Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinNATO ngày càng 'dè chừng' TQ

NATO ngày càng ‘dè chừng’ TQ

Với NATO, Trung Quốc hiện chưa phải mối đe dọa khẩn cấp như Nga, nhưng là thách thức đáng lo ngại khi Bắc Kinh ngày càng tăng sức ảnh hưởng.

Đây là kết luận của một nhóm cố vấn độc lập do Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ủy nhiệm để xem xét các củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Đánh giá được nêu ra trong báo cáo NATO 2030 phản ánh quan điểm của châu Âu về Trung Quốc đã thay đổi nhiều và theo hướng tiêu cực hơn trong năm qua. Thay đổi này được thúc đẩy bởi nhiều mối quan ngại về Trung Quốc, từ tiến bộ công nghệ và việc chậm mở cửa với công ty nước ngoài, cho tới ảnh hưởng địa chính trị trong nhóm nước đang phát triển. Đồng thời thay đổi cũng khiến châu Âu có quan điểm về Trung Quốc giống Mỹ hơn.

Phần lớn chính trị gia châu Âu đều ít chỉ trích Trung Quốc hơn các chính trị gia Mỹ, đặc biệt là trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Trong khi mối quan hệ Mỹ – Trung có nhiều căng thẳng trong những năm gần đây, liên quan tới cuộc chiến thương mại và nhiều vấn đề khác như Biển Đông, châu Âu lại tập trung tìm cách tháo gỡ những nút thắt về kinh tế và đầu tư.

Nhưng trong hai năm qua, Mỹ đã từng bước vận động các đối tác châu Âu, nhiều nước trong số đó là thành viên của NATO, về vấn đề công nghệ 5G của Trung Quốc. Một trong các cáo buộc chủ yếu của Mỹ là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia và việc chia sẻ tình báo xuyên Đại Tây Dương.

Tới năm 2020, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu phân loại Trung Quốc là đối thủ chiến lược và các lãnh đạo NATO, gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã xem Bắc Kinh như mối đe dọa.

Vào thời điểm đó, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội của châu Âu quan tâm nhiều tới vấn đề Trung Quốc, nhưng gần đây, các bộ trưởng quốc phòng EU, thành phần quan trọng của NATO, đã có giọng điệu cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Nổi bật trong các tiếng nói đó là Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, người từng kêu gọi thiết lập liên minh xuyên Đại Tây Dương với Mỹ để cùng đối đầu Trung Quốc.

Dù chưa phải mối đe dọa quân sự trực tiếp, Trung Quốc giờ không chỉ còn là một đối tác kinh tế đơn thuần, theo báo cáo NATO 2030 công bố tuần trước.

“Phạm vi quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức thật sự đối với các xã hội dân chủ và cởi mở, đặc biệt là lộ trình để mở rộng tham vọng về lãnh thổ”, báo cáo nêu rõ.

Giáo sư Luis Simon, chuyên gia NATO tại Đại học Tự do Brussels và Viện Nghiên cứu Hoàng gia Elcano, nói rằng báo cáo cho thấy cạnh tranh với Trung Quốc không chỉ đơn giản là về khía cạnh sức mạnh đơn thuần giữa Bắc Kinh và Washington, mà đó còn là về hệ tư tưởng lớn hơn.

“Thật tình cờ, nó đã cho phép chuyển từ đối đầu Mỹ – Trung sang đối đầu giữa phương Tây và Trung Quốc”, Simon nói.

Với Bắc Kinh, nhận xét đáng ngạc nhiên nhất trong báo cáo của NATO là việc đề cập tới Trung Quốc như mối đe dọa mà châu Âu đang đối mặt, theo một nguồn tin thân cận với phái đoàn Trung Quốc ở EU. Cả EU và NATO đều có trụ sở ở Brussels. Tất cả thành viên NATO, từ Mỹ và Canada, đều ở châu Âu.

“Châu Âu vẫn chưa thực sự coi Trung Quốc là mối đe dọa. Nó có thể là sau này”, Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc tại Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Paris, Pháp, nói. “Nhưng chắc chắn, Trung Quốc đang trở thành vấn đề đáng quan tâm vì năng lực quân sự của Trung Quốc đang tiến gần châu Âu, từ các lĩnh vực Bắc Cực cho tới Địa Trung Hải, cũng như không gian mạng và vũ trụ”.

Tổng thư ký NATO đã công khai đề cập tới mối đe dọa này trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Đức hồi tháng 6. “Một điều rõ ràng: Trung Quốc đang tiến sát tới ngưỡng cửa châu Âu. Các đồng minh NATO phải cùng nhau đối mặt với thách thức đó”, ông nói.

“Đã đến lúc phải tìm ra một công thức mới dựa trên quy mô của NATO, phạm vi hoạt động và cách công nghệ thay đổi các cuộc chiến tranh hiện đại”, Anders Fogh Rasmussen, người tiền nhiệm của Stoltenberg, phát biểu sau khi báo cáo được công bố.

Rasmussen thêm rằng trước một Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng và có nhiều động thái quan ngại, “liên minh cần tìm những cách hợp tác mới để tăng khả năng bảo vệ và tự cường”.

“Thông điệp lớn ở đây là NATO phải tự thích ứng với kỷ nguyên của cạnh tranh quyền lực lớn, không chỉ bao gồm Nga mà cả Trung Quốc”, West Mitchell, cựu quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách về châu Âu từ năm 2017 tới 2019, đồng thời là đồng chủ tịch nhóm soạn thảo báo cáo, nói.

Để đạt được mục tiêu đó, châu Âu phải tích cực cải thiện mối quan hệ với Mỹ hậu bầu cử, khi Joe Biden trở thành tổng thống tiếp theo ở Nhà Trắng, dù trọng tâm chính sách cho tới nay vẫn là các thách thức phi quân sự của Trung Quốc.

Trong nỗ lực nhằm giảm bớt quan điểm tiêu cực của châu Âu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh yêu cầu NATO cần có “hiểu biết đúng” về quốc gia của bà. Song những căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực có thể gây ảnh hưởng xấu tới “hiểu biết” này.

Cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm nay đã góp phần khiến quan điểm của châu Âu trở nên cứng rắn hơn, đặc biệt khi nó xảy ra vào cùng thời điểm EU bắt đầu quan tâm tới lợi ích ngoại giao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, Ấn Độ được xem là đối tác có cùng chí hướng với châu Âu trong số các quốc gia dân chủ ở châu Á.

Thậm chí báo cáo của NATO cũng đề xuất rằng hiệp hội này nên xây dựng mối quan hệ đối tác với Ấn Độ trong tương lai. Vào thời điểm xung đột Trung – Ấn hồi tháng 5, tất cả 27 lãnh đạo EU đã xác nhận sẽ họp thượng đỉnh với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Porto, khi Bồ Đào Nha đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 1/2021.

Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh dự kiến giữa 27 lãnh đạo EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thành phố Leipzig, Đức đã không thể diễn ra.

“Trong các vấn đề chính sách đối ngoại, viên ngọc quý của nhiệm kỳ chủ tịch EC của Bồ Đào Nha sẽ là hội nghị thượng đỉnh với Modi”, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa nói hồi háng 11. “Đây là cuộc gặp mà tôi cho có tầm quan trọng hàng đầu đối với châu Âu, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối với cả khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

RELATED ARTICLES

Tin mới