Bị cáo Phạm Hải Bằng (nguyên phó giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt) khai nhận không nhớ rõ nhận tiền bao nhiêu lần và số tiền cụ thể của từng lần là bao nhiêu.
TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ 11 tỷ đồng từ nhà thầu Nhật Bản (JTC). Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa Hình sự.
Ngay từ sáng sớm, an ninh trước cổng TAND TP Hà Nội đã được thắt chặt. Phiên xử thu hút sự quan tâm của hàng chúc cơ quan báo, đài. Tác nghiệp tại phiên tòa, các phóng viên được bố trí vào một phòng theo dõi phiên xử qua màn hình ti vi.
6 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam; Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU); Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU); Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam); Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (50 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU).
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 3, điều 281 Bộ Luật hình sự.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay (Ảnh: MC) |
Sau phần công bố cáo trạng của đại diện Viện kiểm sát, HĐXX bắt đầu thẩm vấn bị cáo Phạm Hải Bằng. Bị cáo Bằng bị xác định là chủ mưu trong vụ việc.
Trước HĐXX, bị cáo Bằng khai, tuyến đường sắt đô thị dài 28km từ Yên Viên đến Ngọc Hồi có tổng giá trị hợp đồng tuyến số 1 khoảng 320 tỷ đồng. Ngay sau khi dự án được triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu dự đoán có những khó khăn nên phát sinh phụ lục hợp đồng 01, điều chỉnh giá trị tăng thêm gần 8% (tương ứng với hơn 84 tỷ đồng).
Tại phiên tòa, bị cáo Bằng nhiều lần phủ nhận vai trò đề nghị phía JTC hỗ trợ tiền. Trước câu hỏi của chủ tọa về việc sau buổi ký hợp đồng, JTC lại chuyển một khoản tiền cho Ban quản lý dự án đường sắt, bị cáo Bằng khai rằng số tiền được chuyển để tổ chức lễ ký hợp đồng cho phù hợp.
Bị cáo này liên tục nói rằng phía Ban quản lý dự án đường sắt không đề nghị JTC chi tiền. Trước vành móng ngựa, bị cáo Bằng khai nhận không nhớ số lần nhận tiền và mỗi lần nhận bao nhiêu tiền từ phía JTC.
Bị cáo Phạm Hải Bằng trả lời thẩm vấn tại phiên tòa |
Trước câu hỏi “Bị cáo nhận thức gì về khoản tiền đã nhận”, Bằng trả lời: “Nhận thức ở đây khoản tiền chi phục vụ cho hoạt động tư vấn, lẽ ra đối tác tư vấn Nhật Bản phải thực hiện. Nhưng do tư vấn họ không nắm được nên họ đã để phía Việt Nam thực hiện. Phía Việt Nam chi tiêu hộ cho phía Nhật Bản khoản này”.
Theo đó, mỗi lần chi tiêu tiền, cấp dưới của bị cáo này lập bảng chi tiêu Excel trên máy tính nhưng sau mỗi lần báo cáo xong với Bằng thì mọi dữ liệu đều bị xóa đi.
HĐXX đã công bố lời khai lãnh đạo công ty JTC phía Nhật Bản: “Tại dự án này trước khi bước vào ký hợp đồng, ông Bằng đã đề nghị ký với một nhà thầu phụ. Tôi nghĩ rằng chẳng phải ông Bằng đang làm béo bụng cá nhân ông ấy hay sao? Tôi cho rằng nếu từ chối đưa hối lộ cho ông Bằng thì đừng nói gì tới việc tham gia đàm phán hợp đồng hay thoả thuận các điều khoản hợp đồng”.
Tiếp theo, HĐXX thẩm vấn bị cáo Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU)
Bị cáo Thái cũng một mực khai nhận không nhận tiền trực tiếp từ phía JTC mà nhận qua tay bị cáo Bằng khi được ông này gọi xuống phòng làm việc và số tiền này được phía JTC “nhờ” chi tiêu một số công việc liên quan đến dự án.
Khi HĐXX hỏi đó là công việc gì, bị cáo Thái khai tiền được chi cho các cuộc hội họp và khẳng định cá nhân không nhận bất cứ số tiền nào.
Bị cáo Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) cũng khai nhận, số tiền phía JTC chuyển là kinh phí chi cho họp hành, hội thảo phục vụ dự án.