Không đến mức “vô giá trị”, nhưng diễn biến thực tế những năm qua cho thấy, tác dụng của DOC đối với việc hạ nhiệt, xử lý các vấn đề phức tạp trên Biển Đông rất hạn chế. Vì lẽ đó, COC là điều mà các nước ASEAN luôn mong muốn và kỳ vọng. Nhưng…
Đại sứ Brunei (trái) tiếp nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc
Chiều ngày 15/11/2020, tại lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam Pengiran Haji Sahari bin Pengiran Haji Salleh – sự kiện đánh dấu việc chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN năm 2021 cho Brunei. Quốc gia dầu mỏ Brunei sẽ đảm nhận chức ASEAN từ ngày 1/1 đến 31/12/2021. Chủ đề năm ASEAN 2021 đã được xác định, là: “Chúng ta quan tâm. Chúng ta sẵn sàng. Chúng ta thịnh vượng”.
Việt Nam từng được các nước trong khu vực, cũng như cộng đồng quốc tế, đặt nhiều kỳ vọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Trong thực tế, với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, quốc gia hình chữ S đã có nhiều nỗ lực, được cộng đồng khu vực ghi nhận. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, Việt Nam, một mặt chứng tỏ bản lĩnh, phản ứng nhạy bén, khống chế, kiểm soát dịch một cách hiệu quả; mặt khác, trong vai trò điều phối, đã chủ động đề xuất các sáng kiến có giá trị để cộng động ASEAN xử lý kịp thời và thích ứng với tình hình mới do đại dịch tác động và gây ra.
Tuy nhiên, một trong những kỳ vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ của Việt Nam, là thúc đẩy tiến độ xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). COC quan trọng với Biển Đông thế nào, ai cũng biết, trước sự hạn chế, kém hiệu lực do thiếu tính ràng buộc của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong việc giải quyết những bất đồng trong vùng biển này. Là nước va chạm thường xuyên, nhiều nhất với Trung Quốc, Việt Nam càng ý thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cấp thiết của một COC với tính ràng buộc pháp lý. Bởi điều đó tạo cơ sở nền tảng trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông, thiết lập trật tự dựa trên luật pháp và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Ngay trong đại dịch Covid -19, Việt Nam vẫn khẳng định COC là “ưu tiên của ASEAN”. Hà Nội đã chủ động đề xuất thực hiện được một số cuộc họp trực tuyến bàn về cách thức, nhất là giải pháp nối lại các đàm phán, cùng các mục tiêu, vấn đề liên quan khác.
Vậy mà, tận lúc này – cuối nhiệm kỳ – một bước nhích cho tiến độ xây dựng COC vẫn chỉ nằm trong lời kêu gọi, như trong phát biểu của ông Phạm Bình Minh, ngoại trưởng Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Liên hợp quốc, ngày 21/10, chứ chưa thể có trong thực tế.
Tại sao vậy? Câu trả lời không khó. ASEAN sốt ruột, nhưng Trung Quốc – bên đàm phán với các nước ASEAN, – thì đủng đỉnh, dền dứ, dù tháng 8/2020, ngoại trưởng Trung Quốc – ông Vương Nghị từng nói rằng ông hy vọng COC sẽ được hoàn tất vào năm 2021. Điều đó thể hiện ít nhất ở 2 điểm.
Thứ nhất, COC vẫn chỉ đang được đàm phán giữa các nhóm làm việc cấp thấp ASEAN với Trung Quốc. Nó khiến tiến trình trở nên vô cùng chậm chạp, do đụng đến bất kỳ vấn đề nào cũng cần “báo cáo cấp có thẩm quyền”. Tất nhiên, phía các nước ASEAN thừa hiểu lý do thực sự: Trung Quốc coi “đàm phán cấp thấp” như một giải pháp câu giờ.
Thứ hai, điểm mấu chốt để có thể tạo bước ngoặt trong đàm phán COC là câu chuyện “quyền lịch sử”. Các quốc gia ven biển không chấp nhận yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” gắn với cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc khăng khăng đòi hỏi một cách ngang ngược. Năm 2017, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, và gần đây, tháng 7/2020, tuyên bố của Mỹ, cũng đã bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” này. Trong khi đó, bất chấp tất cả, Trung Quốc kiên quyết không nhân nhượng. Sự xung đột về quan điểm đối với một vấn đề cơ bản nhất đã khiến tiến độ đàm phán và xây dựng COC không thể tiến triển trong nhiều năm nay.
Kết thúc năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã vậy. Năm 2021 tới lượt Brunei, liệu người ta có thể trông đợi một bước nhích trong đàm phán COC?
Là một bên trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, tuy nhiên, quốc gia giàu có này, lâu nay, gần như chẳng mấy khi tỏ thái độ. Lý do: họ theo đuổi đường lối ngoại giao cân bằng giữa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của chính mình, với việc tiếp tục mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc. Mãi gần đây, sau tuyên bố của Mỹ ngày 13/7, Brunei mới có một động thái được coi là “phá vỡ im lặng”: ra một tuyên bố hai mặt: vừa “a dua” với Mỹ (dù không nêu cụ thể động thái của Mỹ); vừa ủng hộ quan điểm “đàm phán song phương” của Trung Quốc giữa các quốc gia về những vấn đề liên quan trong tranh chấp trên Biển Đông.
Vậy nên, “vụ COC” mà đặt niềm tin vào Brunei ư? Khó đấy.