Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi khẳng định nước này không bỏ qua phán quyết của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc khi dỡ bỏ lệnh tạm hoãn khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi
Philippines áp đặt lệnh tạm hoãn khai thác nói trên từ năm 2014, khi Manila kiện Trung Quốc về yêu sách của nước này ở Biển Đông. Vào ngày 12.7.2016, tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết cho vụ kiện, với nội dung bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Hồi năm ngoái, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho hay Bắc Kinh đề nghị để Manila kiểm soát cổ phần trong một liên doanh khai thác năng lượng ở Biển Đông nếu Philippines bỏ qua phán quyết nói trên.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với ABS-CBN News hôm 19.10, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi khẳng định khi dỡ bỏ lệnh tạm hoãn khai thác dầu khí ở Biển Đông, không có điều kiện nào được thiết lập và dù có đi theo khả năng khai thác dầu khí chung với Trung Quốc, Philippines vẫn không bỏ qua phán quyết về Biển Đông.
Ông Cusi cho biết thêm hiện còn tồn tại ít nhất 5 hợp đồng thăm dò dầu khí ở biển Tây Philippines, vùng biển Manila tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông. Những hợp đồng này do các công ty của Philippines thực hiện và đang tìm kiếm đối tác. Bộ Năng lượng Philippines cũng đã cho phép họ khôi phục lại công việc khai thác tại thực địa.
Khi được hỏi liệu những công ty Philippines thực hiện hợp đồng khai thác ở biển Tây Philippines có thể lập công ty liên doanh với các công ty Trung Quốc hay không, ông Cusi trả lời là “có thể”. Bộ trưởng Cusi còn nói Trung Quốc đã ra thông báo rằng Bắc Kinh đang hy vọng hai bên cùng nhau làm việc vì khai thác chung ở Biển Đông.
Trước đó, hàng loạt chuyên gia và quan chức Philippines lẫn quốc tế ra sức cảnh báo về những hậu quả khó lường đối với Philippines và cả khu vực liên quan kế hoạch khai thác dầu khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông. Họ cho rằng cái gật đầu của Manila sẽ khiến Bắc Kinh có thêm cơ sở để ép các bên khác trong khu vực chấp nhận đàm phán song phương và hiện thực hóa ý đồ “khai thác chung”, kể cả ở những khu vực không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.