Thursday, December 19, 2024
Trang chủĐàm luậnPhilippines thành lập lực lượng bán quân sự đối phó với chiến...

Philippines thành lập lực lượng bán quân sự đối phó với chiến lược vùng xám của Bắc Kinh

Việc Trung Quốc gia tăng sử dụng lực lượng bán quân sự trong chiến lược “vùng xám” để khẳng định các yêu sách chủ quyền của mình, từng bước khống chế, độc chiểm Biển Đông đang tạo ra một cuộc chạy đua “vùng xám” ở Biển Đông. Chính việc Bắc Kinh đưa lực lượng bán quân sự, bao gồm tàu hải cảnh, tàu của lực lượng dân quân biển, tàu cá có vũ trang hộ tống các tàu khảo sát xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng ven Biển Đông đã buộc các nước này phải tính đến việc thành lập một lực lượng tương tự để ứng phó.

Hoạt động của các tàu cá và lực lượng bán quân sự gia tăng hoạt động trên Biển Đông dẫn đến nhiều lo ngại, chủ yếu liên quan 2 lĩnh vực. Thứ nhất là tình trạng đánh bắt trái phép bằng cách tận diệt trong vùng biển của các quốc gia khác, dẫn đến cạn kiệt hải sản. Thứ hai là hoạt động của nhiều tàu cá trá hình thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) (Mỹ) chỉ rõ: “Một loại đội tàu cá khác có tham gia hoạt động bán quân sự thay mặt cho nhà nước thay vì đánh cá thương mại đã trở thành lực lượng lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Các hoạt động của dân quân được ghi chép rõ ràng: Họ tham gia tuần tra, giám sát, tiếp tế… để tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bắc Kinh không giấu giếm sự tồn tại của lực lượng này và một số ngư dân được đào tạo, trang bị tốt nhất để quấy rối tàu nước khác”, thậm chí lực lượng này đã đe dọa cả tàu của Mỹ.

Năm 2009, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã bao vây tàu USNS Impeccable của Mỹ khi tàu này khảo sát quân sự ở vùng biển ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc. Một hỗn hợp tàu Trung Quốc, gồm tàu đánh cá bằng lưới rà thuộc lực lượng dân quân biển và các tàu của chính phủ, đe dọa cắt dây cáp kéo theo tàu phụ trợ của Mỹ trên vùng biển quốc tế.

Vào năm 2012, các tàu cá loại này cũng phối hợp với tàu hải cảnh của Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough ở Biển Đông từ phía Philippines. Năm 2014, nhiều tàu cá Trung Quốc đã hộ tống giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 xâm phạm trái phép EEZ của Việt Nam. Trong mấy năm gần đây, hoạt động của lực lượng bán quân sự Trung Quốc trên Biển Đông đã gia tăng một cách khủng khiếp. Các tàu cá trá hình của dân quân biển Trung Quốc đi theo cùng các tàu thăm dò và tàu hải cảnh Trung Quốc quấy phá hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên của các nước láng giềng ven Biển Đông. Năm 2019, lực lượng bán quân sự của Trung Quốc đã liên tiếp xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam suốt gần 4 tháng liền (từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10).

Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng bán quân sự để chặn các chuyến hàng tiếp tế và vật liệu xây dựng đến đảo Thị Tứ, nơi Philippines vẫn duy trì sự hiện diện quân sự và một đường băng thô sơ mà nước này đang tìm cách nâng cấp. Đầu năm 2019, Trung Quốc cho hàng trăm tàu cá dân binh bao vây quanh đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta Tây (Loaita Cay) và Loại Ta (Loaita Island) cũng do Philippines chiếm đóng, có lúc số tàu Trung Quốc lên tới trên 270 tàu.

Lực lượng bán quân sự của Trung Quốc còn tham gia ngăn cản Philippines tiếp tế ra chiếc tàu được coi là căn cứ đồn trú của một tiểu đội thủy quân lục chiến Philippines trên bãi Cỏ Mây từ năm 1999. Tàu Trung Quốc cũng đã đâm chìm tàu cá của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, rồi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines lênh đênh trên biển hồi tháng 6/2019. Philippines đang nỗ lực để củng cố khả năng phòng thủ sau khi tiếp tục bị Trung Quốc áp dụng các chiến thuật đe dọa ở vùng biển mà Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã ra phán quyết thuộc quyền chủ quyền Philippines, bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh. Đây chính là nguyên nhân buộc chính quyền Manila phải cân nhắc việc thành lập lực lượng dân quân biển của mình.

Trước những hành động hung hăng hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines hiện đang chuyển hướng thành lập lực lượng dân quân biển của riêng mình, được gọi là Lực lượng Hỗ trợ Tích cực Cafgu (CAAS), để bảo vệ lợi ích của nước này ở các vùng biển lân cận, bao gồm cả trong EEZ rộng lớn của Philippines. Các nhà nghiên cứu quốc tế nhận định động thái này của Philippines, nếu được chấp thuận, sẽ nhằm đáp trả việc Trung Quốc tăng cường sử dụng các lực lượng bán quân sự, trong đó có nhiều tàu nhỏ để xâm phạm một cách có hệ thống các đảo tranh chấp và những địa điểm chiến lược, cũng như nhằm xâm phạm sâu hơn vào các vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Trong một phát biểu gần đây trước Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết “phía bên kia” – tức Trung Quốc – “đang lợi dụng cái mà chúng tôi gọi là ‘dân quân dân sự’ nhưng thực chất là một phần của Hải quân Trung Quốc… Họ cũng đang đánh bắt cá, đóng vai ngư dân và đánh cá bằng tàu lớn”. Còn Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tháng 10 vừa qua đã tuyên bố quốc gia này đang có kế hoạch huy động đông đảo tàu biển tới hiện diện tại nhiều khu vực ở vùng biển tranh chấp. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc về những hoạt động đánh bắt cá “trái phép” ở Thái Bình Dương.

Để lên án việc Trung Quốc gia tăng sử dụng dân quân biển, trong bài phát biểu trực tuyến trước Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố “kiên quyết bác bỏ những nỗ lực làm suy yếu” các yêu sách hàng hải của Philippines; đồng thời nhấn mạnh nhu cầu chiến lược về việc tăng cường các lực lượng chống lại sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Phó Đô đốc Giovanni Carlo Bacordo, Tư lệnh Hải quân Philippines, đã nổi lên như một tiếng nói nhất quán hàng đầu trong giới lãnh đạo cấp cao Philippines khi đưa ra lập trường cứng rắn hơn chống Trung Quốc thông qua việc hình thành lực lượng mà ông gọi là lực lượng dân quân biển. Bình luận về việc thành lập CAAS, người đứng đầu hải quân Philippines nói: “Đó là một biện pháp ngăn chặn nhằm khỏa lấp những nơi chúng tôi không có lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển”. Ông cho biết thêm, lực lượng mới sẽ được tuyển chọn từ Lục quân Philippines, nhưng được đào tạo bởi Hải quân Philippines, đặc biệt là các đơn vị hải quân Bắc Luzon và hải quân miền Tây. Cả hai đơn vị hải quân này đều trên tuyến đầu trong các tranh chấp ở Biển Đông. Hải quân Philippines cũng cho biết các lực lượng dân quân sẽ có một khu vực hoạt động cụ thể (về mặt địa lý) để đảm bảo “hiệu quả tối đa” và ngăn chặn các hoạt động giả mạo có thể xảy ra. 

Có thể thấy rằng việc thành lập lực lượng bán quân sự của Philippines là một yêu cầu cấp bách nhằm đối phó với chiến lược “vùng xám” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về các lực lượng dân quân có thể sẽ thuộc về Tổng thống Duterte, người có thái độ “nóng lạnh” thất thường về cách đối phó với sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở vùng biển Philippines trong giai đoạn ông được cho là thân thiện với Trung Quốc. Phát biểu với báo giới sau các cuộc tham vấn gần đây với Tổng thống Duterte, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana nói: “Tổng thống nói rằng chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng để thực thi điều đó. Ông ấy nói chúng tôi nên hoãn kế hoạch này vì không có ngân sách”.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định không sớm thì muộn Philippines sẽ phải thành lập lực lượng bán quân sự trên Biển Đông để ứng phó với tình hình mới bởi lẽ:

Thứ nhất, Philippines không phải là nước đầu tiên trong khu vực cân nhắc việc thành lập lực lượng bán quân sự trên biển. Họ đã có Việt Nam đi trước, cách tiếp cận và mô hình của Hà Nội có thể là một kinh nghiệp cho Manila tham khảo. Với quan điểm sẵn có về lực lượng dân quân trong các cuộc chiến tranh triền miên trong thế kỷ 20 do vậy mà Hà Nội nhanh chóng có cách tiếp cận đối với việc sử dụng lực lượng dân quân trong đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước năm 2009, ở Việt Nam chưa có khái niệm “dân quân tự vệ biển” mà chỉ tồn tại các đơn vị dân quân hoạt động tại các tỉnh ven biển, không phân biệt nội dung nhiệm vụ. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Luật Dân quân Tự vệ 2009 của Việt Nam đã lần đầu tiên đưa vào khái niệm “dân quân tự vệ biển” mở đường cho việc thành lập lực lượng dân quân biển của Việt Nam.

Năm 2019 Luật Dân quân Tự vệ Việt Nam được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới. Theo đó, nội dung về “dân quân tự vệ biển” được cụ thể hóa thêm một bước với quy định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tổ chức hải đội dân quân thường trực, tạo sơ sở pháp lý để các địa phương ven biển Việt Nam thành lập lực lượng “dân quân tự vệ biển”. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một phần trong cách tiếp cận “toàn dân” hoặc “chiến tranh nhân dân trên biển” đối với những chiến lược hàng hải ngày càng có nhiều rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ đối đầu.

Thứ hai, Mỹ đang tích cực triển khai lực lượng bán quân sự hoạt động ở Biển Đông. Năm 2019, Mỹ đưa các tàu chiến đấu ven bờ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ đến đồn trú ở Singapore để tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) Biển Đông cùng lực lượng hải quân Mỹ. Các tàu chiến đấu ven bờ của Mỹ đã được điều tới tham gia FONOPs tại khu vực quần đảo Trường Sa và hoạt động gần khu vực tàu khoan của Malaysia hoạt động ở Biển Đông.

Mới đây nhất, Mỹ tuyên bố sẽ thiết lập các căn cứ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ tại Tây Thái Bình Dương nhằm đối phó với những hoạt động bất hợp pháp, cưỡng ép các nước láng giềng của lực lượng bán quân sự Trung Quốc (bao gồm tàu hải cảnh, tàu dân quân biển…). Động thái này của Mỹ chắc chắn có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy Philippines thành lập lực lượng bán quân sự trên biển.

Ngay sau khi Lực lượng Tuần duyên Mỹ ra báo cáo chỉ trích Bắc Kinh về những hoạt động đánh bắt cá “trái phép” ở Thái Bình Dương và tuyên bố thành lập căn cứ ở Tây Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã khẳng định quốc gia này đang có kế hoạch huy động đông đảo tàu biển tới hiện diện tại nhiều khu vực ở vùng biển tranh chấp. Phát biểu này là dấu hiệu cho thấy Philippines đang nghiêm túc cân nhắc việc thành lập lực lượng bán quân sự trên biển bất chấp những khó khăn về tài chính mà Philippines đang phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Việt Nam và Philippines là 2 nước chịu sức ép lớn nhất từ các hoạt động xâm lấn, nhất là của lực lượng bán quân sự của Trung Quốc. Trong khi Việt Nam đã thành lập lượng lượng “dân quân biển” thì sớm muộn lực lượng này sẽ được hình thành ở Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới