Tuesday, November 26, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ và Pakistans – Liên minh ma quỷ

TQ và Pakistans – Liên minh ma quỷ

Tình báo Mỹ đã phát hiện ra một thông tin quan trọng có thể lý giải cho sự im lặng đáng ngờ từ phía đồng minh của Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung-Ấn leo thang.

Pakistan im lặng bất thường

Sau khi Ấn Độ và Trung Quốc đạt được đồng thuận 5 điểm về những diễn biến ở biên giới giữa hai nước, trong đó có cả thỏa thuận rút quân của hai phía khỏi vùng biên giới đang tranh chấp ở Himalaya, một câu hỏi bỗng được đặt ra là: Pakistan – đồng minh thân thiết của Trung Quốc – đã đứng ở đâu trong toàn bộ cuộc xung đột này?

Thái độ im lặng của Pakistan trước những căng thẳng ngày càng leo thang giữa quân đội của “người anh em chí cốt” Trung Quốc và “đối thủ truyền kiếp” Ấn Độ được thể hiện rất rõ.

Ngoài những lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn một cách vô cớ [lần gần đây nhất là vào ngày 10/9 dọc phần Đường kiểm soát thực tế (LoC) ở quận Poonch, bang Jammu và Kashmir phía bắc Ấn Độ], Pakistan đã từ chối lên tiếng về cuộc đối đầu quân sự Trung-Ấn [mở đầu bằng cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan, đông Ladakh].

Phản ứng trái ngược hoàn toàn với trước đây

Trước đó, Pakistan từng chỉ trích Ấn Độ là phía giữ vai trò chủ động trong “các cuộc đụng độ đẫm máu”. Khi bình luận về tranh chấp biên giới Trung-Ấn thời gian trước, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi từng tuyên bố:

“Trung Quốc đã cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề [tranh chấp biên giới] một cách thân thiện và thông qua các cuộc đàm phán. Vậy nhưng, Ấn Độ đã không thực hiện điều đó với cùng một tinh thần như thế. Ngược lại, họ tiếp tục các công trình xây dựng tại khu vực tranh chấp – điều đã châm ngòi một cuộc đụng độ đẫm máu”.

Ông Qureshi cũng ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về tranh chấp biên giới với Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh: “Biên giới dài 3.500km giữa Ladakh và Tây Tạng là khu vực tranh chấp. Nếu Ấn Độ có ý đồ ‘nuốt chửng’ khu vực này thì có lẽ Trung Quốc sẽ không chấp nhận được”.

Theo các chuyên gia, chính phủ Pakistan cho rằng, quyết định của Ấn Độ về việc xóa bỏ quy chế đặc biệt – điều khoản 370 trao quyền tự trị cho khu vực Jammu và Kashmir hồi năm ngoái – đã trở thành cơ sở cho tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Thủ tướng Narendra Modi được cho là đang muốn làm điều tương tự với Ladakh, đi ngược lại mong muốn của Trung Quốc.

Ngày 5/8/2019, sau khi công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong hiến pháp vốn trao quy chế đặc biệt cho bang Jammu và Kashmir, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah đã giới thiệu một đạo luật chia bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh cùng Jammu và Kashmir.

Động thái này đã làm rung chuyển cục diện chính trị trong khu vực và Trung Quốc coi đó là điều “không thể chấp nhận được”.

“Chúng tôi kêu gọi Ấn Độ thận trọng trong lời nói và việc làm liên quan tới vấn đề biên giới, tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận liên quan đã đạt được giữa hai phía và tránh thực hiện các hành động làm phức tạp thêm vấn đề biên giới” – Tuyên bố đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.

Trao đổi với EurAsian Times, các chuyên gia nhận định, có sự khác biệt trong cách phản ứng giữa Pakistan và Trung Quốc trước quyết định bãi bỏ Điều 370 của Ấn Độ. “Tôi nghĩ Pakistan đã phản ứng vội vã trước quyết định này, trong khi Trung Quốc thận trọng hơn” – Một chuyên gia nêu quan điểm.

Pakistan từng ủng hộ nhiệt liệt bình luận cho rằng “Thời gian gần đây, phía Ấn Độ đã tiếp tục phá hoại chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc bằng cách đơn phương sửa đổi luật của nước này. Cách làm đó không thể chấp nhận được và sẽ không đem lại bất cứ hiệu quả nào”. Kể từ đó, Trung Quốc không ngừng ủng hộ Pakistan về tình trạng của Kashmir, ngay cả tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trả lời đài BBC, Thượng nghị sĩ Mushahid Hussain Syed của Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (N) khẳng định, cho tới khi Ấn Độ đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, Pakistan sẽ tiếp tục ủng hộ Trung Quốc.

“Pakistan sẽ đứng về phía Trung Quốc. Về nguyên tắc, Ấn Độ đã sai phạm và họ biết điều đó. Do vậy, Pakistan sẽ không đứng về phía Ấn Độ nhưng mọi chuyện vẫn có thể được giải quyết thông qua đối thoại. Nếu không làm vậy thì Ấn Độ thực sự cần xem xét lại chính sách vị kỷ của mình trong khu vực” – Ông Syed nói.

Tình báo Mỹ phát hiện kế hoạch bí mật

Với những tuyên bố công khai ủng hộ Trung Quốc như trên, thật bất thường khi Pakistan lại giữ thái độ im lặng xuyên suốt căng thẳng Trung-Ấn thời gian gần đây.

Tuy nhiên, trong một bản báo cáo, tình báo của Mỹ cho biết họ phát hiện ra rằng Pakistan có thể đã trực tiếp tham gia cung cấp cho Trung Quốc thông tin tình báo về vị trí của binh lính Ấn Độ trước khi xảy ra cuộc đụng độ Thung lũng Galwan ở Ladakh.

Bình luận về thông tin này, Vikram Singh – cựu quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc phụ trách các vấn đề Nam Á – Đông Nam Á và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm châu Á thuộc Viện Hòa bình (Mỹ) – nhận định:

“Nếu Trung Quốc có ý định giấu kín hơn hoạt động hợp tác quân sự và tình báo với Pakistan thì sự hợp tác này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với lợi ích chung của họ như đối đầu với Ấn Độ về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ”.

Hiện chưa rõ mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc-Pakistan đang ở mức độ nào trong mục tiêu chung là chống lại Ấn Độ, bởi trong quá khứ, Pakistan luôn tỏ ra thận trọng khi chia sẻ thông tin tình báo.

Dẫu vậy, cựu Giám đốc Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ Tara Kartha cho rằng, có thể Bắc Kinh đã vượt qua được những dè dặt này bởi họ đang giành được một lối đi vững chắc vào tổ chức của Pakistan ở những cấp độ cao nhất, cũng như từ nền móng.

“Mối quan hệ hợp tác tình báo giữa Pakistan-Ấn Độ đã đặt ra một thách thức với Ấn Độ, bởi nó đánh dấu một sự bồi đắp đáng báo động vào mối quan hệ mà trong đó, Pakistan đang bắt đầu trông không khác gì một thuộc địa” – Bà Tara nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới