Tuesday, December 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ cấm nhập khẩu than từ Úc bằng "lệnh miệng"

TQ cấm nhập khẩu than từ Úc bằng “lệnh miệng”

Các nhà phân tích cho biết lệnh Trung Quốc cấm nhập khẩu than nhiệt của Úc có thể sẽ kéo dài trong bối cảnh quan hệ thương mại hai bên đang xấu đi.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, các nhà chức trách Trung Quốc đã chưa thông báo lệnh cấm qua văn bản mà thông báo bằng lời nói. Lệnh cấm khiến một số tàu của Úc bị mắc kẹt tại các cảng của Trung Quốc.

Điều này dấy lên nghi ngờ rằng mặc dù động thái này phù hợp với mục tiêu giảm tiêu thụ than và phát thải carbon của Bắc Kinh, cách tiếp cận chưa thông qua văn bản chính thức khiến lệnh cấm phải chăng còn mang mục đích khác.

Trung Quốc đang thực hiện cuộc “đại tu” để điều chỉnh mức phát thải carbon

Trước đó, tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng Trung Quốc sẽ mở rộng quy mô các mục tiêu phát thải theo Thỏa thuận chung Paris. Mức phát thải carbon của Trung Quốc sẽ đạt ngưỡng cao nhất trước năm 2030 và đạt mức trung hòa trước năm 2060.

Các nhà phân tích cho rằng, để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó, Trung Quốc sẽ cần phải “đại tu” nền kinh tế xã hội của mình khi nước này hiện đang là quốc gia có lượng phát thải carbon lớn nhất thế giới.

“Quy mô của sự chuyển đổi [cần thiết ở Trung Quốc] sẽ lớn chưa từng có,”cố vấn chính sách về khí hậu cấp cao của Greenpeace East Asia Li Shuo cho biết.

Theo SCMP, hạn ngạch nhập khẩu than tại một số cảng của Trung Quốc cho năm 2020 hiện đã hết.

“Một số tàu chở than của Úc đã chờ tại các cảng Trung Quốc hơn 1 tháng nay vì quá trình thông quan hải quan nhìn chung diễn ra rất chậm,” Deepak Kannan, nhà phân tích than nhiệt của S&P Global Platts bổ sung, “một số báo cáo cho rằng có tới 7 triệu tấn than trên các tàu đang chờ ở bờ biển Trung Quốc, con số này các năm khác thường chỉ là 4-5 triệu tấn.”

S&P Global Platts cho biết, các công ty điện lực thuộc sở hữu nhà nước bao gồm Huaneng Power International, Datang International Power Generation, Huadian Power International và Zhejiang Electric Power đã được thông báo về việc ngừng nhập khẩu.

Bắc Kinh có đang giáng đòn kinh tế vào Úc?

Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa hai nước đang xấu đi sau khi Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc của Covid-19 vào tháng 4. Bắc Kinh sau đó đã áp đặt mức thuế chống bán phá giá lớn đối với lúa mạch và rượu của Úc, cấm xuất khẩu thịt bò từ 4 lò mổ lớn.

Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu của Bắc Kinh đối với than của Úc không khác gì cách làm trong các lĩnh vực khác.

“Trung Quốc ít phụ thuộc than của Úc hơn so với quặng sắt, vì vậy chúng tôi có lý do để nghi ngờ rằng lời cảnh báo này có thể kéo dài như một biện pháp đối phó với các căng thẳng chính trị gần đây,” Giám đốc Điều hành của Navigate Commodities Atilla Widnell nói.

“Hải quan Trung Quốc có lẽ không đưa ra các chỉ thị chính thức nào yêu cầu ngừng nhập khẩu than của Úc vì như thế, Úc sẽ có cơ sở để khiếu nại theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO),” ông bổ sung.

SCMP cho biết đây là lần thứ 2 trong năm nay Trung Quốc cấm nhập khẩu than của Úc. Vào tháng 5, sau khi công bố lệnh trừng phạt thịt bò và lúa mạch, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã cấm mua than nhiệt của Úc để thúc đẩy giá than trong nước.

Mặc dù có nhiều nghi ngờ rằng lệnh cấm này có động cơ chính trị, không thể phủ nhận sự thật rằng thị trường than nội địa của Trung Quốc đã gặp vấn đề về nguồn cung và giá vào đầu năm nay, buộc các nhà chức trách phải hạn chế nhập khẩu để kiểm soát các điều kiện tại địa phương.

Nhà phân tích cấp cao Sean Xie tại công ty phân tích hàng hóa Mystell Global cho rằng việc kiểm soát nhập khẩu và than phù hợp với các mục tiêu giảm ô nhiễm và củng cố ngành than của Trung Quốc.

“Khả năng cung cấp nội địa của Trung Quốc đang được tăng cường sau khi các mỏ công suất cao được đưa vào hoạt động và các mỏ công suất nhỏ, không hiệu quả bị đóng cửa,” ông Xie nói.

“Các biện pháp chi tiết về kiểm soát nhập khẩu than vẫn có thể điều chỉnh dựa trên nhu cầu và hạn ngạch khác nhau của khu vực và đây là biện pháp Bắc Kinh áp dụng trong vài năm trở lại đây khi cần thiết.”

RELATED ARTICLES

Tin mới