Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgăn ảnh hưởng TQ ở khu vực, Ấn Độ và Anh thắt...

Ngăn ảnh hưởng TQ ở khu vực, Ấn Độ và Anh thắt chặt quan hệ

Ấn Độ và Anh đang xích lại gần nhau hơn trong quan hệ song phương, trong bối cảnh lo ngại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Ấn Độ và Anh đang thúc đẩy quan hệ song phương với lộ trình 10 năm cùng thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước và tăng cường hợp tác lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời gian tới. Mục đích là kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Trong tuần này, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab có chuyến thăm 3 ngày tới Ấn Độ. Đây được xem là chuyến đi tiền trạm, chuẩn bị cho chuyến thăm đã được lên kế hoạch của Thủ tướng Boris Johnson đến Ấn Độ vào tháng 1 năm sau.

Chuyến thăm liên tiếp của lãnh đạo cấp cao của London đến New Delhi diễn ra trong bối cảnh Anh và Trung Quốc bất đồng trong loạt vấn đề liên quan đến việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh với Hong Kong cũng như quyết định cấm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi mạng 5G của Anh. Trong khi đó, căng thẳng Ấn Độ – Trung Quốc ở bên giới từ tháng 5 vẫn chưa được giải quyết.

Các nhà phân tích cho rằng, New Delhi và London đang tìm kiếm sự hỗ trợ lẫn nhau khi hai nước đứng lên đối phó với Bắc Kinh trước những tác động kinh tế và an ninh. Điều này một phần được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của London với Bắc Kinh.

“Gần đây, chính sách của Anh đối với Trung Quốc có sự thay đổi. Nước này đã hợp tác với Trung Quốc về các lĩnh vực chiến lược, quan trọng như năng lượng hạt nhân, song lập trường của London đối với Huawei trong một thời gian không rõ ràng”, tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan, chuyên gia thuộc Quỹ nghiên cứu quan sát ở Ấn Độ, cho hay.

Năm 2015, Thủ tướng Anh khi đó là David Cameron tuyên bố quan hệ Trung – Anh đã bước vào “kỷ nguyên vàng” và London là “đối tác tốt nhất ở phương Tây” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chuyên gia Rajagopalan chỉ ra, thời thế đã thay đổi.

“Giờ đây, Anh áp dụng chính sách mới với Trung Quốc và điều đó được hoan nghênh ở Ấn Độ. Có sự thay đổi trong chính sách của London, cả Anh và Ấn Độ đều đang ở cùng chiến tuyến trong việc đối phó với các thách thức từ Trung Quốc”, tiến sĩ Rajagopalan nhận định.

Hồi tháng 8, Anh đã hợp lực với các đồng minh của nhóm “Ngũ nhãn” – Australia, Canada, New Zealand và Mỹ, để lên án quyết định của chính quyền Hong Kong loại bỏ các ứng cử viên ủng hộ dân chủ và hoãn các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp của thành phố. 

Tiến sĩ Yogesh Joshi, một thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết sự thay đổi này có thể là kết quả của việc nhận ra rằng “thách thức của Trung Quốc đối với quyền bá chủ của Mỹ cũng sẽ tác động đến Anh”.

Tập trung vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Chính sự hội tụ này đã đưa London và New Delhi xích lại gần nhau trên các vấn đề khu vực. Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar trong tuần này, Ngoại trưởng Raab cho biết các nhà hoạch định chính sách của Anh dự kiến ​​sẽ công bố chiến lược hướng đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một phần của chiến lược chung mà Chính phủ Anh sẽ công bố vào năm tới. Theo chiến lược này, Anh sẽ cử nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào năm 2021.

Theo chuyên gia Jaishankar, Ấn Độ sẽ hoan nghênh sự chú ý và quan tâm mà Anh dành cho khu vực và New Delhi mong muốn được hợp tác với London ở đó.

Trong khi đó, chuyên gia Yogesh Joshi nhận định, quyết định của Anh là “bước tiến lớn” hướng tới sự hiện diện lâu dài trong khu vực và sẽ gây áp lực lên Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng đó là một chiến lược tốt hướng đến tập hợp lực lượng hải quân ở các vùng biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều đó sẽ chỉ khiến cho mưu đồ của Trung Quốc vấp phải nhiều trở ngại”, ông Yogesh Joshi nói và cho biết tác động đến “thế trận quân sự của Trung Quốc”, và thách thức các tuyên bố chủ quyền của nước này trong khu vực.

Ngoại trưởng Raab cho biết, Anh và Ấn Độ đã thảo luận về nhóm Bộ tứ (QUAD) – gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, và các kế hoạch của nhóm này “không có gì phải gián đoạn trong giai đoạn này”.

Các vấn đề tiền tệ

Ngoài các vấn đề địa chính trị và an ninh, Ấn Độ và Anh có những mối quan tâm chung trên mặt trận kinh tế. Hai nước là đối tác thương mại quan trọng của nhau, trong đó New Delhi là đối tác thương mại quan trọng nhất của London trong Khối thịnh vượng Chung (Australia, Canada, Ấn Độ, New Zealand, Pakistan, Nam Phi, Sri Lanka và Anh). Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 15,45 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020, trong đó Ấn Độ thặng dư 2 tỷ USD.

Với giá trị thương mại giữa hai quốc gia đang tăng lên – tăng từ 5 tỷ USD vào năm 2001, cả London và New Delhi đều mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế. Thông cáo của chính phủ Anh cho biết, biểu thuế quan mới do chính quyền Johnson công bố sẽ “giảm thuế đối với hàng xuất khẩu của Ấn Độ lên tới 40 triệu bảng Anh (53,5 triệu USD) hàng năm”.

“Sau khi quyết định không tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Ấn Độ đang tìm cách xây dựng các mối quan hệ thương mại ở những nơi khác”, Manoj Joshi, cựu thành viên Ban cố vấn của Hội đồng An ninh quốc gia, nơi cố vấn cho chính phủ Ấn Độ về các vấn đề chính sách chiến lược, cho hay.

 Ông Manoj Joshi cũng nói thêm rằng, sự hợp tác về chia sẻ công nghệ thông tin cũng như công nghệ quốc phòng giữa hai nước có thể diễn ra.

Chuyên gia Yogesh Joshi đã chỉ ra nỗ lực của Ấn Độ nhằm tách nền kinh tế của nước này khỏi Bắc Kinh. Trong 7 tháng qua, Chính phủ Ấn Độ đã hạn chế đầu tư của Trung Quốc, cấm hoặc hạn chế nhập khẩu trong các lĩnh vực như điện và cơ sở hạ tầng và cấm 267 ứng dụng di động của Trung Quốc. Hôm 16/12, trong một động thái khác được cho là nhằm vào Bắc Kinh, New Delhi công bố quy định an ninh quốc gia mới trong lĩnh vực viễn thông, chỉ cho phép sử dụng “các sản phẩm và nguồn thiết bị đáng tin cậy”.

“Sự phân tách của Ân Độ trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng. Điều này cũng phản ảnh thế giới tự do đang đấu tranh nhằm tránh việc nền kinh tế toàn cầu quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nền dân chủ tự do càng tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc thì càng tốt cho các chiến lược an ninh và ngoại giao của họ”, chuyên gia Yogesh Joshi cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới