Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, 9 tháng đầu năm có hơn 78.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tương ứng khoảng 8.700 doanh nghiệp mỗi tháng.
Hàng quán tại Hà Nội đóng cửa trong giãn cách xã hội.
Số lượng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn chiếm trên 38.600 doanh nghiệp, tăng gần 82% so với cùng kỳ và tập trung ở nhóm có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Phần còn lại đang chờ giải thể hoặc đã hoàn tất thủ tục giải thể, lần lượt khoảng 27.590 và 12.090 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh ở tất cả lĩnh vực. Trong đó, kinh doanh bất động sản, giáo dục, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vui chơi giải trí… có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất.
“Điều này thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cho thấy quá trình thanh lọc đang diễn ra mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp”, báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh viết.
Riêng tháng 9, thị trường ghi nhận hơn 7.300 doanh nghiệp đóng cửa. Tổng vốn của các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trên 28.000 tỷ đồng, còn vốn của doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể trên 41.000 tỷ đồng. Số lao động bị ảnh hưởng bởi các quyết định đóng cửa xấp xỉ 77.000 người.
Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn ở mức rất cao, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, do mới bắt đầu quá trình hồi phục nền kinh tế và việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đến nay chưa đáng kể cũng như dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ở chiều ngược lại, tháng 9 có trên 10.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm trên 12% so với cùng kỳ. Ngoài dịch bệnh, nguyên nhân chính dẫn đến số lượng doanh nghiệp mới giảm là giai đoạn này trùng với tháng Ngâu.
Luỹ kế từ đầu năm, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là kỳ chín tháng duy nhất trong vòng 5 năm qua ghi nhận sự sụt giảm về lượng doanh nghiệp đăng ký mới, trong khi các năm trước có tỷ lệ tăng trưởng bình quân 14%. Vốn đăng ký bình quân của mỗi doanh nghiệp đạt 14,4 tỷ đồng.
Có đến 15 trong 17 ngành nghề ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, nhiều nhất là nghệ thuật, dịch vụ lưu trú, kinh doanh bất động sản. Hai ngành nghề ngược dòng là sản xuất, phân phối điện, nước, gas và nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản.
“Đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu, hoạt động sản xuất diễn ra bất chấp sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều sang những ngành ít rủi ro hơn”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh lý giải.