Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCác ngoại trưởng ASEAN lo ngại về tình hình biển Đông

Các ngoại trưởng ASEAN lo ngại về tình hình biển Đông

EAS bày tỏ quan ngại về diễn biến trên thực địa gần đây ở Biển Đông, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh và thượng tôn pháp luật trong khu vực.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các Hội nghị Bộ trưởng liên quan, tối ngày 9/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội nghị Cấp cao Đông Á, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10. Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước ASEAN, các Đối tác EAS gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Tổng Thư ký ASEAN.

Tại Hội nghị, các nước EAS tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của EAS với tư cách là diễn đàn của các Lãnh đạo thảo luận về các vấn đề chiến lược của khu vực; ghi nhận những tiến triển đạt được trong triển khai Kế hoạch Hành động Manila giai đoạn 2018-2022, đồng thời nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm môi trường, năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế, dịch bệnh, quản lý thảm họa, kết nối, kinh tế, thương mại, an ninh lương thực và hợp tác biển.

Các Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp hiện nay, các nước EAS cần đẩy mạnh hợp tác thiết thực, nâng cao năng lực ứng phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi bền vững khu vực. Các Đối tác EAS đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam tích cực điều phối các nỗ lực của ASEAN và các Đối tác ứng phó hiệu quả dịch bệnh Covid-19, ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về tăng cường hợp tác ứng phó dịch Covid-19 như Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19 và Kho Dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực.ASEAN đề nghị các Đối tác EAS với những thế mạnh của mình hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, phối hợp chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm điều trị, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội và thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng bền vững. Các nước hoan nghênh đề xuất của Việt Nam tổ chức hội nghị các chuyên gia liên ngành EAS về Covid-19 nhằm tăng cường các nỗ lực ứng phó và phục hồi tại khu vực, dự kiến vào tháng 10/2020.

Các nước chia sẻ đánh giá sau 15 năm thành lập, hiện EAS đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh khu vực có những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp chưa từng có. Theo đó, các nước cần phối hợp chặt chẽ, đề ra những định hướng tăng cường EAS trong giai đoạn mới nhằm tiếp tục đóng góp tích cực cho đối thoại và hợp tác, duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng và ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên trong khu vực. Các nước nhất trí ủng hộ Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15 (EAS-15) sẽ thông qua tuyên bố kỷ niệm 15 năm thành lập EAS và các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực hợp tác biển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực ổn định, nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh và về nâng cao vai trò phụ nữ đối với bảo đảm hòa bình và an ninh.

Các nước tham gia EAS cũng đã dành thời gian trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, bao gồm tình hình bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, tình hình bang Rakhine của Myanmar, Hong Kong… Về tình hình Biển Đông, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, là lợi ích chung của tất cả các nước.Theo đó, các nước bày tỏ quan ngại về diễn biến trên thực địa gần đây, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh và thượng tôn pháp luật trong khu vực, nhất là trong lúc cả khu vực đang tập trung nguồn lực đối phó dịch bệnh; nhấn mạnh cần thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC), và nỗ lực sớm hoàn tất xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, được cộng đồng quốc tế công nhận.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định vai trò chiến lược và đóng góp quan trọng của EAS trong 15 năm qua, chia sẻ các định hướng tăng cường EAS trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh cần nâng cao vai trò điều phối của Chủ tịch EAS trong các hoạt động hợp tác EAS, tăng cường hiệu quả phối hợp và bổ trợ giữa EAS với các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) cũng như nâng cao vai trò của EAS đối phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đang nổi lên trong khu vực. Đề xuất của Việt Nam ra Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập EAS nhằm tăng cường vai trò và giá trị chiến lược của EAS trong giai đoạn phát triển mới được các nước ủng hộ và đánh giá cao.

Về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của ASEAN đã nêu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 vừa khai mạc sáng 9/9, đề nghị các bên đề cao thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử COC ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực.

Theo chương trình, ngày 10/9, các Bộ trưởng Ngoại giao tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ, ASEAN-Canada, ASEAN-Australia, ASEAN-New Zealand, Đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) và Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững.

RELATED ARTICLES

Tin mới