữa các bên liên quan đến Biển Đông trong nhiều năm qua.

Gần đây, trước tình huống ngày càng nhiều quốc gia nhảy bổ vào Biển Đông, Trung Quốc càng tỏ ra sốt sắng, quyết tâm hơn. Để đạt mục tiêu, Bắc Kinh ra sức dụ dỗ, chèo kéo, thậm chí dọa dẫm, các nước ven Biển Đông trong khối ASEAN, nhất là Việt Nam và Philippines, gật đầu với mình. Đương nhiên, một cái gật là một thành công của Bắc Kinh. Hai cái gật của hai quốc gia, Bắc Kinh coi như có “suất đúp”, nhất là khi quốc gia gật đầu là Philippines và Việt Nam.

Philippines từng đồng ý phương án “khai thác chung” với Bắc Kinh. Manila cũng đã đồng ý với Bắc Kinh về việc thành lập ủy ban chỉ đạo chung và tổ công tác doanh nghiệp về hợp tác dầu khí từ cuối tháng 8 năm 2019. Trong khi lẽ ra, chính Philippines phải cảnh giác và từ chối Trung Quốc kiên quyết nhất. Là bởi, Manila từng quả cảm kiện Bắc Kinh tại Tòa trọng tài (PCA) – một “vụ kiện thế kỷ” – và coi như thắng lợi, với phán quyết ngày 12/7/2016 của PCA.

Tuy nhiên, ngồi vào ghế tổng thống thay người tiền nhiệm là Benigno S. Aquino III cứng rắn, ông Duterte lại tỏ ra mềm yếu, quay ngay lại cách tiếp cận vấn đề Trung Quốc và Biển Đông như thời bà Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo xinh đẹp, mà không hiểu rằng, Trung Quốc thời điểm năm 2017 khác hẳn Trung Quốc chục năm về trước, nhất là ở tham vọng và sự hung hăng. Ông Duterte đã gần như không đả động gì tới phán quyết của PCA; không có một động thái nào nhằm phát huy phán quyết để đòi hỏi quyền lợi. Và người ta, dù cố để ý, cũng chẳng thấy ông này rút ra bài học đắt giá nào từ việc cả tin, mất bãi cạn Scarborough về tay Trung Quốc hồi năm 2012.

Ngược lại, ông Duterte tuyên bố, Philippines và Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí chung tại khu vực. Ông dõng dạc chủ trương này bất chấp quan ngại của chính giới và cả người dân Philippines về sự tham lam cũng những cái bẫy mà Bắc Kinh có thể dăng ra.

 Mãi gần đây, vẻ như quá bất bình với những hành động hung hăng, ngang ngược quá đáng của Trung Quốc, Philippines mới lại thập thò ý định nước này có thể thăm dò, khai thác dầu khí với… một đối tác khác (ngoài Trung Quốc).

Tuy nhiên, riêng với Philippines, Trung Quốc vẫn còn nhiều hy vọng cũng như tin là còn nhiều cách để mua chuộc,  thậm chí đe dọa để kéo nước này ngả hẳn về mình.

Trung Quốc cảm thấy “khó chơi” nhất là với Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới đất liền và 10 năm triển khai ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, tổ chức ngày 24  tháng 8 vừa qua, ngoại trưởng Trung Quốc – ông Vương Nghị – đã đầy dụng ý khi nói rằng: hai nước Việt – Trung đã giải quyết thành công vấn đề biên giới trên bộ, và đang phân định vùng biển nằm ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Trên tinh thần đó, hai nước có thể  tiếp tục “con đường song phương” để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, Việt Nam đâu phải là Philippines để mà cả tin và dễ dãi.

Là nạn nhân đau đớn nhất, từng bị Trung Quốc cưỡng chiếm đảo trái phép; bị tàu Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 2 năm 2012; bị Trung Quốc cho hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 2014; bị Trung Quốc cho tàu Hải Dương 8 thực hiện cái gọi là “khảo sát địa chấn” trong khu vực bãi Tư Chính năm 2019, Việt Nam không cảnh giác sao được.

Việt Nam quá hiểu  tim đen của Trung Quốc. “Con đường song phương” là gì, nếu không phải là để Hà Nội thương thảo tay đôi với Bắc Kinh và sẽ bị Bắc Kinh dùng sức mạnh đe dọa, ép buộc, áp đặt yêu sách ngang ngược.

Làm láng giềng Trung Quốc nghìn đời nay, Việt Nam cũng quá hiểu, Trung Quốc nói ngon nói ngọt “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng lại  khăng khăng bám giữ “đường 9 đoạn” vốn đã bị PCA bác bỏ. Như vậy, Trung Quốc muốn gì nếu không là đang lừa Việt Nam vào bẫy “được đằng chân, lân đằng đầu”.

Một khi sập cái bẫy đó, sẽ đến lúc, Trung Quốc trở mặt: cả “vùng không tranh chấp” cùng các quyền lợi chính đáng của Việt Nam cũng sẽ bị họ gây sức ép biến thành “vùng tranh chấp” để đòi ăn chia, thậm chí “nuốt gọn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới