Câu hỏi này được đặt ra khi gần đây Campuchia có xu hướng ngày càng thân Trung Quốc. Tuyên bố của các nhà ngoại giao cũng như lãnh đạo của đất nước có khu Đền Bayon, nơi có bức tượng 4 mặt với nụ cười vô cùng huyền bí, gần như trùng khít với những gì mà giới cầm quyền Bắc Kinh thường tuyên bố.
Vậy là nỗi lo Phnom Penh có thể trở thành bãi chiến trường không phải là không có lý. Những hành động và “lời lẽ như vẹt”của các nhà lãnh đạo Campuchia đã khiến Washington nổi giận.
Tuần trước, trong lúc Campuchia đang rất căng thẳng với Mỹ về một cơ sở do Washington tài trợ bị phá hủy ở căn cứ hải quân Ream, Phnom Penh đã bất ngờ tiếp nhận món quà đặc biệt của chính phủ Trung Quốc tặng, đó là 80 chiếc xe quân sự. Báo Phnom Penh Post hôm 6/10 đưa tin, Trung tướng Hun Manet, Phó tổng tư lệnh Quân đội hoàng gia Campuchia (RCAF) đã phân bổ số xe quân sự này đến 32 đơn vị quân đội.
Tướng Manet không phải ai xa lạ, chính là con trai của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ông Manet không giấu diếm: số phương tiện này sẽ được sử dụng trong các hoạt động quân sự cũng như chương trình đào tạo. Món quà “nóng” của “tình hữu nghị đặc biệt” này nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Phía Campuchia tỏ ra rất hoan hỉ. Rằng, thông qua quan hệ hợp tác song phương với các nước trong khu vực và trên thế giới, Campuchia luôn nhận được sự ủng hộ to lớn về tinh thần, vật chất và tài chính từ các nước đối tác, trong đó có CHND Trung Hoa, một nhà tài trợ chủ chốt. Trung Quốc là quốc gia nước ngoài đầu tư mạnh nhất vào Campuchia và cũng là đối tác thương mại hàng đầu. Trung Quốc là chủ nợ, chiếm tới 46% trong khoản tiền 7,9 tỉ USD nợ nước ngoài của Campuchia.
Sau món quà kinh tế, vũ khí là đến quà ngoại giao. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 11/10 có chuyến thăm đến Campuchia. Đất nước chùa Tháp được ông Vương mở màn cho chuyến công du 4 nước Đông Nam Á. Tại điểm đến đầu tiên ông Vương sẽ gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Phó Thủ tướng Hor Namhong và Ngoại trưởng Park Sokhonn. Sau Campuchia, ông Vương sẽ tới Malaysia, Lào và Thái Lan.
Cái bắt tay ngày càng chặt giữa Phnom Penh và Bắc Kinh khiến cho Washinghton cay mũi. Hồi tháng 9/2020, Mỹ đã cấm vận công ty phát triển địa ốc Trung Quốc Union Development Group. Công ty này đầu tư vào dự án mở tuyến đường ven biển dài 440km phục vụ du lịch ở Campuchia. Dự án có thể trở thành bàn đạp để Trung Nam Hải duy trì sự hiện diện quân sự, xua đuổi dân lành ra khỏi khu vực.
Đáp trả, Campuchia phá hủy một cơ sở quân sự tại căn cứ hải quân Ream ở Vịnh Thái Lan. Đồng thời, Phnom Penh tiếp nhận hàng loạt các khoản viện trợ quân sự từ Trung Quốc. Mặc cho thiên hạ ì xèo về thái độ “bốn mặt”, tiền hậu bất nhất, Phnom Penh quay lưng với Washinghton, ngả hẳn về phía Bắc Kinh.
Rõ ràng, việc Trung Quốc chọn Phnom Penh là điểm dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Vương Nghị cho thấy, Campuchia đã trở thành “bạn vàng” của Trung Quốc trong khu vực. Có thể Bắc Kinh cũng tính toán kỹ thời điểm cho chuyến thăm, bởi lúc này Mỹ đang tập trung cao độ cho cuộc bầu cử tổng thống. Chớp thời cơ, Mỹ càng gây sức ép thì Trung Quốc càng tóm chặt thắt lưng Campuchia.
Gần đây khi tình hình Biển Đông nóng như chảo lửa, trong khi nhiều quốc gia lên tiếng phản đối Trung Quốc, thậm chí xuất hiện làn sóng “cuộc chiến công hàm” gửi đến Liên hợp quốc, thì Campuchia lại giở nói giở hát theo Trung Quốc không hơn gì một con vẹt. Ông Hor Namhong, Phó Thủ tướng Campuchia nói đúng giọng mà lâu nay quan thầy Bắc Kinh thường chỉ trích các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.
Hor Namhong cố tình quên một điều, tháng 7/2016, sau khi Tòa trọng tài quốc tế ở Lahaye ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh đã ngang ngược tuyên bố “phán quyết này vô hiệu và không có hiệu lực ràng buộc”. Cộng đồng quốc tế đã lên án. Thế nhưng Trung Quốc vẫn bỏ ngoài tai, liên tục gây hấn, chèn ép các nước ở Biển Đông, biến các vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp.
Vậy mà chỉ vì miếng mồi kinh tế và quân sự, con cá Phnom Penh đã mắc phải lưỡi câu Bắc Kinh. Thỏa thuận quân sự giữa Campuchia và Trung Quốc liên quan các căn cứ ven vịnh Thái Lan và một số vấn đề khác đã thể hiện rõ hành động vô liêm sỉ của Phnom Penh.
Không biết ông chủ Bắc Kinh còn hứa hẹn và dọa dẫm những gì trong chuyến thăm khá đặc biệt này. Nếu cứ theo giọng lưỡi của một con vẹt, nếu Campuchia trở thành chiến trường trong đối đầu Mỹ- Trung thì đúng là các nhà lãnh đạo Campuchia đã tham bát bỏ mâm. Điều mà quan thầy của họ thường dạy: Vì đại cục mà quên đi tiểu cục.