Hàng trăm tỷ đô đang nằm chết là sự lãng phí vô cùng lớn. Nếu nền kinh tế có được khoảng 2550% nguồn vốn này chắc chắn sẽ khác.
Ông Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) nói với Đất Việt.
PV:- Thưa ông, gần đây, hàng loạt dự án FDI tỷ đô bỏ hoang khiến địa phương phải kêu cứu vì không đạt chỉ tiêu tăng trưởng. Điển hình như Quảng Ngãi mới đây. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Ông Phan Hữu Thắng: Tới nay dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng cũng dự tính nguồn vốn FDI nằm “chết” nhiều năm liền phải lên tới cả trăm tỷ đô. Đây là sự lãng phí vô cùng lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế.
Vậy đâu là nguyên nhân? Tôi cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân và nó chia đều cho cả phía thu hút đầu tư, cơ quan quản lý lẫn phía chủ đầu tư.
Phải thừa nhận, ngày càng nhiều các dự án FDI bỏ hoang, chậm triển khai là hệ quả đã được dự báo trước. Lỗi này thuộc về phía cơ quan quản lý.
Ở đây là công tác thẩm định dự án và tương lai dự án chưa tốt. Rất nhiều dự án cho thấy giữa vốn đăng ký với vốn thực hiện đã có một khoảng chênh rất lớn. Có khi lên tới cả trăm tỉ đô/một dự án và hầu hết đang nằm ở những dự án chậm triển khai, dự án bị bỏ hoang như ở Quảng Ngãi, Vính Phúc, Khánh Hòa vừa qua.
Đáng nói, đây là yếu kém đã tồn tại từ nhiều năm nhưng vẫn không có một động thái kiên quyết, không có biện pháp xử lý triệt để. Vì thế, số dự án bỏ hoang năm cũ lại gối sang năm mới, cứ mỗi ngày một tăng.
Thứ hai, chính sách, môi trường đầu tư tại VN cũng chưa thật sự thuận lợi. Nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Sự chậm trễ trong giao đất, giao mặt bằng, thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà nhiều khi đã làm mất cơ hội của nhà đầu tư.
Về phía nhà đầu tư, cũng có khi phải chịu rủi ro từ sự suy giảm kinh tế thế giới nói chung. Công ty mẹ khi mạnh, khi suy cũng là lý do thay đổi ý đồ đầu tư vào VN của nhà đầu tư.
Cũng có khi, dự án đầu tư ban đầu có quy mô lớn nhưng phía VN lại không đáp ứng được về nhân công, địa điểm… cũng là lý do khiến nhà đầu tư phải co lại quy mô dự án.
Tóm lại, nguyên nhân chính là do biến động thị trường cung – cầu thay đổi; năng lực nhà đầu tư thay đổi và vấn đề quản lý, giám sát, thẩm định chất lượng dự án không sát thực tế.
Theo thông lệ quốc tế, việc này có thể được chấp nhận. Vấn đề của VN là làm sao để giảm thiểu những rủi ro này.
PV:- Các nước khác có gặp phải vấn đề như của VN không? Điều gì khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn các nước trong việc xử lý thực trạng này, thưa ông?
Ông Phan Hữu Thắng: Ở nước ngoài, công tác quản lý của họ rất tốt vì thế mà dự án bỏ hoang thì có nhưng không phổ biến như VN. Đến mức cả trăm tỷ đô chảy vào VN nhưng bao nhiêu năm không triển khai được, không thực hiện được gì thì đúng là quá lớn.
Theo tôi, nếu rút được khoảng 50% số vốn đang “nằm chết” để đưa vào nền kinh tế thì diện mạo nền kinh tế cũng sẽ khác. Bây giờ chính là trách nhiệm của các Sở Kế hoạch đầu tư, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư… phải rà soát nghiêm túc các dự án. Làm rõ khó khăn, vướng mắc.
Việc này rất đơn giản, vấn đề là địa phương có muốn làm hay không. Làm thật hay chỉ làm cho vui. Nhiều khi bận việc khác mà lại quên đi rồi đâu lại vào đấy.
PV:- Ông có nói tới hậu quả rất nghiêm trọng một khi dự án bị bỏ hoang, đồng vốn nằm chết, ngân sách lại thiếu tiền… cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Hữu Thắng: Về nguyên tắc, để làm hấp dẫn thêm môi trường thu hút đầu tư vốn nước ngoài, bao giờ ngân sách và địa phương cũng phải bỏ ra một nguồn không nhỏ để xây dựng đường xá, cầu, cảng, đường điện… Tức là đã có một nguồn lực không nhỏ được đầu tư vào đây nhưng dự án lại không thực hiện được, không tạo ra giá trị gia tăng. Nguồn vốn đổ vào là vốn chết.
Nghiêm trọng hơn, khi dự án được phê duyệt đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện nhưng chủ đầu tư “bỏ trốn” dẫn tới việc đất bỏ hoang, người dân không canh tác được. Trong khi đó, ngân sách lại đang gặp khó khăn, nền sản xuất thiếu tiền là vô cùng lãng phí.
PV:- Trong bối cảnh, nợ công VN tăng nhanh, thu không đủ bù chi, chúng ta phải nhìn nhận và rút ra bài học như thế nào từ sự rút lui của các doanh nghiệp FDI?
Ông Phan Hữu Thắng: Có hai vấn đề cần phải rút ra từ thực tế này. Thứ nhất, VN cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật, chính sách về đầu tư, từ nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch và hướng các dự án FDI.