Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBước đi sai lầm của TQ

Bước đi sai lầm của TQ

Bấy lâu nay các quốc gia luôn tôn trọng Trung Quốc, một cường quốc đang phát triển, có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vì lẽ đó, dường như thế giới tạo mọi điều kiện để nước này tham gia các tổ chức quốc tế. Thế nhưng Bắc Kinh lại có những bước đi sai lầm, hướng các tổ chức quốc tế phục vụ quyền lợi của mình.

Ông Biegun, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ mới đây cảnh báo: Trong một thời gian dài Mỹ và cộng đồng thế giới có nhiều nhân nhượng đối với Trung Nam Hải. Cụ thể là đã tạo điều kiện cho Trung Quốc hưởng một số đặc quyền và lợi ích, mong muốn nước này tham gia hội nhập quốc thế hiện đại và cởi mở hơn. Thí dụ, Mỹ từng nhiệt tình ủng hộ Trung Quốc gia nhập nhiều thể chế quốc tế, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hầu hết các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ cho rằng, sức nặng của các tổ chức quốc tế mà Trung Quốc gia nhập sẽ từng bước điều chỉnh để nhà cầm quyền Bắc Kinh tôn trọng luật pháp, cũng như các trật tự quy định theo thông lệ quốc tế.  Các trật tự dựa vào luật pháp này ít nhất tiết chế được việc chính phủ Trung Quốc có xu hướng “cuốc giật vào lòng”, kiếm miếng hời trong quan hệ với các nước.

Trước những hành động thân thiện này, lẽ ra Bắc Kinh phải tận dụng cơ hội và tỏ ra biết điều. Song họ luôn bất chấp, ngày càng dấn sâu hơn vào những hành động coi thiên hạ chỉ là lá cờ giấy trong tay mình. Đến mức Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết luận: các chủ trương ưu tiên đã thất bại với Trung Quốc ở khắp tất cả mặt trận. Chẳng những không có được sự cân bằng hợp lý, được chia sẻ về quyền lợi, mà Mỹ lại bị Trung Quốc bỉ mặt, dốc sức khai thác mọi cơ hội để thu lợi cho mình, bất chấp phải trái, bất chấp các quốc gia khác. Các cơ hội ấy thuộc nhiều lĩnh vực, từ việc không minh bạch trong công nghệ, đến yêu sách chủ quyền phi lí trên Biển Đông.

Điều lì lợm nhất khiến cả thế giới muốn lánh xa Trung Quốc là do nước này đã bất chấp cả luật pháp quốc tế, không chấp nhận sự phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại Liên hợp quốc. Tuyên bố về “đường lưỡi bò” trên Biển Đông bằng trí tưởng tượng của bộ óc bành trướng Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài quốc tế tại Lahaye bác bỏ từ năm 2016, rằng Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với Biển Đông, thế nhưng Bắc Kinh vẫn trơ tráo nói rằng “không có ràng buộc pháp lý”(!) Thử hỏi cái thứ  pháp lý “mơ thấy tuyết giữa trưa hè” ấy là pháp lý nào?

Nhưng Trung Quốc không thể tung tăng bơi lội như một con cá mập hung hăng, tha hồ bắt nạt, đe dọa tính mạng của những loài động vật bé mọn hơn trên biển. Mỹ và các nước ASEAN, nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền đã kiên định, không lùi bước, bảo vệ vững chắc các nguyên tắc bất di bất dịch của mình. Tiếp cận cơ bản nhất, dễ hiểu nhất là, các tuyến đường biển trên thế giới và vùng biển quốc tế phải được tự do đi lại. Điều này cũng tương tự như vậy với không gian và quyền trên không trong không phận quốc tế.

Một sai lầm khác của Bắc Kinh là, thái độ đối đầu đa phương với hàng loạt nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu vào cùng một thời điểm. Cụ thể từ đầu năm đến nay căng thẳng kéo dài giữa Trung Quốc với một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Nào là “thù địch” với Ấn Độ, Đài Loan, cạnh tranh và thiếu hợp tác với Nhật Bản, suy giảm quan hệ sâu sắc với Úc và New Zealand. Trong việc thông tin về “cơn bão dịch” Covid-19 Trung Quốc không ngần ngại tung ra những “trận chiến ngôn từ” với nhiều nước châu Âu, vốn là những quốc gia thiên về tư duy lí tính, ưa sự sòng phẳng, minh bạch.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Biegun khẳng định, Trung Quốc cần phải thay đổi ngay những ngộ nhận, những hành động sai trái và ráo riết sửa chữa những sai lầm mang tính chiến lược. Nếu họ không chịu sửa mình thì Mỹ không có con đường nào khác là “chúng tôi tập trung tất cả sức mạnh để đẩy lùi Trung Quốc”.

Chiến lược của Mỹ là rõ ràng: Đẩy lùi sự bành trướng, bá quyền của Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Washington làm điều đó để bác bỏ các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh, mà lúc này là ở thung lũng Walley của Ấn Độ, ở biên giới Ấn – Trung, và nghiêm trọng nhất là Biển Đông.

Chính phủ Tổng thống Trump cũng đang chủ trương đẩy lùi Trung Quốc trên mặt trận kinh tế. Ông Donald Trump đã và vẫn đang dẫn đầu tiến trình chống lại các chính sách kinh tế thiếu công bằng của Trung Quốc và thỏa thuận thương mại giai đoạn một chỉ là bước đi đầu trong tiến trình này. Sắp tới Mỹ sẽ có thêm nhiều bước đi cứng rắn để làm cho quan hệ kinh tế Mỹ – Trung công bằng và cân bằng hơn.

Làm thế nào để Bắc Kinh bớt thói hung hăng, chớ lấy đá ghè chân mình trong thời kỳ thế giới đã trở thành cái làng toàn cầu, không cho phép ai một mình một chợ? Theo chúng tôi, điều tốt nhất mà Trung Quốc nên làm ngay là, xác định nhu cầu thực tế của mình. Các nhu cầu ấy bao gồm các điều khoản thực tế liên quan đến chủ quyền quốc gia, nhất là nơi điểm nóng Biển Đông, tốt nhất là chỉ có thể tuyên bố một khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhỏ.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, các đảo nhỏ không thể duy trì sự sống của con người, đương nhiên nó sẽ không thuộc quyền lợi nằm trong 200 dặm của đặc quyền kinh tế. Vì vậy, thay vì “quyền” đối với toàn bộ Biển Đông mà Trung Quốc nghĩ họ có thể tuyên bố, thì quyền lợi tối đa của họ trên thực tế hầu như rất nhỏ bé.  

Khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Sửa chữa sai lầm bằng cách thật thà nhất là chất dinh dưỡng nuôi lớn một cơ thể lành mạnh và phát triển. Quay đầu lại là bờ. Chưa muộn!

RELATED ARTICLES

Tin mới