Sau Ladakh và Biển Đông, quân đội Trung Quốc (PLA) đang chuẩn bị mở thêm một chiến dịch xâm lấn biên giới khác hướng vào Bhutan trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố gắng giành lợi thế trong lần đàm phán thứ 25 về đường ranh giới với Vương quốc láng giềng.
Một nguồn tin giấu tên của Hindustan Times cho biết, khu vực Thimpu đang là địa điểm nhạy cảm bị PLA nhòm ngó. Bắc Kinh có thể sẽ chỉ đạo PLA sử dụng các hành vi xâm lấn ở đường biên giới thuộc miền trung Bhutan sau đó dùng các vùng đất này để đánh đổi các khu vực mà họ đã chiếm được ở phía tây của vương quốc trong các cuộc đàm phán tới đây.
Bhutan có ảnh hưởng lớn tới vấn đề an ninh của Ấn Độ. Vì Vương quốc này nằm cạnh hành lang Siliguri (vùng đất nằm sát Ấn Đô) nên bất kỳ thỏa hiệp lãnh thổ nào của Bhutan với Trung Quôc sẽ có tác động tiêu cực tới hệ thống phòng thủ của Ấn Độ trong khu vực.
Mặc dù vào năm 2017, Ấn Độ đã giúp Bhutan chống chọi lại PLA trong 73 ngày, nhưng quân đội Trung Quốc vẫn không ngừng thăm dò và kiểm tra năng lực của quân đội Bhutan và Ấn Độ trong khu vực, nguồn tin cho biết.
Các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với Bhutan bao gồm 318 km vuông ở khu vực phía tây và 495 km vuông ở khu vực miền trung Bhutan. Nguồn tin cho biết, PLA đang tiếp tục xây dựng đường xá, xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự, đồng thời đe dọa Quân đội Hoàng gia Bhutan nhỏ bé bằng cách tích cực tuần tra các vùng đất mà họ chiếm được, đồng thời từ chối đối thoại.
Theo các nhà ngoại giao ở Thimpu và New Delhi, kể từ khi xảy ra sự cố Doklam năm 2017, PLA đã xâm nhập vào 5 khu vực phía tây Bhutan và đưa ra yêu sách đối với một ranh giới mới kéo dài khoảng 40 km nằm bên trong lãnh thổ Bhutan.
PLA đã xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi chiếm được theo một kế hoạch căn cơ nhằm cải thiện khả năng phòng thủ, bao gồm việc xây dựng đường xá, đường ray, sân bay trực thăng để chuyển quân và phục vụ công tác hậu cần.
Trong các cuộc tuần tra vào ngày 13 và 24/8, PLA đã băng qua dòng chảy chính của sông Torsa nullah (Dolong Chu) vào phía nam Doklam và yêu cầu những người nông dân Bhutan di dời khỏi khu vực gần hồ Raja Rani, nơi họ đang chăn thả gia súc.
Ý tưởng cơ bản đằng sau động thái này của PLA là buộc cả Ấn Độ và Bhutan phải đồng ý rằng ranh giới của Trung Quốc kéo dài đến Gyemochen trên sườn núi Jhampheri chứ không phải trên trục Sinche la -Batang La, hướng thẳng hàng thực sự của giao lộ. Đây chính xác là những gì PLA đã cố gắng thực hiện vào năm 2017 và đã bị Quân đội Ấn Độ ngăn chặn.
Các kế hoạch bành trướng của PLA không chỉ giới hạn ở miền tây Bhutan. Vào tháng Sáu Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Dự án Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Sakteng (SWS) của Bhutan với lập luận rằng nó nằm trong khu vực biên giới tranh chấp. Trải dài khoảng 750 km vuông, khu bảo tồn nằm ở phía đông Trashigang Dzongkhag của Bhutan, giáp với Ấn Độ và Trung Quốc.
Tuyên bố của Bắc Kinh khiến Bhutan bất ngờ. Các nhà phân tích cho biết trước đây Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền đối với Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Sakteng hay bất kỳ vùng đất nào ở phía đông Bhutan. Khó hiểu hơn nữa, Bắc Kinh đã không đề cập đến khu vực này trong suốt 36 năm đàm phán ngoại giao mà hai bên đã tổ chức để giải quyết những khác biệt ranh giới của họ.
Đáng chú ý là lập trường của chính quyền Trung Quốc xuất hiện vào đầu tháng Sáu, thời điểm Bắc Kinh gặp khó khi đối đầu quân sự với Ấn Độ dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Ladakh.