Bắc Kinh vừa lên tiếng tuyên bố sẽ kiên quyết đáp trả bất kỳ sự khiêu khích cố tình nào, sau khi tàu khu trục mang tên lửa USS Lassen của Mỹ lượn lờ trêu ngươi Trung Quốc ở khu vực trong phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông.
“Trung Quốc tha thiết kêu gọi phía Mỹ hãy xem xét thấu đáo sự phản đối nghiêm túc của Trung Quốc, ngay lập tức sửa chữa sai lầm và không có bất kỳ hành động khiêu khích hay nguy hiểm nào đe doạ chủ quyền, cũng như các lợi ích an ninh của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cực lực lên án hành động đưa tàu chiến của Mỹ vào khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ông Lu Kang cho rằng, tàu của Mỹ “đã xâm nhập bất hợp pháp” vào vùng lãnh hải gần các đảo nhân tạo “mà không nhận được sự cho phép từ chính phủ Trung Quốc”.
Bắc Kinh “kiên quyết phản đối bất kỳ hành động sử dụng vấn đề tự do hàng hải và tự do bay trên bầu trời làm cái cớ để gây hại đến chủ quyền quốc gia và các lợi ích an ninh của Trung Quốc”, phát ngôn viên Lu Kang đã nói như vậy, đồng thời thêm rằng nước này “sẽ bảo vệ chắc chắn chủ quyền lãnh thổ”.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn liếm sâu vào bên trong trung tâm biển của Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang gây phẫn nộ khi cấp tập thực hiện những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đang tìm cách tranh giành quần đảo Trường Sa của Việt Nam và biến khu vực Biển Đông chiến lược thành “ao nhà”. Đây là điều mà các nước có liên quan nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung không thể chấp nhận.
Trước việc Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng chiếm trọn Biển Đông, Mỹ đã phải ra tay hành động và cụ thể nhất là sáng nay (27/10), Trung Quốc đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen đi xuyên qua khu vực phạm vi 12 hải lý so với bãi đá Subi ở Biển Đông.
Mục đích trong hành động thách thức của Mỹ đối với Trung Quốc là nhằm duy trì sự tự do hàng hải, bảo đảm dòng chảy thương mại tự do ở một trong những khu vực biển sầm uất nhất thế giới. Mỹ muốn phát đi thông điệp cứng rắn với Trung Quốc rằng, họ không chấp nhận việc Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông và không công nhận đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở những khu vực đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông. Washington thẳng thừng tuyên bố, theo luật quốc tế, việc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực bãi đá trước đây từng bị ngập dưới mặt biển không giúp một quốc gia xác lập chủ quyền ở nơi đó.
Trước đó, Bắc Kinh đã miêu tả động thái của Washington là một sự phô trương sức mạnh và khuyên Mỹ nên nghĩ kỹ trước khi đưa tàu chiến vào khu vực gần với các đảo nhân tạo của họ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn xúc tiến kế hoạch của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng tuyên bố đầy cứng rắn rằng, Washington “sẽ đưa máy bay, tàu thuyền đến hoạt động ở bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép đồng thời sẽ thực hiện điều này ở bất kỳ nơi đâu và vào bất kỳ thời điểm nào theo sự lựa chọn của chúng tôi, không có ngoại lệ”.