Chuyên gia Mỹ khuyên Washington nên điều chỉnh chiến lược, nếu không làm bạn với Moscow thì ít nhất cũng không đẩy Nga kết đồng minh với Trung Quốc.
Theo chuyên gia Mỹ, Hoa Kỳ nên chia rẽ quan hệ Nga và Trung Quốc
Chuyên gia Mỹ lo ngại Nga-Trung hợp lực
Chuyên gia Doug Bandow nhận xét trong bài bình luận của mình trên tạp chí “Lợi ích Dân tộc” (National Interest – NI) rằng, việc Mỹ coi cả Nga lẫn Trung Quốc là kẻ thù đã khiến hai nước này tăng cường quan hệ với nhau và điều đó đã gây ra mối đe dọa khủng khiếp đối với Hoa Kỳ.
Theo vị chuyên gia, Bắc Kinh và Moscow đã nâng tầm quan hệ của mình lên cấp độ chiến lược cao hơn sau khi phương Tây phát động cuộc chiến kinh tế chống lại Liên bang Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và sẽ tiếp tục nâng tầm quan hệ lên một tầm cao mới sau cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ hiện nay.
Hiện nay, chính phủ hai nước Nga-Trung ngày càng xích lại gần nhau hơn trong thời gian qua. Vào tháng 8, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa đã kêu gọi Bắc Kinh và Moscow cùng đồng lòng “chống lại thói bá quyền và chủ nghĩa đơn phương”.
“Ai cũng có thể đoán được hàm ý phát ngôn của Chủ tịch Tập” – ông Bandow thẳng thắn nói về khả năng Trung Quốc và Nga hợp lực để đối phó với Hoa Kỳ.
Trong bài bình luận phân tích của mình trên NI, tác giả cũng chỉ ra điều đáng lo ngại là mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa hai quốc gia này trong lĩnh vực quân sự. Theo ông, nếu “đồng tâm hiệp lực” với nhau, Nga và Trung Quốc sẽ tạo thành đối trọng đáng kể đối với tham vọng bá quyền của Hoa Kỳ.
Vị chuyên gia Mỹ khẳng định: “Giờ đây, ngay cả các đồng minh trung thành thường ủng hộ nhiệt liệt quyền lực tối cao của Mỹ cũng tỏ ra lo lắng về mối quan hệ chặt chẽ giữa nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu (Trung Quốc) và quốc gia sở hữu lực lượng quân đội mạnh thứ hai thế giới (Nga)”.
Tại sao Mỹ nên làm bạn với Nga?
Tác giả Bandow bày tỏ quan điểm rằng, giới lãnh đạo Mỹ nên ngồi lại với các chính trị gia Nga cùng đàm phán và tìm kiếm thỏa hiệp phù hợp với cả hai bên, nhằm chia tách Nga và Trung Quốc, ví dụ như Washington có thể tuyên bố chấm dứt kỷ nguyên tái mở rộng NATO và bành trướng sang phía Đông, để làm Moscow yên lòng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của NI, mục tiêu mà Washington đặt ra không nên chỉ tập trung vào việc biến Nga trở thành đồng minh của Mỹ, mà trọng tâm là ngăn quốc gia này trở thành đồng minh của Trung Quốc.
“Giới chính trị gia Mỹ cần phải thừa nhận rằng Nga có những lợi ích quốc gia, dân tộc của riêng mình mà họ sẽ kiên định theo đuổi, bất kể mong muốn của Washington là gì đi nữa” – ông Bandow nói và nhấn mạnh rằng, nếu Washington hiểu được điều đó thì họ mới có những chính sách đúng đắn, ít nhất là tránh đẩy Moscow và Bắc Kinh kết thành đồng minh.
Trong phần kết luận bài phân tích, vị chuyên gia của NI khẳng định rằng, Mỹ và châu Âu nên cố gắng xây dựng một mối quan hệ đối tác, văn minh và mang tính xây dựng hơn với Nga, bởi cách tiếp cận “mềm mỏng” như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn từ quan điểm tăng cường an ninh của Hoa Kỳ so với việc khởi động một cuộc Chiến tranh Lạnh khác.
Mỹ nên xem điển tích “Thế chân vạc” thời Tam Quốc
Trước đây đã có nhiều chuyên gia cho rằng, Nga và Trung Quốc sẽ không bao giờ kết thành đồng minh bởi hai nước này khác xa nhau về hệ tư tưởng, thể chế chính trị, có mâu thuẫn về chủ quyền biên giới…, mà mối quan hệ giữa hai nước chỉ đơn thuần là quan hệ lợi ích, lợi dụng lẫn nhau.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, mối quan hệ giữa hai bên đã ngày càng trở nên chặt chẽ, mà nguyên nhân chủ yếu chính là do Mỹ đã coi cả 2 cường quốc này là địch thủ, đồng loạt áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với cả Nga lẫn Trung Quốc, khiến Moscow và Bắc Kinh phải bắt tay nhau để đối phó.
“Kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Bất chấp việc có thể không phải là đồng minh và có thể vẫn xung đột về lợi ích, nhưng việc có chung một kẻ thù đã khiến hai cường quốc số 2 thế giới về quân sự và số 2 thế giới về kinh tế đã hợp lực lại với nhau theo “bản năng sinh tồn” để đối phó với Mỹ, gây ra mối đe dọa khủng khiếp đối với Hoa Kỳ.
Chính quyền của ông Donald Trump dường như chưa nhận thức được nguy cơ lớn của Hoa Kỳ, nhưng giới học giả Mỹ đã nhận ra điều này và khuyên chính quyền Washington nên đọc các sách sử Trung Quốc về “Thế chân vạc” thời Tam Quốc, khi Ngụy, Thục, Ngô vận dụng các mối liên kết lẫn nhau để chống lại đối thủ của mình.
Và bài học lớn nhất là sự cáo chung của nhà Thục (Lưu Bị) bắt đầu khi Quan Vũ đánh cả Tào Tháo (Ngụy) lẫn Tôn Quyền (Ngô), để rồi bị đại bại và chết thảm.