Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) không phải vô ích. Nhưng rõ ràng, gần 20 năm qua, DOC đã thực chứng cho mọi người thấy tác dụng của nó hạn chế thế nào đối với việc giữ cho Biển Đông lặng sóng.
Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN của VN, tiếp xúc với báo chí
Ai cũng biết, trong bối cảnh hiện nay, kết quả Hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27, diễn ra ngày 12/9, có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Với Việt Nam, điều đó càng quan trọng hơn, bởi thành công của Hội nghị với những kết quả cụ thể và tích cực sẽ thể hiện và khẳng định năng lực, vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách Chủ tịch Asean 2020.
Hội nghị đã kết thúc. Cơ bản, Việt Nam và các nước Asean đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì những kết quả có được: dù tổ chức trực tuyến, nhưng những vấn đề lớn, cần quan tâm đều có trên bàn nghị sự, được chuẩn bị chu đáo, thảo luận kỹ. Các bên đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, mong muốn và quyết tâm thúc đẩy sự phát triển của Diễn đàn ARF, một trong những diễn đàn, cơ chế trung tâm của ASEAN trong xây dựng hòa bình, ổn định ở khu vực. Số lượng 8 văn bản được đề cập, thảo luận, tuyên bố – theo đánh giá của Ban Tổ chức – là con số khá lớn, chứng tỏ rằng, các thành viên đã làm việc rất khẩn trương trong thời lượng hạn chế.
Diễn biến phức tạp và hậu quả nặng nề, lâu dài của Covid-19 giúp cộng đồng khu vực thấy rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phối hợp ở phạm vi liên quốc gia trong công tác chống một đại dịch bất ngờ giáng xuống, tàn phá kinh tế toàn cầu ở mức độ kinh hoàng. Tình hình khu vực với những diễn biến phức tạp, không thể lường trước về mặt an ninh, đã nâng cao nhận thức các thành viên về ý nghĩa cực kỳ quan trọng của việc “xây dựng lòng tin” gắn với duy trì cơ chế “ngoại giao phòng ngừa” thật sự bảo đảm sự năng động để giữ vãn hồi sự ổn định của khu vực,v.v…
Vấn đề Biển Đông được đề cập như một nội dung trọng tâm. Điều đó tương xứng với thực tế diễn biến phức tạp đang diễn ra thời điểm này, đồng thời phản ánh sự quan tâm, mối lo ngại của các quốc gia thành viên về một tương lai tồi tệ hơn trên Biển Đông, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định khu vực. Một lần nữa, các bộ trưởng kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Dĩ nhiên, liên quan vấn đề này, Hội nghị không thể không đề cập tới mục tiêu xây dựng Bộ Quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC). Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) không phải vô ích. Nhưng rõ ràng, DOC đã thực chứng cho mọi người thấy tác dụng của nó hạn chế thế nào đối với việc giữ cho Biển Đông lặng sóng.
Vậy nên, Asean thảy đều mong muốn một sớm có một COC có tính ràng buộc để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, cũng như có một công cụ để các bên có thể tiến hành đối thoại và hợp tác phù hợp, đúng với tinh thần xây dựng lòng tin, đúng với tinh thần ngoại giao phòng ngừa mà các nước đang phấn đấu.
Việt Nam càng mong muốn điều đó hơn với hy vọng COC sẽ kiềm chế cơ bản sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc khiến Việt Nam luôn là nạn nhân đau đớn nhất. Thêm nữa, trong vai trò Chủ tịch Asean, một bước tiến rõ nét của việc xây dựng COC sẽ góp phần nâng cao vị thế, tôn vinh hình ảnh của quốc gia hình chữ S trong khu vực và trên thế giới vốn đang rất có đà nhờ kết quả nổi bật chống Covid-19.
Tuy nhiên, muốn đâu có nghĩa là được. COC là một sản phẩm chung giữa hai bên: Asean và Trung Quốc. Trung Quốc thì quá “cáo”. Tỏ ra sốt sắng, những kỳ thực, Bắc Kinh đã và đang cố tình làm cho quá trình đàm phán, xây dựng COC “dậm chân tại chỗ” vì các lý do: (1) không bị ràng buộc vào các nguyên tắc để tiếp tục quấy đảo trên Biển Đông; (2) tranh thủ giành thêm các lợi thế trên thực địa trong trường hợp COC cần phải được thông qua.
Và đặc biệt, COC sẽ khó (nếu không muốn nói là không thể) đến đích khi Trung Quốc khăng khăng yêu sách “đường 9 đoạn” trong khi Asean không thể hy sinh quyền lợi của mình khi phán quyết ngày 12/7/2016 của PCA đã bác bỏ hầu hết yêu sách vô lý đó.
Thế nên, tinh ý chút, có thể thấy, khi cánh báo chí hỏi ARF 27 có ghi nhận những lập trường, quan điểm nào mới, tích cực của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hay không, ông Vũ Hồ,Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải nói rằng: vì là hình thức trực tuyến, thông qua các phương tiện điện tử, vì vậy, việc đánh giá thái độ của một nước nào đó là rất khó.
Ông Vũ Hồ quả là nói “quá khéo”. Nhưng qua cái sự khéo đó, đủ biết, đàm phán COC đang trong tình trạng khó khăn vì Trung Quốc thế nào rồi.