AMM-53 là viết tắt của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 53. Trong bối cảnh hiện nay, hội nghị này, cùng các hội nghị liên quan, có ý nghĩa quan trọng vượt ra ngoài tầm khu vực. Là bởi, ngoài sự hiện diện của các bộ trưởng ngoại giao các quốc gia trong khối, còn có bộ trưởng ngoại giao các quốc gia đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Australia.
Trung Quốc dùng vaccine làm “mồi” với các nước Asean
Một diễn đàn lớn, quan trọng như vậy nên các quốc gia đều muốn tranh thủ thể hiện, nâng cao vị thế của mình. Tham vọng của Việt Nam thì rõ rồi. Trong vai trò Chủ tịch Asean 2020, AMM-53 thành công, Việt Nam sẽ được nể trọng hơn trên bình diện khu vực và quốc tế. Trong thực tế, Hà Nội đã đạt được điều đó với những kết quả được khẳng định trong một cuộc họp báo long trọng ngày 12/9, ngay khi AMM-53 kết thúc.
Tuy nhiên, có những câu chuyện hậu trường mà nước chủ trì Việt Nam chẳng tiện đề cập – như câu chuyện Vaccine ngừa covid-19.
Một cuộc chạy đua, nhất là chạy đua giữa các cường quốc, để sớm có được Vaccine covid-19, thì ai cũng biết. Nhưng, nhiều người chưa biết, ngoài mục tiêu ngăn chặn dịch trong nước, với một số nước, Vaccine còn là một vũ khí ngoại giao lợi hại.
Và Trung Quốc, chứ không phải quốc gia nào khác, đã sử dụng Vaccine ngừa khá hiệu quả nhằm tác động vào vấn đề Biển Đông.
Không thể phủ nhận Trung Quốc – nơi phát tích của “cúm Tàu” – đang có lợi thế trong cuộc chạy đua vaccine.Ngay từ cuối tháng 7-2020, trong số các nhóm nghiên cứu phát triển Vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, Mỹ chiếm số lượng nhiều nhất, nhưng Trung Quốc mới là nước có tiến độ nghiên cứu và phát triển nhanh nhất. Ngày 11/8, Công ty chế xuất vắc xin Trung Quốc CanSino Biologics Inc đã được cấp phép loại vắc xin Covid-19 mang tên Ad5-nCOV. Giữa tháng 9 này, trong chặng nước rút, cùng với Nga, Mỹ, Trung Quốc đang tăng tốc để có Vaccine đưa ra thị trường.
Dẫu bí mật, nhưng vũ khí vaccine đã được Trung Quốc sớm chìa ra với 3 nước trong Asean là Indonesia, Malaysia và Philippines từ giữa tháng 8. Việc này từng khiến Mỹ tức giận, cáo buộc rằng, đó là hành động vô đạo đức, “biến vấn đề nhân đạo và y tế thành công cụ thúc đẩy chính sách đối ngoại”, đồng thời, kêu gọi các nước Asean tỉnh táo và cảnh giác.
Nói cách khác, Washington thừa biết và ra sức cảnh báo việc Bắc Kinh dùng vaccine làm “mồi” nhử các nước trong khối Asean “thoát Mỹ”, ngả hẳn về phía mình, cũng như tác động, làm phân tán lập trường Asean trong vấn đề Biển Đông.
Mặc Mỹ lồng lộn, Bắc Kinh vẫn ráo riết thực hiện. Vì họ biết, diễn biến phức tạp cùng những hậu quả kinh tế nặng nề do đại dịch covid-19, chẳng quốc gia Asean nào không “khát” vaccine, coi nó như một mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Cơn khát càng nhiều, Trung Quốc càng có cơ.
Vậy nên, sau cú “đi đêm” với 3 quốc gia nêu trên, ngày 24/8, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố sẽ ưu tiên cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho 5 nước khu vực sông Mekong, gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.
Tiếp đó, ngày 31/8, ông Tập Cận Bình – chủ tịch Trung Quốc điện đàm với tổng thống Indonesia và cam kết hợp tác trong phát triển và sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Ngày 7/9, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa thăm Malaysia và nói với Thủ tướng Muhyiddin Yassin rằng “việc duy trì ổn định trên Biển Đông là trách nhiệm chung của cả hai nước”. Lại nữa, trước đó, ông Dương Khiết Trì, quan chức phụ trách đối ngoại cao cấp nhất của Bắc Kinh, đã lần lượt đi thăm Singapore và Myanmar để kêu gọi “sự hợp tác kinh tế” với hai nước này. Là nói vậy, chẳng ai tin, trong “việc duy trì ổn định trên Biển Đông”, cũng như trong “sự hợp tác kinh tế” nêu trên, ông Ngụy Phụng Hòa, ông Dương Khiết Trì không thể không thò ra “con mồi” vaccine để mặc cả vấn đề khác, nhất là vấn đề Biển Đông.
Những lời hứa hẹn của Trung Quốc chắc chắn đã khiến một số nước Asean lừng khừng.
Philippines từng từ chối tập trận với Mỹ, trừ khi việc tập trận trong vùng biển quốc gia của nước này. Indonesia, dẫu rất căm tàu Trung Quốc lảng vảng gần quần đảo Natuna, nhưng thời điểm này vẻ như nín nhịn vì số ca nhiễm covid gia tăng hàng vài nghìn người/ ngày, với gần 230.000, tính tới ngày 16/9.
Singapore giàu có, nhưng cũng đã có tới gần 60.000 ca nhiễm bệnh trong số 4 triệu dân. Campuchia, Lào, hay Myanmar, dẫu ít ca bệnh ghi nhận, nhưng một lời cam kết hỗ trợ vaccine của Trung Quốc vẫn là điều họ chờ đợi; chưa kể, đây là 3 nước trong khối nhận viện trợ kinh tế nhiều nhất của Trung Quốc…
Vậy là, trừ Việt Nam không những thuộc loại “khó bảo” mà còn khống chế thành công đại dịch, những liều vaccine Covid-19 của Trung Quốc mới là lời hứa, cũng đã tạo “kháng thể”, khiến 6 quốc gia (quá nửa Asean) phân tán lập trường, ngả theo Trung Quốc.
Sự phân tán đó, không nói, ai cũng biết, sẽ làm suy yếu sức mạnh thống nhất cần có của một Asean trong giải quyết vấn đề Biển Đông trước ngang ngược của Trung Quốc, như thế nào.