Từ khi đưa cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long – Hải Phòng vào khai thác cùng với các dự án hạ tầng giao thông và những lợi thế nổi trội khác của tỉnh Quảng Ninh, liên tiếp các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và thực hiện đầu tư, lượng khách du lịch tăng cao nhất trong nhiều năm…
Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng có chiều dài 24,6 km, rộng 25m, được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, tổng vốn đầu tư 6.416 tỷ đồng.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công – tư (PPP), được coi là một hình mẫu về cách làm trong phát triển hạ tầng giao thông.
Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến dài 5,4 km được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức vốn 7.661 tỷ đồng. Công trình do chính người Việt Nam tự đầu tư, thiết kế, tổ chức thi công với kỹ thuật phức tạp, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Trong buổi lễ khánh thành năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đột phá đáng tự hào hơn cả là việc hình thành một cây cầu “Made in Việt Nam” – cầu Bạch Đằng, một minh chứng cụ thể và rõ ràng về tinh thần tự lực, tự cường, về khả năng làm chủ công nghệ và thi công cầu đường của người Việt Nam
Theo đó, Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng không chỉ phát huy thêm giá trị của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà còn thúc đẩy liên kết vùng, góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển 3 chữ H: Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long, mở thêm không gian và cơ hội phát triển kinh tế-xã hội lớn cho toàn khu vực.
Hai công trình này giúp rút ngắn quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội từ 180 km xuống còn 130 km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 giờ xuống còn 1,5 giờ; rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng từ 75 km xuống còn 25 km.
Ngoài ra, dự án còn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông liên vùng, phát huy lợi thế thu hút đầu tư, tạo động lực mang tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Sau hơn một năm đưa vào khai thác cùng với các dự án hạ tầng giao thông động lực khác, những lợi thế nổi trội của Quảng Ninh đã được phát huy khi liên tiếp các nhà đầu tư đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư và thực hiện đầu tư, lượng khách du lịch tăng cao nhất trong nhiều năm…
Cây cầu trọng điểm này còn đóng vai trò quan trọng trong hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh); liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động Hạ Long – Quảng Yên – Hải Phòng – Hải Dương – Hà Nội.
Theo Tổng Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng, từ khi đưa vào hoạt động, đơn vị thực hiện kiểm tra đầy đủ theo định kỳ hàng tuần, tháng, quý, năm các hạng mục nền đường, mặt đường, mặt cầu, dây văng, dầm cầu, khe co giãn, lan can cầu, hệ thống chiếu sáng để sớm phát hiện các hư hỏng và sự cố kỹ thuật, tổ chức khắc phục sớm.