Tờ Benar News cho rằng sẽ có nhiều sự tiếp nối hơn là thay đổi trong chính sách của Mỹ về biển biển Đông dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm
Theo Benar News (Mỹ), dựa vào các tuyên bố mới đây của Tổng thống đắc cử Joe Biden và các cố vấn thân cận của ông, trong bối cảnh hai chính đảng lớn của Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, thì chính sách đối với vấn đề Biển Đông vẫn là sự tiếp nối từ thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng tin rằng dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden, Mỹ sẽ theo đuổi nhiều chính sách ngoại giao hướng tới khu vực này hơn.
Trong chiến dịch bầu cử vừa qua tại Mỹ, các vấn đề chính sách đối ngoại ít được chú ý. Điều này khiến các nhà quan sát khó có thể đoán được Tổng thống đắc cử Biden sẽ tiếp cận như thế nào đối với các tuyên bố ngày càng mang tính bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông trong 4 năm tới. Mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Chiến lược an ninh quốc gia mới – bản đánh giá chính sách liên ngành – được công bố trong vòng 150 ngày sau khi tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức ngày 20/01/2021.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, cho biết ông không mong chờ một sự thay đổi triệt để trong cách tiếp cận của Mỹ – với đặc trưng dưới thời Donald Trump là tăng cường các cuộc tập trận trong khuôn khổ Chiến dịch thực thi tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông và một lập trường ngoại giao mạnh mẽ hơn trước các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp.
Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến mới đây, Giáo sư Thayer cho hay: “Chiến lược này vẫn sẽ tồn tại và lợi ích quốc gia rõ ràng sẽ không thay đổi bởi ông Trump không còn là Tổng thống Mỹ”. Ông cho rằng chiến lược này sẽ tiếp tục với cường độ và phạm vi sẽ được xác định sau khi bản đánh giá chính sách liên ngành nói trên được công bố.
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Mỹ hiện có khoảng 208 tỷ USD hàng hóa được vận chuyển hàng năm qua khu vực biển Đông. Việc Trung Quốc quân sự hóa bất hợp pháp trong khu vực đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn thương mại trong bối cảnh các tàu tuần duyên và lực lượng dân quân biển của nước này thường xuyên xâm phạm vùng biển của các bên tranh chấp khác.
Giáo sư Amitav Acharya thuộc Đại học Washington, cho hay: “Cảm nhận của tôi là chính quyền mới sẽ tiếp tục chính sách quân sự hiện nay”. Ông ám chỉ việc Mỹ sẽ tiếp tục FONOP và các chương trình hỗ trợ quân sự cho các nước liên quan ở khu vực.
Tăng cường cam kết với ASEAN
Giáo sư Thayer dự đoán cách tiếp cận chính sách của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ trật tự hơn và chính quyền của ông sẽ tăng cường tiếp cận cấp cao với ASEAN. Giáo sư Thayer đánh giá: “Tân Tổng thống sẽ chia sẻ với các nhà lãnh đạo ASEAN và tôi nghĩ điều đó sẽ làm thay đổi toàn bộ bầu không khí hiện nay”.
Trong suốt 8 năm cầm quyền trước đó, Tổng thống Barack Obama thường xuyên tham dự Hội nghị cấp cao hàng năm của ASEAN. Trong khi ông Trump không tham dự những hội nghị này; không bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN trong 4 năm cầm quyền.
Tuy nhiên, mặc dù cam kết cấp cao của chính quyền Trump với ASEAN bị chỉ trích là nửa vời, nhưng Mỹ đã triển khai cách tiếp cận mạnh mẽ hơn nhằm khẳng định sự ủng hộ của mình đối với các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thể hiện sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông khi cho rằng các tuyên bố yêu sách của Trung Quốc đối với một số cấu trúc địa hình chìm và nổi khi thủy triều xuống thấp là bất hợp pháp, đồng thời bác bỏ các yêu sách này của Trung Quốc.
Trong khi đó, giới chính trị và công chúng Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Theo kết quả thăm dò dư luận do trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành, 73% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Một dự luật đề xuất các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Trung Quốc vì các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông cũng nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng.
Phát biểu của ông Joe Biden
Tổng thống đắc cử Biden dường như có quan điểm “tiêu cực hơn” về Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình. Dưới thời chính quyền Obama, ông Biden đã tương tác rất nhiều với Chủ tịch Tập Cận Bình khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc; tuy nhiên, trong một cuộc tranh luận hồi tháng 2/2020, ông đã chỉ trích mạnh mẽ ông Tập.
Trong một bài báo đăng trên trang mạng Foreign Affairs vào tháng 3 vừa qua, ông Biden cũng coi Trung Quốc là một “thách thức đặc biệt”. Ông để ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực mà hai nước có cùng có lợi , nhưng tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc.
Các cố vấn của ông Biden và những người có khả năng được lựa chọn tham gia Nội các mới dường như cũng có thái độ cứng rắn đối với các hành vi của Trung Quốc trong khu vực. Trả lời phỏng vấn của kênh CBS News hồi tháng 9/2020, Antony Blinken – Trưởng nhóm Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Biden trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua; là người nhiều khả năng được chọn vào một vị trí hàng đầu trong chính quyền mới – coi Trung Quốc là “thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt về kinh tế, công nghệ, quân sự, thậm chí cả ngoại giao”. Ông cũng cho rằng Mỹ cần tập hợp một liên minh các nước để tạo ưu thế khi tiếp cận với Trung Quốc.
Một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền mới có thể tiếp tục chính sách của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đối với khu vực là việc ông Joe Biden có cuộc đàm thoại sau bầu cử với Thủ tướng Australia Scott Morrison. Nhóm chuyển giao quyền lực của Joe Biden ra thông cáo cho biết nhà lãnh đạo này mong muốn hợp tác nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng.