Nhóm chiến dịch của Tổng thống đắc cử Mỹ đang gây sức ép đối với EU trong việc giảm tốc về quá trình đàm phán thỏa thuận đầu tư EU – Trung Quốc.
Nhóm chiến dịch của Biden gia tăng áp lực, ngăn thỏa thuận đầu tư EU – Trung Quốc.
Liên minh châu Âu (EU) đang chịu áp lực ngày càng lớn về giảm tốc trong việc thúc đẩy thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc. Nguyên nhân xuất phát từ sự phản đối ngày càng gia tăng của Mỹ đối với bất kỳ thỏa thuận nào với Bắc Kinh không đáp ứng các tiêu chí đối với người lao động.
Hôm 20/12, đề cập đến hiệp định thương mại đầu tư EU-Trung Quốc đang được các bên đàm phán, Jake Sullivan – Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ “sớm tham vấn với các đối tác châu Âu về những lo ngại chung của chúng tôi về các hoạt động kinh tế của Trung Quốc”.
EU cho rằng, một thỏa thuận toàn diện về đầu tư với Trung Quốc sẽ yêu cầu mở cửa thị trường, loại bỏ các hành vi phân biệt đối xử. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, việc đạt được thỏa thuận toàn diện về đầu tư với EU sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh tiếp cận ưu đãi vào các thị trường châu Âu mặc cho các ý kiến lên án về cách hành xử của nước này ở Hong Kong, Tân Cương.
Theo Mikko Huotari, Giám đốc Viện Mercator về Trung Quốc ở Berlin, việc EU và Trung Quốc đạt được thỏa thuận toàn diện về đầu tư được xem là “chiến thắng mang tính biểu tượng” đối với Brussels, song sẽ khiến cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU bị đặt dấu hỏi, nhất là trong chính sách đối với Trung Quốc.
Cả EU và Trung Quốc đặt ra thời hạn cuối năm cho việc ký kết thỏa thuận, nhưng các cuộc đàm phán vẫn có thể “vấp ngã” nếu Bắc Kinh không chịu lay chuyển trước những yêu cầu chính về các vấn đề phân biệt đối xử với người lao động.
Hôm 17/12, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết lên án việc Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, kêu gọi hiệp định đầu tư giữa hai bên sẽ phải bao hàm các cam kết tôn trọng các công ước quốc tế cấm các hoạt động như vậy.
“Không có cái gọi là lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Cáo buộc này là hoàn toàn vô căn cứ, bôi nhọ và vu cáo đối với vùng Tân Cương và phía Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 22/12, không cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện những cam kết nào về các vấn đề lao động.
Một số nhà lập pháp châu Âu và các nhà phân tích Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng EU và đặc biệt là Đức, với tư cách là chủ tịch luân phiên của khối và là quốc gia EU có quan hệ thương mại sâu sắc với Trung Quốc, có thể sẵn sàng tạm gác các vấn đề lao động trong lúc gấp rút đạt được thỏa thuận cuối năm.
Các nhà lập pháp châu Âu này kêu gọi EU tạm dừng đàm phán với Trung Quốc cho đến khi EU và chính quyền Biden có cách tiếp cận chung trong vấn đề Trung Quốc. Nghị viện châu Âu sẽ có tiếng nói trong việc thông qua các thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc.
Bernd Lange, thành viên đảng Dân chủ Xã hội Đức, Chủ tịch Ủy ban thương mại của Nghị viện châu Âu, cho biết thực tế là một thỏa thuận đã gần kề mặc dù những lo ngại như vậy là “chính đáng”.
Trong khi đó, hôm 20/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thảo luận về các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận trong buổi làm việc với Đại sứ các nước EU cũng như Nicolas Chapuis, Trưởng phái đoàn EU tại Bắc Kinh. Trong tuyên bố của EU, liên minh này ghi nhận tiến triển trong các cuộc đàm phán đang diễn ra và cho biết cả hai bên đang “liên lạc liên tục để giải quyết các vấn đề còn tồn tại”.
“Chúng tôi tin rằng miễn là cả hai bên có thể đáp ứng được các mối quan tâm chung, chúng tôi sẽ có thể đạt được các mục tiêu do các nhà lãnh đạo đặt ra”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói và cho biết các cuộc đàm phán là đang ở “giai đoạn cuối”.