Không chỉ liên tục điều tàu sân bay đến Biển Đông để tập trận, Trung Quốc dường như đang hoàn thiện hạ tầng để tàu sân bay cỡ lớn đồn trú ở căn cứ trên đảo Hải Nam.
Hôm qua 21.12, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn thông tin từ lực lượng hải quân Trung Quốc xác nhận nhóm tác chiến tàu sân bay được dẫn đầu bởi tàu sân bay Sơn Đông của nước này vừa vượt qua eo biển Đài Loan rồi tiến vào Biển Đông để tập trận.
Trả lời Thanh Niên cùng ngày, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: “Những năm gần đây, tàu sân bay Trung Quốc thường đi về phía nam vào giai đoạn này để thực hiện các cuộc tập trận, huấn luyện cho thủy thủ đoàn mà trong đó có số binh sĩ nghĩa vụ sắp ra quân. Sẽ có một đợt tập khác vào tháng 3 hoặc tháng 4 sau khi quân đội Trung Quốc tiếp nhận các binh sĩ nghĩa vụ mới”.
Ngoài ra, theo cựu đại tá Schuster, vào thời gian này trong năm, so với phía bắc thì thời tiết ở Biển Đông phù hợp hơn cho việc huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện cất và hạ cánh máy bay trên hàng không mẫu hạm. Đó là những kỹ năng quan trọng và cũng nhiều thử thách để có thể vận hành hiệu quả tàu sân bay.
Tàu sân bay Sơn Đông Ảnh: CCTV |
Mang theo nhiều thông điệp
“Tất nhiên, hoạt động lần này cũng bao hàm cả những thông điệp chính trị. Việc tàu sân bay Sơn Đông băng qua eo biển Đài Loan là cách Bắc Kinh thể hiện “quyền đi lại” ở vùng biển này. Còn việc tập trận ở Biển Đông mang thông điệp quân sự của Trung Quốc ở vùng biển này”, ông Schuster nhận xét.
Tương tự, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) chỉ ra rằng việc Trung Quốc điều tàu sân bay Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan rồi đến Biển Đông tập trận mang nhiều thông điệp.
Theo ông Nagao, eo biển Đài Loan có vị trí vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc. Khi tàu sân bay Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan cho thấy Bắc Kinh có thể điều động tàu sân bay di chuyển từ bắc đến nam và ngược lại. Như nhiều động thái quân sự và mang tính vũ lực trước đây, Trung Quốc đại lục muốn tăng cường sự đe dọa đối với Đài Loan.
“Bên cạnh đó, eo biển Đài Loan hiện đang là vùng biển có sự cạnh tranh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, đã có 12 lần tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Chính vì thế, việc tàu Sơn Đông đi qua eo biển này còn mang thông điệp của Bắc Kinh gửi đến Washington”, TS Nagao phân tích.
Đối với Biển Đông, TS Nagao cho rằng: “Trung Quốc đang phát triển các nhóm tác chiến tàu sân bay. Đầu năm nay, Trung Quốc đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan rồi đến Biển Đông để tập trận. Các nhóm tác chiến tàu sân bay thể hiện sức mạnh và tham vọng của Bắc Kinh là sử dụng lực lượng này để thể hiện sức mạnh của một cường quốc thống trị ở khu vực Biển Đông”.
Đồn trú lâu dài
Cũng theo bản tin ngày 21.12, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định sau khi kết thúc tập trận, tàu Sơn Đông sẽ quay về đồn trú ở Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam.
Thực tế, hàng không mẫu hạm Sơn Đông đã được Trung Quốc biên chế cho lực lượng hải quân của Chiến khu Nam bộ, vốn chịu trách nhiệm hoạt động ở khu vực Biển Đông. Và đảo Tam Á cũng nằm trong khu vực của Chiến khu Nam bộ.
Mỹ – Philippines bàn chuyện củng cố phán quyết về Biển Đông
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông tin Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo và người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin Jr. mới đây đã thảo luận về việc củng cố bản chất ràng buộc của phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về Biển Đông, theo CNN.
Viết trên Twitter, ông Pompeo nhấn mạnh rằng cuộc đối thoại là về Philippines và lợi ích chung của Mỹ ở Biển Đông.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo và Ngoại trưởng Locsin thảo luận “các cơ hội để củng cố hơn nữa liên minh Mỹ – Philippines và bản chất ràng buộc của phán quyết năm 2016” mà PCA đưa ra cho các bên ở Biển Đông. Bên cạnh đó, 2 nhà ngoại giao còn thảo luận các vấn đề về kinh tế, an ninh, dân chủ và ngoại giao nhân dân giữa 2 nước.
Viết trên Twitter, ông Locsin cho hay ông đã có “cuộc hội đàm tuyệt vời” và ông Pompeo cam kết sẽ cố gắng hết sức để giúp Philippines có được vắc xin Covid-19 của Hãng Pfizer (Mỹ).
Khánh An
Cùng ngày 21.12, tờ South China Morning Post đăng tải bài viết phân tích một số hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng ụ nổi mới, đủ sức phục vụ tàu sân bay cỡ lớn, ở căn cứ hải quân Du Lâm trên đảo Tam Á.
Tờ báo dẫn lời một nguồn tin thân cận với hải quân Trung Quốc cho biết ụ nổi mới này có thể chứa tàu chiến có thân rộng đến 75 m và dài 420 m. Các thông số này đủ để chứa tàu sân bay loại Type-002 như tàu Sơn Đông, phục vụ quá trình bảo trì vốn có vai trò quan trọng để vận hành tàu sân bay.
Một nguồn tin quân sự khác cũng khẳng định ụ nổi mới ở căn cứ Du Lâm để phục vụ cho tàu sân bay cỡ lớn, loại Type-002 trở lên. Sau tàu Sơn Đông, Bắc Kinh đang đẩy mạnh quá trình hoàn thiện thêm tàu sân bay nội địa trong thời gian tới.
“Trong tương lai, có lẽ Trung Quốc đồn trú ít nhất một tàu sân bay Type-002 ở Biển Đông”, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin quân sự cho biết. Điều này khiến giới quan sát càng lo ngại về nguy cơ Trung Quốc sử dụng tàu sân bay án ngữ ở Biển Đông nhằm tăng cường sức ép quân sự.