Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững dự án năng lượng "khủng" mà Nhật định đầu tư ở...

Những dự án năng lượng “khủng” mà Nhật định đầu tư ở VN

‘Đại gia’ Nhật Bản muốn đầu tư dự án điện khí gần 3,2 tỷ USD ở Vân Phong; 2 dự án điện gió 21.000 tỷ đồng tại Hà Tĩnh được đề xuất bổ sung quy hoạch… là những thông tin về năng lượng được quan tâm nhất trong tuần qua.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu vấn đề do VietnamFinance phản ánh về tư nhân tham gia truyền tải điện

Ngày 29/10/2020, VietnamFinance đã có bài viết về vấn đê tư nhân tham gia vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Bài viết có nhấn mạnh: việc tư nhân tham gia đầu tư hệ thống truyền tải điện cần có quy định cụ thể, bởi nếu có quá nhiều thành phần tham gia thì mức độ nguy cơ sự cố càng lớn.

Cụ thể, tại tọa đàm “Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo”, tổ chức vào sáng 29/10, ông Nguyễn Ngọc Tân (thành viên HĐTV, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia – EVNNPT) cho biết theo Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, việc tư nhân tham gia vào quá trình truyền tải điện là không bị cấm.

Theo đó, Nghị quyết 55 khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước để đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của nhà nước;

Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác sử dụng cơ sở vật chất dịch vụ năng lượng, bao gồm hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Theo ông Tân, chiến lược phát triển đến năm 2030 đã đặt mục tiêu sản lượng điện của Việt Nam phải đạt từ 550 – 600 tỷ KWh, so với hiện tại là tăng gấp 3 lần. Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu truyền tải điện thì nhu cầu đầu tư là rất lớn. Do đó, nhà đầu tư tư nhân hoàn toàn có thể tham gia và phát triển được.

“Tuy nhiên, đừng để đường cao tốc thành đường làng xã. Bởi càng nhiều thành phần tham gia vào hệ thống truyền tải điện thì mức độ nguy cơ sự cố càng lớn”, ông Nguyễn Ngọc Tân nói.

Liên quan đến phản ánh này của VietnamFinance, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương nghiên cứu và đánh giá.

‘Đại gia’ Nhật Bản muốn đầu tư dự án điện khí gần 3,2 tỷ USD ở Vân Phong

Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, đại diện Công ty Phát triển điện lực J-Power (Nhật Bản) đã trình bày về dự án nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Vân Phong.

Theo vị đại diện, nhà máy điện khí này có công suất 3.000MW, sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp Ninh Thủy (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) với tổng diện tích khoảng 40ha, tổng mức đầu tư gần 3,2 tỷ USD.

Dự án chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 triển khai nhà máy với 2 tổ máy có tổng công suất 1.500MW, vận hành thương mại vào năm 2025; giai đoạn 2 có công suất 1.500MW và vận hành thương mại sau năm 2028.

Nguồn nguyên liệu chính là khí hóa lỏng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một phần nhập khẩu; lượng khí tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn/năm (giai đoạn 1). Nguyên liệu phụ của nhà máy là dầu diesel với tổng mức tiêu thụ 20.000m3/năm và được cung cấp từ các công ty lọc hóa dầu Việt Nam.

2 dự án điện gió 21.000 tỷ đồng tại Hà Tĩnh được đề xuất bổ sung quy hoạch

Dự án điện gió (4 nhà máy) có công suất 403,2MW, tổng mức đầu tư 16.206,9 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Miền Trung MK và cụm dự án điện gió trên 4.900 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Năng lượng Phước Trung vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, dự án điện gió có tổng mức đầu tư 16.206,9 tỷ đồng là của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Miền Trung MK, được đầu tư cả trên đất liền và trên biển ở các xã Kỳ Khang, xã Kỳ Phú thuộc huyện Kỳ Anh.

Diện tích đất cho khảo sát, nghiên cứu đầu tư khoảng 2.800ha; diện tích đất sử dụng có thời hạn để xây dựng dự án là 34,25ha (chiếm 1,2% diện tích khảo sát, nghiên cứu)…

Dự án bao gồm 4 nhà máy với tổng công suất 403,2MW, sản lượng điện phát lên lưới của toàn bộ dự án là 1.139 GWh/năm. Thời gian vận hành dự án bắt đầu từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023.

Đối với cụm dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh, dự án này do Công ty Cổ phần Năng lượng Phước Trung đề xuất xây dựng tại xã Kỳ Tân, Kỳ Tây, Lâm Hợp và Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; tổng mức đầu tư 4.915 tỷ đồng, trong đó 30% của doanh nghiệp, 70% huy động từ nguồn vay tín dụng các ngân hàng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ, 2 dự án này nằm trong tổng số 74 dự án với tổng công suất khoảng 6.400MW trên cả nước được đề xuất bổ sung thêm vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Huế sắp có nhà máy điện khí LNG 6 tỷ USD

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc gặp với nhà đầu tư, đối tác của dự án nhà máy điện khí Chân Mây LNG hôm 7/11.

Nhà máy điện này do Công ty cổ phần Chân Mây LNG đầu tư và phát triển. Đây là dự án điện độc lập (IPP), tức không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực. Dự án có vốn sở hữu 60% của Mỹ và 40% của Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, dự tính hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.

Nhà máy điện khí LNG Chân Mây được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nhà đầu tư sẽ xây dựng 3 tổ máy với tổng công suất 2.400MW, và dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2024-2026. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng 2 tổ máy với tổng công suất 1.600MW, vận hành thương mại giai đoạn 2026-2028. Sản lượng điện trung bình hằng năm cho 1 tổ máy 4.800 triệu kWh.

Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chân Mây LNG cho biết công ty đã huy động đủ tài chính, công nghệ, các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đầu tư, thiết kế xây dựng nhà máy. Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ từ tỉnh, các đối tác nhằm sớm bắt tay vào công việc.

Hà Tĩnh đề xuất Chính phủ chuyển đổi Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 từ than sang khí LNG

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cho biết theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, khu kinh tế Vũng Áng được quy hoạch 4 dự án nhà máy nhiệt điện than gồm nhiệt điện Formosa, Vũng Áng I, Vũng Áng II và Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 – Hà Tĩnh (gồm 2 nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.1 và nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.2).

Hiện nay, dự án nhiệt điện Vũng Áng I (1.200MW) và nhiệt điện Formosa (650MW) đã đi vào vận hành, khai thác với tổng công suất là 1.850MW (trong quy hoạch là 2.450MW); dự án nhà máy nhiệt điện II (1200MW) đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công.

Riêng dự án trung tâm điện lực Vũng Áng 3 – Hà Tĩnh (nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.1 và nhà máy nhiện điện Vũng Áng 3.2) công suất 2.400MW, hiện nay chưa có nhà đầu tư.

Tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất chuyển đổi công nghệ dự án trung tâm điện lực Vũng Áng 3 gồm nhà máy nhiện điệt Vũng Áng 3.1 có công suất 02x600MW và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.2 có công suất 02x600MW), sử dụng nhiên liệu than trong quy hoạch điện VII điều chỉnh sang nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG.

Điều chỉnh quy mô công suất nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.1 công suất 02x600MW (1.200 MW) sử dụng nhiên liệu than, vận hành vào năm 2024-2025 sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG công suất 02x750MW (1.500 MW) vận hành vào năm 2025.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.2 công suất 02×600 MW (1.200MW) sử dụng nhiên liệu than, vận hành vào năm 2029-2030 sang sử dụng nhiên liệu khí nhiên thiên hóa lỏng LNG công suất 02x750MW (1.500 MW) vận hành vào năm 2029-2030; xem xét mở rộng quy mô thêm 1.500MW giai đoạn sau năm 2030.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: ‘Dự án thủy điện dùng chỉ 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ’

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước.

“Nhưng nếu chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững của đất nước, chưa kể đến những dị thường cũng như tính cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ”, Bộ trưởng nói.

Vì vậy, trong việc lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện 8), Bộ trưởng cho biết sẽ cập nhật và quy định rất rõ rằng bất kỳ dự án thủy điện ở quy mô nào sử dụng dù chỉ 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn nữa.

“Thời gian tới sẽ rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho dừng các dự án có nguy cơ quá nhỏ và không có ý nghĩa với ngành điện”, Bộ trưởng khẳng định

RELATED ARTICLES

Tin mới