Hôm 22/9, Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên công bố các mục tiêu dài hạn của Trung Quốc nhằm giảm lượng phát thải carbon.
Phát biểu này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Bắc Kinh “ô nhiễm tràn lan”.
Cam kết bảo vệ môi trường của ông Tập Cận Bình
Ông Tập phát biểu trước cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) rằng Trung Quốc sẽ mở rộng quy mô các mục tiêu phát thải theo Thỏa thuận chung Paris. Mức phát thải carbon sẽ đạt ngưỡng cao nhất trước năm 2030 và đạt mức trung hòa trước năm 2060.
“Thỏa thuận chung Paris đưa ra các bước tối thiểu cần thực hiện để bảo vệ trái đất – mái nhà chung của chúng ta, và tất cả các quốc gia phải thực hiện các bước đó, phải tôn trọng thỏa thuận,’’ ông Tập phát biểu.
Những cam kết của Trung Quốc đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hoan nghênh.
“Đây là bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu theo Thỏa thuận Paris. Chúng tôi sẽ làm việc với Trung Quốc để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết,” bà von der Leyen chia sẻ trong một bài đăng trên Twitter hôm 23/9.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, vấn đề lớn nhất đối với Liên minh châu Âu (EU) là quyết định của ông Tập không đề cập trực tiếp đến ngành than – ngành “đóng góp” lượng lớn khí thải carbon của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã và đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than trong kế hoạch của Sáng kiến Vành đai Con đường.
EU đề nghị phê duyệt các cam kết mới của Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than ở trong và ngoài nước.
Bước đi táo bạo và đầy tính toán của Chủ tịch Trung Quốc
Theo SCMP, hợp tác với các quốc gia châu Âu để chống lại biến đổi khí hậu và giảm phát thải là mục tiêu nhất quán của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong những năm gần đây, và cả hai bên đều nhấn mạnh mối quan tâm và quyết tâm chung của họ về mục tiêu này.
Các nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc – quốc gia có lượng phát thải carbon lớn nhất thế giới – đang nắm bắt cơ hội đi đầu trong việc giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu, trái ngược với Mỹ khi Washington chính thức thông báo với LHQ về việc rút khỏi Thỏa thuận Paris vào năm ngoái.
“Thông báo của Trung Quốc là bước tiến tích cực, quan trọng nhất đối với thế giới kể từ khi Thỏa thuận Paris được đưa ra,” người lãnh đạo ban phát triển của Quỹ Năng lượng Trung Quốc có trụ sở tại Mỹ David Vance Wagner chia sẻ trên Twitter.
Đây cũng là một bước đi táo bạo của Trung Quốc, nơi than đá chiếm khoảng 58% năng lượng tiêu thụ sơ cấp vào năm ngoái. Theo các chuyên gia, Trung Quốc phải trải qua một quá trình biến đổi đáng kể để đạt được mục tiêu trung hòa carbon và gần như chấm dứt nhu cầu sử dụng than đá trước năm 2060.
“Cam kết về khí hậu của ông Tập Cận Bình tại [Đại hội đồng LHQ]… rõ ràng là một bước đi táo bạo và có tính toán kỹ lưỡng. Nó thể hiện sự quan tâm nhất quán của ông Tập về việc tận dụng chương trình khí hậu cho các mục đích địa chính trị khác,” Li Shuo, cố vấn chính sách về khí hậu cấp cao của Greenpeace East Asia cho biết.
“Ông Tập đã quyết định đưa ra thông báo này chỉ vài phút sau bài phát biểu của Tổng thống Trump, và mục tiêu của chủ tịch Trung Quốc là rất rõ ràng,” ông Li nói.
Các bên ký kết Thỏa thuận Paris dự kiến sẽ đưa ra các mục tiêu phát thải sửa đổi vào cuối năm nay, tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có một số quốc gia – trong đó có Trung Quốc, cam kết chắc chắn về các mục tiêu của họ.
“Vấn đề bây giờ là, nếu Trung Quốc quyết định đi trước thì các nước khác có theo sau không? Và họ sẽ tiếp cận theo cách nào?,” ông Li phát biểu.
Trung Quốc sẽ bước vào quá trình thay đổi chưa từng có
SCMP dẫn ý kiến các chuyên gia, Trung Quốc sẽ cần phải “đại tu” nền kinh tế xã hội của mình để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060.
“Quy mô của sự chuyển đổi [cần thiết ở Trung Quốc] sẽ lớn chưa từng có,” ông Li Shuo bổ sung “đó là lý do tại sao đây là một cam kết táo bạo.”
Yang Fuqiang, cố vấn cấp cao của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên (Bắc Kinh) cho biết, Trung Quốc sẽ phải giảm lượng khí thải carbon tới 90% trong giai đoạn này để đạt được mục tiêu trung hòa carbon – từ khoảng 14 tỉ tấn carbon trong năm ngoái xuống 1.5 tỉ tấn carbon trước năm 2050.
“Điều này yêu cầu Trung Quốc thực hiện chuyển đổi năng lượng, từ việc chuyển sản xuất điện từ than, dầu và khí đốt sang năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân,” ông Yang chia sẻ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Năng lượng, thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc vào năm 2018 cũng kết luận ngành điện là chìa khóa để đạt được mục tiêu tham vọng của ông Tập.
Tỷ trọng điện được sản xuất từ than và từ khí được ước tính sẽ phải giảm xuống lần lượt là 5.3% và 7.1% trước năm 2050 để đạt được mục tiêu.
Nguồn tin giấu tên nói với SCMP rằng kế hoạch 5 năm tới của Bắc Kinh về phát triển kinh tế và xã hội sẽ là chỉ số ban đầu đánh giá liệu Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu về khí hậu của mình hay không.