Monday, November 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTân Thủ tướng Nhật sẽ tiếp tục cứng rắn với TQ

Tân Thủ tướng Nhật sẽ tiếp tục cứng rắn với TQ

Thông qua các lựa chọn nội các, Tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã phát tín hiệu cho thấy ông sẽ tiếp nối con đường của người tiền nhiệm Shinzo Abe trong chính sách đối ngoại, bao gồm cả cách tiếp cận với Trung Quốc theo đó cân bằng các mối quan hệ kinh tế kết hợp với phản ứng cứng rắn trước các hành động khiêu khích từ Bắc Kinh, theo Asian Nikkei Review.

Tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga

Sau cuộc điện đàm dự kiến giữa ông Suga và Tổng thống Mỹ Donald Trump sớm nhất vào hôm Chủ nhật (20/9), Shigeru Kitamura – cố vấn an ninh quốc gia của vị tân Thủ tướng – sẽ đến thăm Washington vào tuần tới để gặp gỡ các quan chức Mỹ bao gồm người đồng cấp Robert O’Brien.

Ông Kitamura khá thân cận với vị cựu thủ tướng, từng là thư ký điều hành trong thời gian ông Abe làm thủ tướng nhiệm kỳ đầu vào hồi năm 2006. Ông được bổ nhiệm giữ chức vụ hiện tại hồi năm ngoái trước khi được ông Suga quyết định giữ lại trong nội các mới.

Giữ chức vụ chánh văn phòng nội các dưới thời ông Abe hơn 7 năm, tân thủ tướng Suga được biết đến nhiều trong vấn đề đối nội nhưng không gây được nhiều ấn tượng như người tiền nhiệm trên phương diện ngoại giao. 

Việc tái bổ nhiệm ông Kitamura và Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi, và việc ông chọn Nobuo Kishi, em trai của Abe, làm bộ trưởng quốc phòng, dường như nhằm xoa dịu những nghi ngờ này.

Tân bộ trưởng quốc phòng Kishi nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (18/9) rằng, “việc xây dựng quân đội nhanh chóng của Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng cần quan tâm” đồng thời cũng thừa nhận tầm quan trọng của việc bồi dưỡng lòng tin giữa các quan chức quốc phòng hai bên.

Việc bổ nhiệm ông Kishi đã khiến Trung Quốc khó chịu vì ông Kishi được biết đến là người ủng hộ Đài Loan. Ông chủ trì một nhóm các nhà lập pháp liên đảng tìm cách thúc đẩy trao đổi với quốc đảo này. Và vào năm 2015, ông là người định hướng cho lãnh đạo phe đối lập lúc bấy giờ là bà Thái Anh Văn, hiện là đương kim tổng thống, trong một chuyến công du đến Nhật Bản.

Khi được hỏi về ông Kishi trong buổi họp báo ngày 16/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Bân đã nói: Trung Quốc hy vọng rằng “phía Nhật Bản sẽ tuân thủ nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ và kiềm chế mọi hình thức trao đổi chính thức với khu vực Đài Loan”.

Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình và tuyên bố có thể sử dụng vũ lực để thâu tóm nếu cần thiết.

Căng thẳng giữa Mỹ – đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản – với Trung Quốc đang leo thang, với hoạt động tăng cường quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông và mối quan ngại của quốc tế đang gia tăng về cuộc đàn áp ở Hồng Kông. Tokyo cũng đang phải vật lộn với các cuộc xâm nhập của tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku do phía Nhật Bản quản lý, mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư và tuyên bố yêu sách chủ quyền.

Ông Suga đã cho thấy rằng, giống như người tiền nhiệm Abe, ông sẽ có lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh về những vấn đề nêu trên. 

Một số nhà quan sát cho rằng ngôn ngữ cứng rắn này và danh sách các quan chức ngoại giao và an ninh theo khuynh hướng bảo thủ của thủ tướng Suga, có thể khởi tác dụng cân bằng quan điểm của chính ông về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ kinh tế giữa Tokyo với Bắc Kinh.

Thủ tướng Suga có thể xử lý các cuộc đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới khác ra sao vẫn còn phải chờ xem. Người tiền nhiệm của ông đã xây dựng mối quan hệ nồng ấm với tổng thống Donald Trump, nên đã giữ cho liên minh Nhật-Mỹ luôn vững chắc.

Một cuộc thử nghiệm sớm về năng lực của chính quyền mới với Mỹ, sẽ là các cuộc đàm phán sắp tới về việc Nhật Bản chia sẻ chi phí duy trì quân đội Mỹ, khi Washington gây áp lực buộc Tokyo phải trả thêm tiền. Với thỏa thuận dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 3, hai bên hy vọng sẽ kết thúc các cuộc đàm phán vào cuối năm.

RELATED ARTICLES

Tin mới