Indonesia “phất cờ” quyết chiến với Trung Quốc – đó là điều có thể nghĩ. Sự giận dữ của Jakarta là có lý do: gây hấn Việt Nam, Philippines, Malaysia chưa đủ, thời gian gần đây, Bắc Kinh đang có dấu hiệu nhòm ngó đảo Natuna của đảo quốc này.
Ngoại trưởng Retno Marsudi khẳng định Natuna là của Indonesia
Nhìn gương mặt rắn đanh của bà Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khi tái khẳng định lập trường không đàm phán với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, đủ biết, Jakarta giận dữ tới mức nào với sự gây hấn của Bắc Kinh trong vùng biển gần đảo Natuna. Có lẽ, đó cũng là lý do trực tiếp khiến Indonesia, cùng Việt Nam, Philippines, Malaysia, sớm tham gia và tham gia một cách tích cực điều mà giới chuyên gia và dư luận quốc tế gọi là “cuộc chiến công hàm” phản đối Trung Quốc.
Cụ thể, Indonesia đã gửi hai công hàm tới Liên hợp quốc phản đối yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Hai công hàm trong hai tháng liên tiếp 5 và 6, sao không thể nghĩ, điều đó nói lên sự nhất quán về quan điểm, thái độ đối với vấn đề chủ quyền trên biển từng được Jakarta thể hiện, cũng bằng công hàm gửi Liên hợp quốc ngay từ năm 2010.
Liên quan vấn đề này, ở phạm vi song phương, gần đây nhất, Bộ Ngoại giao Indonesia đã trao công hàm phản đối Bắc Kinh sau vụ việc tàu hải cảnh số hiệu 5204 của Trung Quốc tiến vào và ở lại tới hai ngày, 12 và 13/9, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ – khu vực gần đảo Natuna, ở Biển Đông.
Cho dù tàu hải cảnh 5204 đã rời đi ngày 14-9, nhưng giới chức đảo quốc xinh đẹp Đông Nam Á này chưa hết lo ngại. Với Trung Quốc, kéo ra chưa hẳn đã là chấm hết. Họ từng làm thế với Việt Nam và Philippines. Do vậy, Indonesia buộc phải liên hệ sự kiện mới nhất này, với một sự kiện tương tự, cũng có thể coi là tệ hại, xảy ra hồi đầu năm.
Cụ thể, tháng 1 năm nay, với lý do “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc, hàng chục tàu cá cùng một số tàu hải cảnh đi “kèm”, đã “tự nhiên như ruồi”, tiến vào đánh bắt hải sản trong khu vực đặc quyền kinh tế gần đảo Natuna của Indonesia. Ông Joko Widodo, tổng thống Indonesia khi đó, không thể nín nhịn, đã “nổi cơn khùng”, nói như quát vào mặt Trung Nam Hải rằng: “Không phải tranh cãi gì hết. Trên thực tế và về thực quyền, Natuna là Indonesia”.
Và cũng chính ông đã bay tới, trực tiếp thị sát một đơn vị hải quân để: trong thì động viên quân đội, ngoài thì bắn tiếng, thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia mà ông là người đại diện.
Chẳng biết có phải “sợ” uy của ông Joko Widodo hay không, mà sau động thái hiện diện, thị sát hiện trường đó, Trung Quốc chịu rút tàu.
Quan sát phản ứng của ông Joko Widodo cùng cách phản ứng của Jakarta, người ta dễ dàng nhận ra những điểm khác của Indonesia với các nước láng giềng khác. Đó là sự cứng rắn. Cụ thể, Indonesia đã thực hiện một cách tiếp cận mạnh mẽ để bảo vệ đường biên giới trên biển của mình với sự hoạt động tích cực, thường xuyên của các tàu khu trục của hải quân; máy bay F-16; các phi đội máy bay không người lái do Israel sản xuất. Thực ra, kể về súng đạn, Indonesia so sao được với Trung Quốc. Nhưng cái sự chuẩn bị vẻ như cho thấy Indonesia sẵn sàng chơi tới cùng ngay cả với gã to kềnh càng Trung Quốc.
Trở lại vụ xâm nhập của hải cảnh 5204, cho dù con tàu này đã rời đi, Indonesia vẫn phẫn nộ và lo lắng trước việc Trung Quốc sử dụng thuật ngữ “đường 9 đoạn” để đáp lại sự xua đuổi của lực lượng chấp pháp trên biển của Indonesia. Không lo lắng, đề phòng sao được khi Jakarta hiểu quá rõ nguồn gốc cái gọi là “đường 9 đoạn” cùng sự tùy tiện, mập mờ của Trung Quốc khi giải thích về yêu sách ngang ngược này. Ngay cả khi phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) năm 2016 đã khẳng định: các yêu sách biển không phù hợp với UNCLOS đều không được chấp nhận, bao gồm cả “đường 9 đoạn” hay “quyền lịch sử”; các cấu trúc luôn nổi ở Trường Sa không được hưởng các vùng biển rộng hơn 12 hải lý (…). Các hoạt động bồi lấp đất hoặc các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể làm thay đổi trạng thái pháp lý tự nhiên của một cấu trúc theo UNCLOS. Do đó, bất kỳ quyền trên biển nào được tạo ra từ đất liền của các quốc gia ven biển, trong đó có Natuna (ngoài khơi Indonesia) đều không thể coi là khu vực tranh chấp. Vậy mà, với sự ngang ngược vốn có, Bắc Kinh bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài Liên hợp quốc (PCA) năm 2016 bác bỏ “đường 9 đoạn”, vẫn khăng khăng khẳng định rằng mình có “quyền lịch sử”.
Tới mức, đáp lại yêu cầu một lời giải thích từ phía Indonesia với Đại sứ quán TQ: “Chúng tôi đã nhắc lại với phía Đại sứ quán Trung Quốc rằng EEZ của Indonesia không chồng lấn với các vùng biển của TQ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân trong một cuộc họp báo vẫn khẳng định rằng các quyền lợi của TQ trong vùng biển liên quan là rất rõ ràng: “Tàu TQ tiến hành tuần tra bình thường trong vùng biển mà Bắc Kinh có quyền tài phán”.
Trước một gã ngang bướng như vậy, có lẽ, Indonesia buộc phải nhớ lại bài học đầu năm: với kẻ cùn, nhân nhượng chẳng bao giờ là giải pháp tích cực. Rằng: cần phải tỏ rõ cho Trung Quốc thấy sự nhất quán của mình.
Phải chăng, điều đó lý giải cho những động thái ngày càng cứng rắn của Indonesia với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển, trong thời gian gần đây?