Chưa có thời kỳ nào Mỹ và đồng minh tổ chức diễn tập trên biển nhiều đến vậy. Từ đầu năm đến trung tuần tháng 10/2020 Biển Đông đã chứng kiến 5 cuộc diễn tập lớn. Diễn tập không chỉ để diễu võ giương oai. Đằng sau đó là lời cảnh báo nghiêm khắc từ phía Mỹ đối với Trung Quốc.
Lời cảnh báo đó là: Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh nhất định sẽ bị chiến lược ngăn chặn của Washington đè bẹp.Theo thông cáo ngày 20/10 của Hải quân Mỹ:Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ cùng các tàu JS Kirisame của Nhật và HMAS Arunta (Úc) đã tiến hành tập trận phòng thủ trên Biển Đông ngày 19/10. Phạm vi tập trận trong khu vực phụ trách của Hạm đội 7 Mỹ.
Tàu chiến của 3 nước đã tham gia các khoa mục được thiết kế để tăng cường khả năng tập thể của các đồng minh trong việc duy trì an ninh hàng hải, sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào trong khu vực. Riêng tàu khu trục USS John S. McCain trước đó đã tiến hành các hoạt động bảođảmtự do hàng hải. Hành động này được xem là lời răn đe trước những yêu sách vô lý của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Có mặt trong cuộc diễn tập khổng lồ lần này, Nhật Bản cũng muốn thể hiện vai trò tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang ngày càng lớn. Hôm đầu tháng 10, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã đưa tàu sân bay trực thăng, khinh hạm và tàu ngầm đến Biển Đông diễn tập. Đây là biên đội từng tham giatuần tra răn đe trên Ấn Độ Dương.
Sự chủ động và hưởng ứng mạnh mẽ của Nhật Bản đã góp phần kéo các nước còn lại trong Đối thoại An ninh bốn bên Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ (QUAD)xích gần nhau. Trước đó, để nâng cấp quan hệ đối tác, Ấn Độ đã chính thức mời Úc tham gia tập trận hải quân Malabar.
Đối với Úc, sau 13 năm im hơi lặng tiếng (tính từ năm 2007), nay mới tham gia cuộc tập trận chung. Điều này khiếncác quan chức Bắc Kinh đổ mồ hôi hột. Rõ ràng QUAD đã gắn bó chặt chẽ, quyết tâm nỗ lực kiềm chế Trung Quốc. Trước đó, hôm 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds và người đồng cấp Nhật Bản Kishi Nobuo đã gặp nhau ở Nhật Bản.
Cuộc họp của hai bộ trưởng kết thúc với Tuyên bố chung: Cực lực phản đối các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể là, việc tiếp tục quân sự hóa các thực thể địa lý đang tranh chấp, sử dụng tàu tuần duyên và “lực lượng dân quân biển” một cách nguy hiểm cũng như các nỗ lực quấy rối các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác.
Hai bộ trưởng đã phản đối mạnh mẽ các nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng ép ở Biển Đông. Đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không.
Việc tập trận liên tiếp của Mỹ và đồng minh chứng tỏ rằng Mỹ đã có kế hoạch bài bản, lâu dài nhằm ngăn chặn chiến lược “bắp cải” của Trung Quốc trên Biển Đông. Về bước đi, theocác nhà bình luận quốc tế, trong ngắn hạn, hải quân Mỹ đã thể hiện sức mạnh để ngăn chặn Trung Quốc có những hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về trung hạn, Washington cảnh báo Trung Quốc không để cho tàu ngầm nước này tìm cách kiểm soát Biển Đông. Và để ngăn chặn, Mỹ cần chứng minh rằng tàu ngầm của Trung Quốc không đủ sức đối đầu với sức mạnh của hải quân Mỹ.
Về dài hạn, Mỹ đang tính toán, đưa ra những luận cứ và số liệu thuyết phục để chứng minh rằng, các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông chỉ là vô dụng. Các cuộc tập trận của Mỹ với sự tham gia của tàu sân bay, tàu ngầm và tàu chiến mang tên lửa hành trình Tomahawk cùng máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1 Lancer là thông điệp của Washington: Mỹ thừa sức vô hiệu hóa các cơ sở quân sự trên các thực thể, đá mà Trung Quốc đổ bao tiền của tôn tạo ở Biển Đông.
Ngoài ra, để làm ra vẻ “khách quan”, Mỹ còn thúc giục các nước trong và ngoài khu vực như Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản… tham gia các chuyến tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. Các cuộc tập trận chung của Mỹ với các đồng minh ở Biển Đông cũng diễn ra thường xuyên hơn.
Rõ ràng mục tiêu quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đang xung đột mạnh mẽ với chiến lược ngăn chặn của Mỹ. Khi những xung đột này không kiểm soát tốt sẽ là những đốm lửa của chiến tranh trên biển. Thế giới phải tìm cách khôn ngoan nhất không cho lò lửa chiến tranh bùng lên từ những đốm lửa ấy.