Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMục đích chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Pompeo là gì?

Mục đích chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Pompeo là gì?

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Hà Nội vào tối 29/10 để tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài đến chiều hôm sau. Chuyến đi ngắn, được thực hiện theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, dường như là kết quả của một quyết định vào phút chót.

Hà Nội ban đầu không nằm trong lịch trình chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Pompeo, bao gồm các điểm dừng chân ở Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia. Tuy nhiên, chuyến thăm vẫn là một biểu hiện khác cho thấy mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng chiến lược gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo Chính phủ Việt Nam, lý do chính thức cho chuyến thăm của ông Pompeo là để kỷ niệm 25 năm ngàybình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1995. Tuy nhiên, nếu xét chủ đề chính của chuyến công du khu vực của ông Pompeo cũng như lợi ích chung của cả hai nước, hai bên nhiều khả năng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế và chiến lược cũng như nhằm thúc đẩy hợp tác song phương phù hợp với tầm nhìn chung của hai bên về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.

Về kinh tế, bất chấp việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017, hai nước ngày càng trở thành đối tác quan trọng của nhau trong bốn năm qua, đặc biệt là về thương mại. Theo thống kê chính thức của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương đạt 75,7 tỷ đô la vào năm 2019, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ lên tới 61,3 tỷ đô la. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khúc mắc chính trong quan hệ kinh tế song phương hiện là thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Hoa Kỳ, điều đã khiến Washington áp mức thuế trừng phạt đối với một số sản phẩm của Việt Nam và tiến hành một cuộc điều tra về khả năng Việt Nam thao túng tiền tệ. Trong chuyến thăm của ông Pompeo, hai bên chắc chắn sẽ thảo luận về vấn đề này. Bộ trưởng Minh ​​sẽ giải thích với ông Pompeo rằng Việt Nam không tham gia thao túng tiền tệ, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói hồi đầu tuần, đồng thời hứa sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ để cải thiện cân bằng cán cân thương mại song phương.

Về mặt chiến lược, nhận thức chung của hai nước về mối đe dọa mà sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc gây ra, đặc biệt là ở Biển Đông, đã thúc đẩy họ xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây. Lộtrình chuyến công du của ông Pompeo cũng cho thấy Hoa Kỳ đang cố gắng xây dựng một mạng lưới các đồng minh và đối tác trong khu vực để hỗ trợ Washington thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do” (FOIP). Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Indonesia và Việt Nam đều là những quốc gia quan trọng trong khu vực về mặt chiến lược. Có quan hệ tốt với họ sẽ cho phép Hoa Kỳ duy trì ưu thế chiến lược và kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc. Ví dụ, ở Jakarta, ông Pompeo đã“khẳng định tầm nhìn của hai quốc gia về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”. Nhiều khả năng ông sẽ làm điều tương tự với người đồng cấp Việt Nam ở Hà Nội.

Nếu xét vị trí chiến lược, năng lực ngày càng tăng của Việt Nam và mối quan hệ đối địch lâu nay giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ rõ ràng coi Việt Nam là một mục tiêu phù hợp cần mời gọi tham gia vào mạng lưới đồng minh và đối tác khu vực mà họ đang xây dựng. Washington và các đối tác khác trong Bộ tứ (Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) sẽ muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Việt Nam và các nước khu vực “cùng chí hướng” để xây dựng nhóm “Bộ tứ mở rộng”, trong đó các nước Bộ tứ đóng vai trò chính trong việc kiểm soát tham vọng chiến lược của Trung Quốc trong khi các “thành viên mở rộng” cungcấp hỗ trợ cho họ bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào có thể.

Tuần trước, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông. Khi ở Hà Nội, Suga tuyên bố rằng Việt Nam “đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được tầm nhìn về ‘Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do’ và là đối tác giá trị của chúng tôi”. Trong chuyến thăm, hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh và đạt được thỏa thuận cơ bản cho phép Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Việt Nam. Điều này cho thấy Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể đang phối hợp cách tiếp cận của họ với Việt Nam nhằm thu hút Hà Nội tham gia một thỏa thuận “Bộ tứ mở rộng” như vậy. Mặc dù Việt Nam cảnh giác trước phản ứng của Trung Quốc, nhưng việc gia nhập không chính thức “Bộ tứ mở rộng” và tham gia các nỗ lực hợp tác có chọn lọcvới các thành viên, trên cơ sở song phương hoặc đa phương hẹp, sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với nỗ lực của Hà Nội nhằm cân bằng lại sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Một vấn đề có thể khiến Hà Nội quan ngại là viễn cảnh Tổng thống Donald Trump thất cử trong cuộc bầu cử tuần tới. Trong trường hợp đó, một số bất định có thể xuất hiện liên quan đến sự can dự của Hoa Kỳ trong tương lai đối với khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó, hầu hết các nhà phân tích tin rằng mặc dù chính quyền Biden có thể đưa ra một số thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á, nhưng những thay đổi đó chủ yếu sẽ là về mặt hình thức hơn là thực chất. Sự đồng thuận của lưỡng đảng rằng Trung Quốc gây ra mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với Hoa Kỳ đảm bảo rằng chiến lược FOIP, cũng như các nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng Bộ tứ và mạng lưới các đồng minh và đối tác đi kèm, rất nhiều khả năng sẽ được duy trì. Tương tự, quan hệ Việt – Mỹ có thể sẽ tiếp tục được cải thiện bất kể ai là người giành được Nhà Trắng.

Tuy vậy, việc cùng nhau hợp tác để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương và “khoá chốt” những tiến triển gần đây trong quan hệ chiến lược vẫn có vai trò quan trọng đối với cả hai chính phủ để phòng ngừa những bất định trong tương lai. Chuyến thăm của ông Pompeo tới Hà Nội hôm nay là một bước đi đúng theo hướng đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới